Ngày 4-8, Bộ Y tế công bố thêm hai ca nhiễm COVID-19 tử vong là bệnh nhân 426 và 496. Tính tới nay, Việt Nam ghi nhận tổng số tám trường hợp không qua khỏi vì dịch bệnh này.
GS.TS Nguyễn Gia Bình. Ảnh: VGP
COVID-19 như “giọt nước tràn ly”
Theo GS.TS Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng Tổ Hội chẩn chuyên môn chăm sóc điều trị ca bệnh COVID-19 diễn biến nặng, nguy kịch, cả tám trường hợp nêu trên đều mang sẵn bệnh lý nền rất nặng, cộng thêm mắc COVID-19 thì việc tử vong là điều bất khả kháng, giống như "giọt nước làm tràn ly”.
Hiện nay, một số bệnh nhân COVID-19 đang có nguy cơ tử vong cao vì bệnh lý nền nặng và tuổi cao. Nhiều người khác cũng có diễn biến nặng, nhiều bệnh mạn tính, tuổi cao, đặc biệt là có thời gian nằm điều trị ở các khoa Hồi sức cấp cứu, lọc máu lâu ngày.
Cũng theo ông Bình, tỉ lệ bệnh nhân COVID-19 tử vong theo độ tuổi (qua theo dõi 72.000 bệnh nhân ở Trung Quốc) cho thấy: tỉ lệ tử vong trên 70 tuổi là 8%; trên 80 tuổi tử vong là 14.9 %. Tại Ý, 90% tử vong là bệnh nhân 90 tuổi.
Trong đó, suy hô hấp là nguyên nhân chính, tiếp theo là suy tuần hoàn, suy đa tạng, do mắc từ trước các bệnh tim mạch, suy thận, đái tháo đường, COPD, suy giảm miễn dịch….
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đánh giá những bệnh nhân này đã suy các cơ quan quan nội tạng trong quá trình điều trị trước đây. Hệ thống miễn dịch, sức đề kháng suy yếu.
“Có những bệnh nhân suy thận mạn chạy thận chu kỳ trên 10 năm; nhiều bệnh nhân suy tim, bệnh nhân ung thư; nhiều bệnh nhân cao tuổi, có bệnh nhân đã 100 tuổi... Nay bệnh nhân bị mắc thêm COVID-19 làm cho cơ hội tiến triển của các bệnh mạn tính tăng lên, trở thành những bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng và rất nặng" – ông Khuê nói.
Việt Nam ghi nhận tổng cộng 8 ca COVID-19 tử vong
Độc lực của COVID-19 cao hơn trước đây?
Trước việc liên tiếp có các ca nhiễm tử vong, một số ý kiến cho rằng độc lực của virus SARS-CoV-2 mới tại Đà Nẵng cao hơn nhiều so với chủng trước đây.
Trả lời vấn đề này, BSCKII. Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết đợt dịch lần này ở Đà Nẵng rơi vào ba nhóm bệnh nhân rất nguy hiểm, gồm bệnh nhân suy thận mạn, chạy thận nhiều năm; bệnh nhân ở khoa ung bướu và bệnh nhân khoa hồi sức.
Theo ông Cấp, nhóm bệnh nhân này dù không mắc COVID-19 cũng đã tiềm ẩn nguy cơ tử vong. Việc bị nhiễm SARS-CoV-2 chỉ như "giọt nước tràn ly", dẫn đến tử vong cao bất thường, chứ không phản ánh sức khỏe cộng đồng hay độc lực của virus.
Cũng theo thống kê, số ca mắc COVID-19 đợt này tăng nhanh. Kết quả giải trình tự gen cho thấy đây là chủng mới xâm nhập vào Việt Nam, có đột biến làm tăng khả năng cảm nhiễm, dẫn tới tỷ lệ lây nhiễm cao.
Chỉ số lây nhiễm khoảng 5-6, cao hơn gần ba lần so với lần trước khoảng 1,8-2,2. Bên cạnh đó, nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng cũng xuất hiện.
Tại Đà Nẵng, cơ quan chức năng ghi nhận 6 ca trong cộng đồng nhưng chưa phát hiện được nguồn lây.
GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, cho hay chủng virus SARS-CoV-2 mới vừa được phát hiện tại Đà Nẵng có tốc độ lây lan nhanh hơn gấp nhiều lần, tuy nhiên độc lực không thay đổi so với chủng cũ. Việc nắm rõ về tốc độ lây lan, độc lực của chủng SARS-CoV-2 mới sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan bệnh COVID-19 một cách hiệu quả.