CSGT lái ô tô vi phạm về trụ sở: Đúng hay sai?

(PLO)- Vụ việc hai CSGT thuộc phòng CSGT Công an tỉnh Hậu Giang văng tục, vi phạm quy định an toàn giao thông trong lúc điều khiển phương tiện khiến nhiều người hoang mang đặt câu hỏi.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vì sao lực lượng làm nhiệm vụ không cẩu xe người vi phạm về trụ sở mà lái xe về? Việc đăng tải các video trên có vi phạm gì mà công an phải tiến hành làm rõ nguồn gốc, động cơ, mục đích tán phát?

Đây là câu hỏi của nhiều người xung quanh vụ việc hai CSGT thuộc phòng CSGT Công an tỉnh Hậu Giang văng tục, vi phạm quy định an toàn giao thông trong lúc điều khiển phương tiện.

Phải cẩu xe hoặc chở người vi phạm đi cùng

Theo Luật sư Trần Nguyễn Duy Thăng (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ), về quy trình xử lý vi phạm hành chính, trong trường hợp lực lượng chức năng phát hiện người vi phạm các lỗi như: nồng độ cồn, ma túy, đua xe, lạng lách, không có bằng lái.... thì tiến hành lập biên bản và tạm giữ phương tiện vi phạm.

Luật sư Trần Nguyễn Duy Thăng (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ).

Luật sư Trần Nguyễn Duy Thăng (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ).

“Việc tạm giữ phương tiện phải tuân theo quy định của Điều 125, Luật xử lý Vi phạm hành chính, đồng thời, phải có Quyết định hay Biên bản tạm giữ phương tiện của người vi phạm. Cụ thể, tại thời điểm phát hiện vi phạm và tiến hành kiểm tra, nếu chủ xe không có mặt hoặc chủ xe có mặt nhưng không đủ điều kiện để tiếp tục điều khiển xe lưu thông về trụ sở thì lực lượng chức năng có thể điều xe cẩu đến để cẩu về tạm giữ.

Tuy nhiên, trước khi tiến hành cẩu xe, lực lượng chức năng phải niêm phong, lập biên bản ghi nhận hiện trạng… và quá trình cẩu phải đảm bảo an toàn, thậm chí phải trông coi phương tiện” - Luật sư Thăng giải thích thêm.

Cũng theo Luật sư Thăng, trong một số trường hợp, lực lượng thi hành nhiệm vụ cũng có thể xử lý linh hoạt bằng cách yêu cầu người vi phạm cùng lên xe để giám sát việc lực lượng chức năng di chuyển xe về trụ sở, trường hợp này không phải cẩu xe.

Ngoài ra, người vi phạm cũng có thể sử dụng điện thoại, thiết bị ghi lại hình ảnh phương tiện của mình thời điểm bị tạm giữ để có cơ sở khiếu nại nếu trong quá trình giữ xe bị hư hỏng, mất mát. Trong thời gian cẩu xe, tạm giữ phương tiện, nếu để xảy hỏng hóc thì người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ phải chịu trách nhiệm bồi hoàn theo quy định pháp luật.

Công an có cơ sở xác minh động cơ đăng video

Nói về việc các video truyền nhau trên mạng xã hội, Luật sư Thăng nhấn mạnh: “Luật cho phép người dân giám sát lực lượng chức năng thi hành nhiệm vụ nhưng phải đảm bảo một số điều kiện nhất định. Còn lực lượng công an có cơ sở để tiến hành xác minh, làm rõ nguồn gốc, động cơ và mục đích phát tán video”.

Theo Luật sư Thăng, hiện không có quy định nào của pháp luật cấm công dân quay phim, chụp ảnh lực lượng chức năng, công chức đang làm việc. Và nguyên tắc chung là công dân được làm tất cả những gì luật không cấm trừ các trường hợp cấm, hạn chế tại Điều 5, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018.

Hai CSGT thuộc phòng CSGT Công an tỉnh Hậu Giang văng tục, vi phạm quy định an toàn giao thông khi điều khiển phương tiện. Ảnh cắt từ video

Hai CSGT thuộc phòng CSGT Công an tỉnh Hậu Giang văng tục, vi phạm quy định an toàn giao thông khi điều khiển phương tiện. Ảnh cắt từ video

Ngoài ra, Thông tư số 67/2019/TT-BCA đã liệt kê cụ thể năm hình thức giám sát của nhân dân đối với lực lượng công an trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.

Trong đó, Điều 11 quy định: Thông qua các thông tin công khai của CAND và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng; thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật; thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sỹ; thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp nhưng phải đảm bảo một số điều kiện nhất định.

Tuy nhiên, việc chụp ảnh hay quay phim cần đảm bảo các điều kiện được ghi nhận tại khoản 5, Điều 11 Thông tư này. Đó là: Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sỹ khi đang thực thi nhiệm vụ; ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông) và phải tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.

“Trong vụ việc này, để đảm bảo quyền tự do ngôn luận nhưng trong khuôn khổ pháp luật, việc Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng làm rõ nguồn gốc, động cơ và mục đích phát tán đoạn video clip trên là có căn cứ. Việc có sai phạm hay không phụ thuộc vào quá trình điều tra và kết luận cuối cùng. Vì vậy, người tham gia mạng xã hội nên cẩn trọng, không nên chia sẻ hoặc bình luận tiêu cực trái với quy định pháp luật” - Luật sư Thăng nêu ý kiến.

Như PLOthông tin, mấy ngày gần đây, trên mạng xã hội lan truyền ba đoạn video ghi cảnh hai người trong trang phục lực lượng CSGT với hàm Đại úy đang điều khiển ô tô lưu thông trên đường. Đáng nói, cả hai người này không thắt dây an toàn theo quy định, thậm chí người điều khiển phương tiện còn vừa lái xe vừa nghe điện thoại. Trong khi nói chuyện, người này liên tục văng tục, chửi thề.

Đáng quan tâm, một video thể hiện khi phương tiện dừng, có người mặc thường phục tay cầm gương chiếu hậu tư vấn: “Lấy cái đế này của nó, làm cái gáo này cho cũ lại, lấy miếng kiếng này qua đền cho nó, vậy là nó giữ hiện trạng lại hà. Nếu gắn nguyên cái này nhìn mới là nó biết liền”.

Dòng trạng thái kèm theo các video đăng trên mạng xã hội facebook cho hay đây là phương tiện của một người vi phạm quy định về ATGT và bị lực lượng chức năng tạm giữ. Nhưng thay vì niêm phong phương tiện và tiến hành cẩu về trụ sở, lực lượng làm nhiệm vụ lại tự điều khiển về và xảy ra va quẹt làm bể gương chiếu hậu nên đi thay để “đền”.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.