CSGT có quyền truy đuổi người vi phạm sang tỉnh khác?

Hỏi:

CSGT có quyền truy đuổi người vi phạm giao thông sang tỉnh khác? Thí dụ như ở các địa bàn giáp ranh như Thủ Đức (TP.HCM) với Bình Dương chẳng hạn...?

Trả lời:

Luật sư LÊ VĂN HOAN, Trưởng Văn phòng Luật sư Lê Văn (TP.HCM), có ý kiến như sau:

Thứ nhất: CSGT có quyền truy đuổi người vi phạm giao thông hay không?

Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính thì: “Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật”.

Như vậy, khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính thì CSGT phải có nghĩa vụ ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm ấy.

Theo Luật Giao thông đường bộ và Thông tư 65 năm 2012 của Bộ Công an thì CSGT được quyền dừng các phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ, đồng thời có nghĩa vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông thuộc phạm vi địa bàn tuần tra, kiểm soát; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Theo Nghị định 208/2013/NĐ-CP quy định biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ thì hànhvi “không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ” bị coi là hành vi chống người thi hành công vụ. Khi đó, người thi hành công vụ (trong trường hợp này là CSGT) có quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn, trong đó truy đuổi cũng là một trong các biện pháp ngăn chặn. Tuy nhiên, người thi hành công vụ phải thận trọng, linh hoạt trong ngăn chặn, xử lý hành vi chống người thi hành công vụ; bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản do hành vi chống người thi hành công vụ gây ra.

Như vậy, căn cứ tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, mức độ nguy hiểm đối với những người tham gia giao thông khác,... mà CSGT có thể áp dụng biện pháp truy đuổi hay không.

Thứ hai: CSGT có được quyền truy đuổi người vi phạm sang tỉnh khác?

Nghị định 208/2013/NĐ-CP quy định: “Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, đơn vị công an, quân đội, kiểm lâm, hải quan và các cơ quan, tổ chức, lực lượng thực thi công vụ khác có trách nhiệm tổ chức tuần tra, kiểm soát trên phạm vi lĩnh vực, tuyến, địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý. Khi tiến hành hoạt động tuần tra, kiểm soát, lực lượng thi hành công vụ phải sử dụng đúng trang phục, phương tiện được trang bị, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; tuân thủ trình tự, thủ tục, kế hoạch, quy trình công tác đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt”.

Với quy định như vậy thì địa hạt tỉnh này hay tỉnh khác chỉ áp dụng với CSGT thuộc công an cấp tỉnh, còn đối với CSGT trực thuộc cấp bộ thì không có giới hạn địa hạt là cấp tỉnh hay huyện mà giới hạn bởi lĩnh vực, tuyến, địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý.

Theo quan điểm của tôi thì chỉ những trường hợp người điều khiển phương tiện có dấu hiệu phạm tội nhưng khi bị CSGT yêu cầu dừng xe nhưng đối tượng bỏ chạy thì CSGT có quyền truy đuổi. Quá trình đuổi bắt phải thận trọng, linh hoạt, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản của người bị truy đuổi cũng như những người tham gia giao thông khác. Và một khi đối tượng vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì việc truy đuổi vượt quá giới hạn địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý là không sai.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm