Cử tri mong mỏi sớm sửa đổi Luật Đất đai

Trong ngày 6-5, tại các cuộc tiếp xúc với các ứng cử viên đại biểu Quốc hội (ĐBQH), cử tri tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và TP.HCM đều nêu vấn đề Luật Đất đai năm 2013 đang có tác động rất lớn đến cả nước và mong QH sớm sửa đổi.

Tác động lớn nên cần đánh giá kỹ trước khi trình sửa

Sáng 6-5, tại TP Vũng Tàu, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và bốn ứng cử viên ĐBQH khóa XV đã có cuộc tiếp xúc cử tri thuộc đơn vị bầu cử số 1 (gồm TP Vũng Tàu, các huyện Long Điền, Đất Đỏ và Côn Đảo).

Tại buổi tiếp xúc, cử tri Hoàng Ngọc Báu (phường Thắng Tam, TP Vũng Tàu) đề nghị sớm sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 vì trong thực tế thi hành có rất nhiều vướng mắc, dẫn tới tỉ lệ khiếu nại về đất đai rất cao.

Cạnh đó, ông Báu cũng đề nghị QH giám sát các dự án, công trình trọng điểm đã được QH thông qua. Trong đó đặc biệt có các dự án đường cao tốc, không để xảy ra tình trạng đường cao tốc mới làm đã hư hỏng, phải xử lý nhiều cán bộ, gây lãng phí ngân sách, giảm niềm tin của nhân dân…

Thay mặt các ứng cử viên, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh xin tiếp thu, ghi nhận ý kiến, tâm tư nguyện vọng, mong mỏi của các cử tri. “Đúng như cử tri đã nêu, một trong những vấn đề cử tri hết sức quan tâm hiện nay là sửa đổi Luật Đất đai. Trong chương trình của QH sắp tới, Chính phủ cũng đã dự kiến trình sửa đổi Luật Đất đai. Đây cũng là một trong những luật được ưu tiên sửa đổi bên cạnh một số vấn đề khác” - Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết việc sửa đổi Luật Đất đai đã được dự kiến trình tại QH khóa XIV. Tuy nhiên, cần chuẩn bị kỹ càng hơn do luật có tác động rất lớn đến cử tri cả nước. Do đó, việc sửa đổi đòi hỏi quá trình chuẩn bị, cân nhắc kỹ càng, các cơ quan soạn thảo cần đánh giá kỹ trước khi trình. “Đây có lẽ là một trong những trọng tâm sẽ đưa ra tại kỳ họp sắp tới (kỳ họp thứ 2) của QH dự kiến diễn ra vào tháng 10-2021 hoặc năm sau!” - Phó Thủ tướng thông tin.

Trong sáng 6-5, các ĐBQH khóa XV, đơn vị bầu cử số 4 (TP.HCM) gồm các ứng viên: Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Nguyễn Thị Hồng Hạnh; PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM; bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM; Đại tá Đỗ Khắc Hưởng, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an và ông Phan Anh Sơn, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam, đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận 12.

Trước các thắc mắc của cử tri liên quan đến vấn đề đất đai, PGS-TS Trần Hoàng Ngân cho hay: “Luật Đất đai sửa đổi là khoản nợ của QH đối với người dân”.

Theo ông Ngân, tại nhiều kỳ họp vừa qua, các ĐB đã đề nghị Ủy ban Thường vụ QH sớm hoàn thiện, sửa đổi Luật Đất đai nhưng tới nay vẫn còn nợ. Mới đây, ngày 5-5, trong phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành rà soát vướng mắc của luật này để QH khóa XV sớm thông qua.

Các ứng cử viên đơn vị bầu cử số 4 (TP.HCM) trao đổi trước giờ tiếp xúc cử tri quận 12 vào sáng 6-5. Ảnh: LÊ THOA

Kỳ vọng không xa Cần Giờ sẽ thay da đổi thịt

Sáng cùng ngày, các ứng cử viên ĐBQH khóa XV đơn vị bầu cử số 9 đã có buổi tiếp xúc cử tri huyện Cần Giờ (TP.HCM).

Tại hội nghị, đa số cử tri mong muốn các ứng cử viên nếu trúng cử ĐBQH sẽ quan tâm đến việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ, dự án cầu Bình Khánh (hay còn gọi là cầu Cần Giờ). Cử tri huyện này cũng kiến nghị sớm ban hành khung pháp lý du lịch trên sông, nuôi trồng thủy sản để phát triển kinh tế huyện Cần Giờ...

Thay mặt các ứng cử viên, ông Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy Hải Phòng (nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM), hứa sẽ thúc đẩy sớm triển khai dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ 2.870 ha, bởi đây là dự án mà TP.HCM và người dân Cần Giờ đang rất trông chờ. Ông kỳ vọng tương lai không xa nữa Cần Giờ sẽ thay da đổi thịt. Cạnh đó, đây là dự án có tính động lực cho sự phát triển của Cần Giờ nói riêng và TP.HCM nói chung.

Với dự án cầu Bình Khánh, ông Trần Lưu Quang cho biết đây là công trình có ý nghĩa quyết định sự phát triển nhanh hay chậm của Cần Giờ. Do nguồn vốn lớn nên TP.HCM đang giao các sở, ngành tính toán giải pháp khả thi để triển khai dự án này với nguyên tắc: Nhà nước bỏ vốn một phần, tư nhân một phần.

Ông Trần Lưu Quang cho rằng tiềm năng và lợi thế của Cần Giờ cực kỳ lớn, dư địa về khả năng tiếp cận đất đai lớn nhất của TP.HCM. Do đó, ông mong muốn cử tri tiếp tục góp ý để lãnh đạo TP có định hướng hợp lòng dân và đảm bảo sự phát triển của huyện.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Nguyễn Thị Hồng Hạnh:

Làm cầu nối, góp phần tháo gỡ vướng mắc cho dân

Trình bày chương trình hành động của mình trước cử tri quận 12, bà  Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho hay trên cương vị là phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, bà sẽ tập trung thực hiện tốt giải pháp cải cách hành chính về thủ tục hộ tịch, công chứng, lý lịch tư pháp. Mục tiêu hướng đến là làm sao cho quy trình chặt chẽ, xác định rõ trách nhiệm cán bộ trong quá trình thụ lý, mang đến sự hài lòng đối với người dân. Cùng đó là quản lý tốt mảng bổ trợ tư pháp, cung cấp dịch vụ pháp lý cho người dân.

Bà Hạnh cũng cho hay sẽ tiếp tục tham gia tham mưu cho Thành ủy, HĐND, UBND TP về xây dựng thể chế. Từ đó, đưa Nghị quyết 54/2017 của QH về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM; Nghị quyết 131/2020 của QH về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM và Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ QH về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM đi vào cuộc sống.

“Năm nay, tôi sẽ cùng các ngành tham mưu cho được cơ chế đặc thù đối với TP Thủ Đức, đây là mô hình mới mà cả nước chỉ có một” - bà Hạnh nhấn mạnh.

Bà Hạnh nhìn nhận mỗi cử tri đều có trăn trở với những vấn đề của đất nước, cũng như gặp khó khăn, bất cập trong cuộc sống. “Tôi sẵn lòng làm cầu nối giữa cử tri với các cơ quan, QH, phản ánh trung thực những vấn đề vướng mắc, là điểm nghẽn hiện nay của TP đến QH và các cơ quan ban ngành” - bà Hạnh cho hay. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới