TP.HCM ưu tiên khép kín đường vành đai 2, 3

Ngày 5-5, UBND TP.HCM đã tổ chức hội thảo khoa học định hướng phát triển kinh tế - xã hội TP thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Dự hội thảo có ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, cùng nhiều lãnh đạo và các chuyên gia nhiều lĩnh vực.

TS Trần Du Lịch cho rằng trong 10 năm tới, TP.HCM cần ưu tiên đột phá
về hạ tầng giao thông kết nối vùng. Ảnh: TTBC

“Chiếc áo” quá chật, hạn chế sự sáng tạo

Góp ý tại hội thảo, TS Trần Du Lịch cho rằng năm 2020, ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 đã làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP suy giảm. Tuy nhiên, qua đó cũng cho thấy khả năng chống chịu trước những biến động bất thường của kinh tế trên địa bàn TP rất yếu, bộc lộ những bất cập và khả năng thích ứng của cơ cấu kinh tế trên địa bàn.

Theo ông, bất cập lớn nhất vẫn là hạ tầng giao thông kết nối vùng quá chậm trễ. “Là đô thị đặc biệt, nhiều lần có cơ chế đặc thù nhưng vẫn là “chiếc áo” quá chật đã hạn chế khả năng năng động, sáng tạo của TP.HCM” - TS Lịch nói. Ông Lịch cho rằng trong 10 năm tới, TP cần ưu tiên đột phá về hạ tầng giao thông kết nối vùng. Trong đó cần đẩy nhanh tiến độ các dự án như cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, TP.HCM - Mộc Bài…

Cùng với đó, TP phải đẩy nhanh xây dựng các đường vành đai kết nối vùng, ít nhất phải khép kín các đường vành đai 2 và 3 trong năm năm tới. Việc xây dựng cầu Cát Lái nối TP.HCM với Nhơn Trạch sẽ mang tính đột phá để mở rộng không gian vùng, tạo điều kiện phát triển TP Thủ Đức. Theo ông, nếu không đột phá hạ tầng giao thông để phát triển vùng thì TP.HCM sẽ bị bó buộc và không phát triển được.

Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cũng cho rằng TP.HCM cần ưu tiên phát triển giao thông liên kết vùng. Bởi đặc trưng của TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là tỉ lệ người nhập cư cao nhất cả nước, phải đối mặt với nhiều mặt trái như kẹt xe, ngập lụt, ô nhiễm môi trường…

Để liên kết vùng, theo bà Hoàng, trước tiên cần xây dựng cầu Cát Lái qua sông Đồng Nai để kết nối hai địa phương. Cùng với đó là mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây lên 10-12 làn xe để đảm bảo kết nối sân bay Long Thành. Bởi hiện nay cao tốc này chỉ có bốn làn xe, đã quá tải và thường xuyên ùn tắc.

Ngoài ra, cần ưu tiên các dự án vành đai 3, 4 và tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam đoạn Sài Gòn - Nha Trang, cũng như tuyến đường sắt nhẹ từ sân bay Tân Sơn Nhất đến sân bay Long Thành.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, lại đề xuất thành lập quỹ phát triển vùng để huy động vốn cho các dự án có tính chất liên vùng.

“Tỉnh Tiền Giang mong muốn được hợp tác với các địa phương, nhất là TP.HCM trong một số lĩnh vực như về nông nghiệp nhằm kết nối sản xuất - tiêu thụ, thu hút đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp đã được phê duyệt, hình thành phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ” - ông Trọng nói.

 

Tái cấu trúc lại hệ thống các cơ sở đào tạo

TP.HCM cần có quy hoạch phát triển nguồn nhân lực đến năm 2030, trong đó có một chương trình tái cấu trúc lại hệ thống các cơ sở đào tạo nghề nghiệp do TP quản lý. Bên cạnh đó, TP có thể đưa ra cơ chế phối hợp giữa cơ sở đào tạo và các đơn vị sử dụng lao động để giải quyết vấn đề mâu thuẫn giữa cung và cầu của nguồn nhân lực hiện nay…

GS-TS NGUYỄN THỊ CÀNH, Trường ĐH Kinh tế - Luật
(ĐH Quốc gia TP.HCM)

Cần coi TP.HCM là siêu đô thị toàn cầu

TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, cho rằng TP.HCM cần có chiến lược hoàn toàn khác. Theo ông, việc coi TP là đầu tàu của cả nước là đúng nhưng chưa đủ, cần coi TP.HCM là siêu đô thị toàn cầu, trung tâm kinh tế - tài chính - văn hóa ở khu vực Đông Nam Á và tiến tới là châu Á. “Đó là định vị mà TP cần hướng tới” - TS Tự Anh nêu quan điểm.

Để thực hiện định vị đó, ông cho rằng cần một loạt ưu tiên chiến lược. Trong đó nên hạn chế và tiến tới không còn những ngành công nghiệp đang làm, mà nên chuyển sang dịch vụ. “Nếu TP tiếp tục định vị mình như một TP phát triển công nghiệp thì không chỉ bất khả thi, mà còn đánh mất cơ hội trong 10 đến 20 năm nữa” - ông Tự Anh nói.

Theo ông, trong 10 năm tới, động lực tăng trưởng của TP.HCM phải là năng suất. “Nếu cho tôi chọn một chữ thôi thì chữ đó là năng suất. Để thực hiện được năng suất thì phải phát triển khu vực tư nhân nội địa và đây là thế mạnh nổi bật của TP so với cả nước. Cùng với đó là tăng cường cạnh tranh nội địa, tạo ra môi trường cạnh tranh” - ông Tự Anh nói và cho rằng nếu không làm được điều này thì sẽ thụt lùi.

Ông Tự Anh cũng cho rằng TP cần khuyến khích tăng năng suất, phát triển cơ sở hạ tầng, hình thành các cụm ngành then chốt của TP, trong đó có Trung tâm tài chính quốc tế của cả nước đặt tại TP.HCM. Còn về tầm nhìn xa hơn, TP cần chuyển đổi, chuyển sang nền kinh tế có tính đổi mới, sáng tạo chứ không thuần túy dựa vào đầu tư.

Cuối cùng, ông nói muốn phát triển, muốn đi đầu, muốn trở thành siêu đô thị sánh ngang với các đô thị lớn ở khu vực thì TP.HCM cần có niềm hứng khởi và tạo ra cảm hứng cho các tỉnh, thành, cho cả quốc gia về cải cách. Đặc biệt là cải cách về môi trường kinh doanh và đầu tư. Nơi đây phải thu hút được những tập đoàn lớn nhất, phải là “đất lành chim đậu” cho người dân và tạo ra các “ổ đại bàng” cho doanh nghiệp.•

 

Năm 2022, TP.HCM sẽ hoàn thành lập quy hoạch

Phát biểu tổng kết hội thảo, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã ghi nhận tất cả ý kiến góp ý, hiến kế của các chuyên gia. Ông cho biết các ý kiến, hiến kế này nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển, vươn lên mạnh mẽ của TP.HCM, hướng tới là một đại đô thị thông minh, năng động, sáng tạo, mang đẳng cấp khu vực và quốc tế.

Ông cho biết các ý kiến, hiến kế này sẽ được nghiên cứu, chuyển hóa thành các giải pháp cụ thể, đưa vào công tác lập quy hoạch của TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ông giao Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM chủ trì hoàn chỉnh đề cương và xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch, xây dựng kế hoạch lập quy hoạch, dự toán kinh phí lập quy hoạch.

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho biết việc lập quy hoạch sẽ hoàn thành vào năm 2022.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm