Hiện nay tình trạng nhiều người không có giấy khai sinh, nhiều trẻ không được đến trường vẫn diễn ra tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh. Đây là vấn đề được ông Trần Bông (70 tuổi cử tri xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh) nêu tại buổi tiếp xúc của các Đại biểu quốc hội TP.HCM (đơn vị số 10) với cử tri huyện Bình Chánh diễn ra hôm nay (4-10).
Nhiều vấn đề được người dân Bình Chánh nêu ra tại buổi tiếp xúc cử tri hôm nay, 4-10. Ảnh: CÙ HIỀN
29 tuổi chưa có giấy khai sinh
Buổi tiếp xúc có các đại biểu Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng viện nghiên cứu phát triển TP.HCM; Phan Thanh Bình, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, giáo dục Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng quốc hội.
Ông Bông cho biết, khi thực hiện điều tra dân số trên địa bàn, ông phát hiện có rất nhiều trường hợp hiện không có giấy khai sinh, người nhiều tuổi nhất chưa có giấy khai sinh nay đã 29 tuổi, người nhỏ nhất cũng đã 5 tuổi.
Theo ông Bông, những trường hợp này không có giấy khai sinh vì họ từ nơi khác chuyển đến đây sinh sống nhưng không nhớ nơi mình đã sinh ra. Họ rất nghèo, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế nên không đi làm giấy tờ dẫn đến nhiều đứa trẻ sinh ra không được đến trường. Cũng có người làm thuê và sống trong lò làm đường mía, khi lò bị cháy, mọi giấy tờ tùy thân của họ cũng không còn. Hoặc có người có giấy chứng sinh nhưng mang đi cầm cố lấy tiền tiêu.
Đặc biệt, khi gặp chính quyền làm giấy khai sinh cho con em họ thì người dân bị chính quyền gây khó khăn. “Công an xã không tiếp nhận hồ sơ với lý do nghi ngờ đứa bé là trẻ em bị bắt cóc, phòng tư pháp cũng yêu cầu phải xác định AND để chứng minh quan hệ huyết thống giữa hai người trước khi cấp giấy khai sinh”- cử tri nêu.
Trả lời thắc mắc của ông Bông, ông Phan Thanh Bình khẳng định cán bộ xã đã làm sai trong việc cấp lại giấy khai sinh cho người dân. Theo ông Bình, người dân có thể đăng kí lại giấy khai sinh theo quy định tại điều 46 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP, Nghị định 06/2012/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 158/2005 về đăng ký và quản lý hộ tịch.
Bức xúc chuyện phải đóng tiền trước mới được tiếp máu
Một vấn đề khác, bà Nguyễn Thị Thanh Vân, cử tri xã Tân Quý Tây, cho biết, chuyện tiếp máu cho bệnh nhân khi cấp cứu xảy ra rất bất cập. Hầu hết những ca cấp cứu, khi bệnh nhân được đưa đến viện nhưng không được tiếp máu ngay mà phải chờ người nhà đến viện làm thủ tục xong xuôi. Theo bà Vân tình trạng trên xảy ra ở hầu hết tất cả các bệnh viện. Bộ y tế cần vào cuộc thanh tra kiểm tra và cần đưa ra phương án tối ưu nhất để có lợi cho người bệnh.
“Tôi là người thường xuyên hiến máu nhân đạo trong những lần toàn quốc kêu gọi hiến máu cứu người nhưng khi người thân của tôi phải cấp cứu thì các y tá, bác sỹ luôn yêu cầu người nhà phải thanh toán tiền mới tiếp máu. Người ta nói cứu người như cứu hỏa mà bác sỹ phải đợi người nhà bệnh nhân phải có hóa đơn biên lai đóng tiền trước khi tiếp máu thì bất cập quá” - Bà Vân bức xúc nêu quan điểm.
Phản hồi, ông Phan Thanh Bình nói Bộ Y tế đã có quy định đối với những người từng tham gia hiến máu nhân đạo sẽ được phát một chiếc thẻ chứng nhận hiến máu. Nếu sau này khi nhập viện cần được tiếp máu, người đó chỉ cần mang theo tấm thẻ thì sẽ được miễn phí số toàn bộ lượng máu trong lần nhập viện. Với khoản tiền bệnh nhân phải thanh toán khi tiếp máu là tiền phí vận chuyển và bảo quản máu chứ không phải tiền mua máu.
“Trong kỳ họp tới, chúng tôi sẽ có kiến nghị đến Quốc hội về vấn đề cử tri đề cập đó là thanh toán tiền của bệnh nhân trước khi được tiếp máu trong các ca cấp cứu” – ông nói.