Của Vu Gia phải trả lại cho Vu Gia

Ngay từ đầu buổi làm việc, ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng, đã chỉ ra sự “cù nhầy” của thủy điện Đắk Mi 4 khi thủy điện không thực hiện theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Công văn số 2840 ngày 29-4-2010 của Văn phòng Chính phủ với nội dung yêu cầu Đắk Mi 4 xả nước về lại cho sông Vu Gia với lưu lượng 25 m3/giây.

Sẽ đòi lên tận Thủ tướng

Ông Thắng bức xúc: việc đảm bảo lợi ích kinh tế của nhà máy là rất quan trọng nhưng ưu tiên số một bây giờ là nước sinh hoạt cho người dân. Nếu cần thiết TP sẽ dùng đến pháp luật để buộc thủy điện Đắk Mi 4 trả nước cho sông Vu Gia. “Các anh lấy của Vu Gia thì phải trả lại cho Vu Gia. Nếu không trả, TP sẽ gửi công văn đến Thủ tướng và các bộ, ngành để buộc thủy điện Đắk Mi 4 trả lại dòng chảy cơ bản vốn có của Vu Gia. Cần thiết phải hy sinh ĐắK Mi 4 để phục vụ nước sinh hoạt, tưới tiêu cho nhân dân. Chúng tôi kiên quyết đòi thủy điện phải xả 25 m3/giây và ngừng phát điện để tích nước. Vì mực nước tự nhiên chảy về Đắk Mi 4 vẫn tương đối cao từ 25 m3/giây đến 40 m3/giây. Lượng nước này đủ cứu hạn cho Đà Nẵng” - ông Thắng nhấn mạnh.

Theo ông Thắng, TP đang phải cật lực chống hạn cho hơn 3.000 ha lúa. Nguồn nước sinh hoạt phải đi lấy tại đập An Trạch cách nhà máy Cầu Đỏ 10 km. Đến thời điểm này, hạn hán đã ở mức độ báo động khẩn cấp. Nước tại sông Ái Nghĩa đang thấp nhất trong vòng gần 40 năm qua. Khoảng 10.000 ha lúa các huyện bắc Quảng Nam và Đà Nẵng đang có nguy cơ mất trắng, hơn 1 triệu dân đang thiếu nước sinh hoạt.

“Trước đây, nước từ hệ thống sông Vu Gia đổ về Thu Bồn thông qua sông Quảng Huế chỉ 20% nhưng sau khi có thủy điện Đắk Mi 4 lượng nước này đã tăng lên 60%. Vì vậy, nước từ sông Ái Nghĩa đổ về hạ du Vu Gia từ 80% đã giảm xuống còn 40%. Bây giờ thì hoàn toàn cạn kiệt. Sông không có nước làm độ mặn ở mức kỷ lục” - ông Thắng chỉ trích.

Của Vu Gia phải trả lại cho Vu Gia ảnh 1

Dưới chân cửa xả đập thủy điện Đắk Mi 4, nước sông cạn kiệt. Ảnh: LÊ PHI

Xả theo yêu cầu, khó thu hồi vốn

Ông Vũ Xuân Khu, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), thông tin: “Trong quý IV-2012, lượng nước về các hồ thủy điện thiếu hụt 15,2 tỉ m3 nước, trong đó miền Trung thiếu 11,5 tỉ m3. Vì vậy, thủy điện A Vương, Đắk Mi 4 phải sáu ngày nghỉ, sáu ngày vận hành. Hiện EVN khó can thiệp buộc các thủy điện phải xả nước vì hầu hết các thủy điện đều hoạt động theo cơ chế thị trường và không phụ thuộc vào EVN”. Cũng theo ông Khu, thủy điện Đắk Mi 4 có tuổi đời 30 năm. Vì vậy, người ta đã thiết kế để trong vòng đời đó có thể thu hồi được vốn. Còn nếu xả theo yêu cầu của TP Đà Nẵng thì nhà đầu tư không thể thu hồi lại vốn. “Nếu các thủy điện xả cứu hạn trong vòng 15 ngày thì nhà đầu tư đã lỗ 50 tỉ đồng” - ông Khu nói.

Phó Tổng Giám đốc thủy điện Đắk Mi 4, ông Đào Minh Tiến, giải trình: “Hiện lưu lượng nước về hồ Đắk Mi 4 chỉ đạt khoảng 15 m3/giây, dung tích hữu ích của hồ hiện nay chỉ khoảng 85 triệu m3/158 triệu m3, tương ứng với cao trình cao hơn mực nước chết khoảng 10 m. Hiện nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng theo yêu cầu sử dụng nước tại hạ du của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam. Trong tháng 3, thủy điện đã xả 14 lần, mỗi lần 18-20 giờ, lượng xả 50 m3/giây để phục vụ sản xuất. Những điều này đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất điện (chỉ đạt 50% kế hoạch), gây khó khăn về nguồn tiền trả nợ ngân hàng cho thủy điện”.

“Chúng tôi sẵn sàng phối hợp với hai địa phương nhưng các anh phải cân nhắc điều tiết nước cho Quảng Nam bao nhiêu, Đà Nẵng bao nhiêu. Phải làm sao có hiệu quả nhất về tài nguyên nước và giảm thiệt hại cho nhà máy. Khi có số liệu rõ ràng chúng tôi sẽ chấp hành” - ông Tiến nói.

Chặn dòng Quảng Huế, đưa nước về Vu Gia

Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng trước mắt phải đưa nước về cho TP Đà Nẵng và hạ du Vu Gia. “Đề nghị Đắk Mi 4 phải thực hiện theo tinh thần ưu tiên phục vụ nước sinh hoạt cho nhân dân, tưới tiêu rồi mới tới phát điện. Thủy điện Đắk Mi 4 phải xả lượng nước theo yêu cầu để chống hạn. Ngoài ra, phải khẩn trương chặn dòng sông Quảng Huế để ngăn không cho nước từ Vu Gia đổ sang Thu Bồn…” - ông Quang góp ý.

Kết luận cho “cuộc chiến” đòi nước, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT Nguyễn Văn Tỉnh cho hay: “Thủ tướng đã chỉ đạo phải ưu tiên nước cho sinh hoạt. Tuy nhiên, chúng ta phải làm sao để hài hòa ba mục đích giữa nước sinh hoạt, tưới tiêu và phát điện. Trước mắt, Quảng Nam và Đà Nẵng phải tận dụng tối đa các nguồn nước hiện có, nạo vét kênh mương chống hạn. Đề nghị các thủy điện trên hệ thống Vu Gia - Thu Bồn xả nước 15 ngày (kể từ ngày 15 đến 30-5) để chống hạn cho hạ du. Trong đó thủy điện A Vương xả 39 m3/giây, Đắk Mi 4 xả 51 m3/giây. Quảng Nam và Đà Nẵng phải cân đối lại nguồn nước và xem xét chuyển đổi cây trồng. Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ có thông báo về lịch xả nước cho sản xuất. Chúng tôi thống nhất việc hai địa phương cùng chặn dòng tại sông Quảng Huế để đưa nước về Vu Gia, không cho chảy về Thu Bồn”.

Hiện tại độ mặn đã ở mức kỷ lục là 16/1.000. Thủy điện không xả nước lại chặn dòng nên không thể đẩy mặn. Các trạm bơm Tứ Câu, Vĩnh Điện, Cẩm Sa… phục vụ cho toàn huyện Điện Bàn (Quảng Nam) đã không thể hoạt động mấy ngày nay.

Ông NGUYỄN ĐÌNH HẢI,
Phó Giám đốc Công ty Thủy lợi Quảng Nam

LÊ PHI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm