Cử người đến đóng chốt dự án để đòi tiền?

Ngày 23-1, TAND TP.HCM mở phiên xử phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại về “Tranh chấp hợp đồng thi công” giữa công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Dịch vụ Hữu Đức (Tiền Giang) và công ty TNHH Hoàng Kim Nhung (TP.HCM).

Theo đơn khởi kiện của công ty Hữu Đức, năm 2016 công ty này ký hợp đồng với công ty Hoàng Kim Nhung để thi công san lấp hạng mục san nền gói thầu công viên nghĩa trang nhân dân Mỹ Phước Tây tại thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Nội dung thỏa thuận, công ty Hữu Đức cung cấp cát và vận chuyển san lấp tới chân công trình với đơn giá 75.000 đồng/m3. Ngày 5-8-2016, hai công ty ký biên bản nghiệm thu khối lượng cát đã san lấp hơn 78.000m3. Sau đó, công ty Hoàng Kim Nhung thanh toán cho công ty Hữu Đức 300 triệu đồng (tương đương 4.000m3) và không thanh toán nữa. Vì vậy, công ty Hữu Đức khởi kiện yêu cầu đối tác thanh toán hơn 5,6 tỉ đồng và tiền lãi chậm trả.

Công ty Hoàng Kim Nhung cho rằng chưa thanh toán là vì con số hơn 78.000m3 chỉ là bảng số liệu khối lượng dự tính được lập khi hai bên ký hợp đồng. Theo Biên bản nghiệm thu ngày 16-11-2017 có sự tham gia của đơn vị giám giám sát độc lập thì khối lượng cát san lấp thực tế chỉ hơn 68.000m3. Vì khối lượng thấp hơn nên công ty không đồng ý thanh toán.

Tháng 9-2018, TAND quận Phú Nhuận (TP.HCM) xử sơ thẩm tuyên chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn buộc bị đơn phải thanh toán hơn 6,4 tỉ (bao gồm tiền gốc hơn 5,4 tỉ đồng và lãi hơn 800 trăm triệu đồng). Không đồng tình, bị đơn kháng cáo. 

Công trình khi xảy ra tranh chấp, ngưng thi công 1 tháng. Ảnh: YC

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện công ty Hoàng Kim Nhung cho rằng khối lượng cát san lấp thực tế chỉ hơn 68.000m3. Về biên bản nghiệm thu hơn 78.000m3 trước đó, theo bị đơn là do công ty Hữu Đức thuê người chặn đường ép buộc, uy hiếp nên mới ký. Công ty Hữu Đức còn cho người đến làm chòi đóng chốt tại cổng dự án, đuổi công nhân thi công, đuổi lái xe chở vật tư đến. Thời điểm đó bị đơn đã báo công an xã.

Hồ sơ thể hiện, biên bản của công an xã Mỹ Phước Tây xác nhận vào ngày 29-3-2017 khi công an xã cử lực lượng tới hiện trường đã thấy có nhiều người của công ty Hữu Đức đến đóng chốt dự án đúng như tường trình của công ty Hoàng kim Nhung. Công an đã làm việc và yêu cầu lực lượng của công ty Hữu Đức giải tán, không đóng chốt và không được đe dọa cán bộ, nhân viên công nhân đang thi công dự án.

Cạnh đó, công ty Hoàng Kim Nhung cho rằng cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng tố tụng khi không giám định khối lượng cát đã san lấp. Bị đơn sẵn sàng thanh toán đúng khối lượng cát đã san lấp nên đề nghị tòa giám định khối lượng cát thực tế đã san lấp, làm cơ sở giải quyết vụ án. Nếu cấp phúc thẩm không giám định được thì đề nghị huỷ bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ cho cấp sơ thẩm.

Đại diện công ty Hữu Đức thì không đồng ý giám định lại vì cho rằng thời gian trôi qua đã lâu và khối lượng cát cũng đã bàn giao cho bị đơn….

HĐXX: Không thể giám định khối lượng cát?

HĐXX cho rằng bị đơn nói bị ép buộc nên mới ký vào biên bản nghiệm thu hơn 78.000mnhưng không chứng minh được.

Về yêu cầu tạm dừng phiên tòa để giám định khối lượng cát san lấp, HĐXX cho rằng theo lời khai bị đơn thì hai bên đã ký biên bản nghiệm thu năm 2016, đến nay mặt bằng đã mọc cỏ nhiều. Về quy trình phải chặt cây, ủi san lấp mặt bằng mới giám định được. Trong khi diện tích đã giao cho bị đơn sử dụng hơn hai năm, quá trình hao hụt theo tự nhiên là có nên không có cơ sở để trưng cầu giám định…

Cạnh đó, HĐXX cho rằng Điều 318 Luật Thương Mại có quy định trong thời hạn sáu tháng, kể từ ngày giao hàng, bên nhận hàng có quyền khiếu nại về chất lượng hàng hoá. Đã quá thời hạn nói trên mà phía bị đơn không khiếu nại nên không có cơ sở để xem xét lại ý chí của bị đơn… Từ đó, HĐXX phúc thẩm bác kháng cáo và giữ nguyên án sơ thẩm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm