Trên thực tế, chúng ta thường gặp trường hợp các bên thỏa thuận cơ quan giải quyết tranh chấp gồm cả tòa án và trọng tài. Vậy doanh nghiệp (DN) nên lựa chọn cơ quan nào để có lợi nhất, để vừa tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc và cả đảm bảo yếu tố bí mật của DN?
Thông thường tòa án xét xử theo nguyên tắc công khai, còn trọng tài thương mại thì giải quyết với nguyên tắc không công khai nên mọi bí mật kinh doanh cũng như hoạt động của DN sẽ được giữ kín. Điều này rất có lợi cho DN, ngay cả khi thắng kiện hay thua kiện.
Thêm cái lợi nữa khi lựa chọn trọng tài thương mại là hiệu lực của phán quyết của hai cơ quan xét xử này cũng khác nhau. Nếu phán quyết của hội đồng trọng tài có giá trị chung thẩm và có thể thi hành ngay thì tòa án phải tuân thủ hai cấp xét xử (sơ thẩm và phúc thẩm). Sau khi tòa xử sơ thẩm, các đương sự vẫn có thể kháng cáo bản án sơ thẩm (nếu họ không đồng ý). Và như thế thời gian giải quyết vụ án sẽ kéo dài, dẫn đến mệt mỏi và tốn kém công sức cho DN.
Một điểm đáng lưu ý nữa của việc giải quyết bằng trọng tài đó là một trọng tài viên hoặc một hội đồng trọng tài sẽ theo đuổi giải quyết tranh chấp xuyên suốt từ khi tiếp nhận đơn kiện cho đến khi tranh chấp được giải quyết xong và ra được phán quyết. Thường thì một tranh chấp do trọng tài thương mại giải quyết khoảng 5-9 tháng là xong, có những vụ giải quyết chưa đầy ba tháng đã xong. Khi đó, trọng tài viên tìm hiểu rất kỹ vụ việc tranh chấp và tìm cách hòa giải cho các bên liên quan tìm cách khắc phục. Chẳng hạn, có vụ việc tranh chấp hợp đồng lắp đặt máy móc trong khi hòa giải họ đã tự nguyện bồi thường hợp đồng cho bên kia luôn. Cách làm việc của trọng tài viên cũng như cơ chế trọng tài rất linh động về thời gian và địa điểm (do hai bên tranh chấp lựa chọn chứ không bắt buộc phải đến trụ sở của cơ quan trọng tài như tòa án).
Chọn cơ chế trọng tài hay là tòa án luôn là băn khoăn của DN đối với giải quyết tranh chấp thương mại. Nếu cần nhanh về thời gian thì các DN nên lựa chọn cơ chế trọng tài vì cơ quan này xử lý nhanh hơn. Hiện nay các DN đã ngày càng tin tưởng, lựa chọn cơ chế trọng tài xét xử nhanh nhưng không công khai, giúp hai bên có thể được bảo mật thông tin.
Ngoài ra, chi phí giải quyết vụ tranh chấp là một vấn đề mà DN cũng cần cân nhắc. Ở đây, mức án phí của tòa án theo mức do Nhà nước quy định và thường thấp hơn mức chi phí mà DN phải trả cho việc giải quyết bằng con đường trọng tài. bù lại, khi giải quyết bằng trọng tài thương mại thì việc giải quyết sẽ được nhanh hơn, linh động hơn về thời gian và địa điểm cũng như có thể giữ lại “hòa khí”, thiện chí của các bên tranh chấp.
Trọng tài viên TRẦN VÂN LINH, Trung tâm Trọng tài thương mại TP.HCM