Sáng nay 11-4, Sở Tư Pháp (TP.HCM) phối hợp Công an TP.HCM tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng nhận diện giấy tờ giả trong năm lĩnh vực thuộc hệ quản lý hành chính và ứng dụng các mô hình của Đề án 06.
Theo đó, năm lĩnh vực bao gồm: Lĩnh vực đăng ký, quản lý cư trú; Lĩnh vực cấp, quản lý căn cước công dân, quản lý chứng minh nhân dân; Lĩnh vực định danh và xác thực điện tử; Lĩnh vực quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; Lĩnh vực cấp, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo.
Đồng thời, hướng dẫn về việc ứng dụng mô hình của Đề án 06 đối với cá nhân, tổ chức hành nghề công chứng thực hiện một số giải pháp để khai thác thông tin của công dân phục vụ hoạt động công chứng.
6 cách phân biệt thẻ CCCD thật, giả
Tại hội nghị, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an (C06) đã có hướng dẫn các cơ quan, doanh nghiệp, văn phòng công chứng cách để phân biệt VNeID thật, giả và CCCD thật, giả nhằm góp phần ngăn chặn các hành vi vi phạm, giả mạo, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Theo đó, đại diện C06 cho biết, với các doanh nghiệp, khi công dân đến xuất trình VNeID, để kiểm tra đó có phải là ứng dụng VNeID thật hay không đầu tiên người kiểm tra cần có ứng dụng VNeID. Sau đó yêu cầu công dân mở tài khoản vào mục Cá nhân, chọn “Xác minh ứng dụng qua QR Code”, tiếp đến dùng QR Code trong ứng dụng VNeID của người kiểm tra để quét lại mã của công dân.
“Mã QR Code chỉ có hiệu lực trong 60 giây, khi hết hiệu lực phải yêu cầu công dân cấp lại mã. Kết quả cho ra nếu ứng dụng hiển thị tick xanh thì ứng dụng của công dân là chính xác, hiện ra tick đỏ là giả” – vị đại diện nói.
Cũng trong hội nghị, phía đại diện C06 cũng chỉ cách để các văn phòng công chứng phân biệt thẻ CCCD thật, giả. Cụ thể, có sáu cách phân biệt:
Thứ nhất, kiểm tra thật kỹ giấy tờ được xuất trình để nhận ra điều bất thường: Xem độ cũ, mới của các loại giấy tờ, nếu giấy được cấp đã khá lâu mà các nét mực còn mới; chất liệu giấy quá dày, nặng hơn bình thường; các chi tiết in trên giấy hơi xấu, có khi sai lỗi chính tả; có dấu hiệu cố tình bôi bẩn cho khó nhận biết, các dấu mộc chìm, nổi đều có điểm sai, chữ ký không liền nét (do dùng máy scan).
Thứ hai, tăng cường tìm hiểu hỏi đối tượng: Nếu phát hiện có điều bất thường hoặc nghi ngờ, công chức tiếp nhận hồ sơ hỏi một số chi tiết trên giấy tờ, văn bản và một số chi tiết có liên quan, đồng thời quan sát thái độ, hành vi của đối tượng.
Thứ ba, cần trang bị “công cụ hỗ trợ" cho công chức tiếp nhận hồ sơ chứng thực: Sử dụng các máy soi, kính lúp để phóng đại quan sát các chi tiết trên giấy tờ, văn bản (mộc giả khi nhìn vào sẽ thấy chữ in trên mộc có những răng cưa còn thật thì không, hình quốc huy nếu giả thì rất nhạt, mất một số chi tiết còn thật thì trông rất nét) cũng mang đến một số hiệu quả nhất định trong việc phòng ngừa.
Thứ tư, liên hệ cơ quan công an để xác minh: Khi thấy có dấu hiệu nghi ngờ thì công chức tiếp nhận hồ sơ chủ động liên hệ, yêu cầu cơ quan, tổ chức nơi cấp giấy tờ, văn bản hoặc cá nhân có liên quan cung cấp những thông tin cần thiết để xác minh tính hợp pháp của giấy tờ, văn bản yêu cầu chứng thực.
Thứ năm, sử dụng phần mềm, trang bị CNTT: Sử dụng phần mềm được Rar cung cấp dịch vụ xác thực hoặc các thiết bị chuyên dụng xác thực CCCD gắn chíp (xác thực thẻ thật giả và xác thực sinh trắc học công dân). Hoặc có thể gọi đến trung tâm Rar qua số 1900.0368 để xác thực.
Thứ sáu, sử dụng ứng dụng VNeID: Xác thực hai ứng dụng VNeID bằng cách đối soát chéo hoặc sử dụng thiết bị quét mã xác thực định danh chuyên dụng (xác thực ứng dụng VNeID thật giả, xác thực khuôn mặt người dùng).
Cách công chứng viên phân biệt CCCD thật - giả
Chia sẻ với PV, một số văn phòng công chứng cho biết thời gian qua cũng gặp nhiều trường hợp đến công chứng CCCD giả.
“Tôi cũng đã từng gặp trường hợp CCCD giả rồi, khi đó thì liên hệ ngay cho công an địa phương để họ xử lý. Lâu nay, chỉ biết dùng mắt, dùng kinh nghiệm, cảm quan để nhận biết CCCD giả, bên cạnh đó cũng có dùng đèn soi. Thời gian tới có lẽ phải trang bị thêm máy soi mà C06 đã giới thiệu để phục vụ công việc” – một đại diện văn phòng công chứng cho hay.
Kết thúc hội nghị, ông Nguyễn Thành Băng, Trưởng phòng Bổ trợ Tư pháp, Sở Tư Pháp TP.HCM đề nghị trưởng các tổ chức hành nghề công chứng cần tiếp tục nghiên cứu kỹ các tài liệu, những kiến thức đã được báo cáo viên cung cấp, truyền đạt để vận dụng, thực hiện trong thực tiễn hành nghề trong thời gian tới.
Đồng thời, phổ biến, quán truyền các kiến thức, các kỹ năng mà lĩnh hội được đến đội ngũ công chứng viên, nhân viên nghiệp vụ tại đơn vị mình để mà góp phần nâng cao hơn nữa công tác phòng ngừa hành vi giả mạo trong hoạt động công chứng.
Điểm khác biệt giữa CCCD thật - giả
CCCD thật, phần Quốc huy và nét in đều rõ nét, màu sắc tươi đẹp. Còn CCCD giả, Quốc huy và nét in đều mờ nhòe, màu sắc đậm nhạt không đồng đều.
Phần chip điện tử của CCCD thật được làm bằng kim loại màu vàng gắn trực tiếp lên thẻ. Trong khi đó, ở thẻ giả, chip được in trực tiếp hoặc gắn chip từ sim điện thoại lên thẻ.
Phần chữ ký và phần dấu giữa thẻ thật và thẻ giả cũng có nhiều điểm khác biệt. Theo đó, chữ ký và dấu trên thẻ thật được in rõ nét, màu sắc độc lập và tươi, đều. Còn trên thẻ giả, phần này bị in mờ nhòe, không rõ nét, có nhiều màu pha lẫn và không đều.