Trong khi những nhà điều hành giải, Ban Kỷ luật và VPF còn đang cố bao che một hành vi bạo lực ở vòng 3 V-League trên sân Hàng Đẫy thì nhà báo Phan Đăng (báo Công An Nhân Dân) tiếp tục làm cho ra lẽ và “gõ cửa quan”.
Nhà báo gõ cửa công lý
Nhà báo Phan Đăng đã gửi đến Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện với tư cách của một người gõ cửa công lý và hy vọng vào “quan trên”.
Lạ thay, khi nhà báo Phan Đăng “gõ” đúng cửa thì cùng lúc Ban Kỷ luật VFF ngồi lại để phân tích cú đạp hủy hoại của Samson với cầu thủ trẻ HA Gia Lai rồi quy án. Điều mà trước đó Ban Trọng tài mổ băng nhưng vẫn bút phê là “không lỗi” rồi đến Ban Kỷ luật “phê” theo. Tiếp sau đó là VPF và ban tổ chức né tránh không dám quy một lỗi rành rành làm người hâm mộ bức xúc và mất niềm tin.
Cũng cần biết là sau khi những nhà điều hành biến lỗi bạo lực thành “hành động liều lĩnh” để cầu thủ Hà Nội thoát án thì vài ngày sau, một cầu thủ trẻ SL Nghệ An đã đánh nguội làm gãy sống mũi cầu thủ trẻ Lê Trung Hiếu của Đắk Lắk trong trận đấu vòng loại Cúp Quốc qia.
Nhiều người gọi đấy là cú đấm vào sự vô trách nhiệm của những nhà điều hành đã dung dưỡng cho những lỗi bạo lực trước đó khiến công tác giáo dục mà ông chủ tịch VFF kêu gọi các đội bóng bị phản tác dụng.
Ngay sau “thư gửi bộ trưởng” thì những nhà điều hành bóng đá Việt Nam và hơn hết là Ban Kỷ luật VFF mới sốt sắng ngồi lại và đến lúc này mới thừa nhận cầu thủ Samson của Hà Nội phạm luật và phải nhận án treo giò hai trận (!?).
Đến giờ thì nhiều người thực sự ngỡ ngàng bởi “quỹ đạo” của án phạt một cầu thủ từ vòng 3 bắt đầu từ Ban Trọng tài sang đến Ban Kỷ luật rồi ban tổ chức giải và VPF. Một vòng tròn khép kín chống lại dư luận và những nhà chuyên môn về một hành vi bạo lực. Cho đến khi có thư đến bộ trưởng và lúc “quan trên” ngó xuống thì cái “quỹ đạo” đấy lại xé ra phủ quyết các quyết định trước đây của mình để “quan trên” bớt giận. Trong khi trước đó họ bao che, che chắn cho một hành vi bạo lực rành rành.
Hành vi phạm lỗi rành rành lao vào đạp hủy hoại cầu thủ đối phương nhưng tất cả người có trách nhiệm đều bao che là không có lỗi. Ảnh cắt từ clip của VPF. Đồ họa: BB
Khi Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức bị cô lập
Đầu năm, ông Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức chúc Tết một nhà báo rồi chia sẻ về những điều tệ hại trong bộ máy liên đoàn mà theo ông cần phải cải tổ rất nhiều. Ông Đức không ngần ngại chỉ ra những bất hợp lý ai cũng thấy, những người ngồi sai vị trí thế nhưng vẫn cứ tồn tại vì những mối quan hệ lòng vòng.
Vài ngày sau khi ông Đức “vạch áo cho người xem lưng” thì các quan chức VFF lại đả phá ông Đức. Các “quan” này “đẩy” ông phó chủ tịch phụ trách tài chính nhưng không biết hết về chi thu và đang thất thế về nhiều mặt vào phe cánh tả.
Trước đây, các quan chức VFF sợ bầu Đức một phép khi ông vừa có quyền vừa có tiền. Bằng chứng là trước Tết năm ngoái, tại khách sạn Đệ Nhất thì chính bầu Đức đã thay mặt chủ tịch VFF chủ trì cuộc họp Ban Chấp hành VFF và là người phất cờ trong việc sa thải HLV Miura, đưa HLV Hữu Thắng lên. Bây giờ khi bầu Đức nói lên sự thật trong thời điểm phần “quyền” của mình hạn chế và phần “ủng hộ” cho VFF cũng chẳng còn thì ông lại bị chính các quan chức VFF đẩy sang cánh tả.
Một phần là vì chính bầu Đức từng tuyên bố nếu SEA Games 29 - 2017 mà không vô địch thì các quan chức VFF nên nghỉ hết đi, để những người khác có năng lực lên làm. Phần còn lại là ông bầu này quá thẳng và bất bình với chuyện một nhóm bảo vệ nhau làm dư luận mất niềm tin.
Bóng đá Việt Nam còn tiếp tục mất niềm tin nếu những người nói sự thật và bảo vệ sự thật cứ bị cô lập bởi những bàn tay che cả bầu trời.
Hy vọng qua vụ việc trên, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện sẽ phần nào hiểu ra được một bộ máy vì sao cứ bị ca thán là tùy tiện và xem thường người hâm mộ.
Cầu thủ Thế Nhật (SL Nghệ An) đấm gãy mũi cầu thủ Lê Trung Hiếu của Đắk Lắk tại vòng loại Cúp Quốc gia ngày 4-2 trên sân Vinh cũng đã bị Ban Kỷ luật ra án phạt phải chịu các chi phí hợp lý cho việc chữa trị chấn thương cho cầu thủ Lê Trung Hiếu theo đúng quy định về kỷ luật, nộp phạt 25 triệu đồng và bị treo giò năm trận. |