Cục Đường bộ đề xuất phương án thu phí cao tốc Bắc - Nam

(PLO)- Cục Đường bộ đề xuất mức thu phí trên cao tốc Bắc - Nam được xác định trên cơ sở bù đắp chi phí vận hành, bảo trì, hoàn vốn, phù hợp với điều kiện khai thác, kinh tế - xã hội theo từng khu vực.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng về việc sớm thu phí các tuyến đường bộ cao tốc, Cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản đề xuất phương án thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Thu phí theo cơ chế phí hay giá?

Cục Đường bộ cho biết Quốc hội cho chủ trương đầu tư 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 và 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Trong đó, ba dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT; 20 đoạn tuyến do Nhà nước dùng ngân sách đầu tư. Như vậy, đến cuối năm 2023 sẽ có tổng số khoảng 411,6 km đường cao tốc đầu tư bằng ngân sách nhà nước hoàn thành và đưa vào khai thác.

Cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 là dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 1. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 là dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 1. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Theo Cục Đường bộ, Luật Phí và lệ phí quy định các dự án cao tốc do Nhà nước đầu tư chưa được quy định là dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh nên không được áp dụng hình thức thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc.

Cục Đường bộ đề xuất Bộ GTVT xem xét, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho phép thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư theo cơ chế phí.

Trong quá trình nghiên cứu trước đây, để có thể tiếp tục tổ chức thu phí sử dụng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Bộ GTVT đề xuất bổ sung quy định cho phép thu phí sử dụng đường cao tốc. Khi tham gia ý kiến, Bộ Tài chính nêu “việc thu phí sử dụng đường bộ hoàn vốn dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương thông qua trạm thu phí cần phải được báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định” vì luật chưa cho phép.

Thêm vào đó, khi thông qua chủ trương đầu tư xây dựng các tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, Quốc hội giao Chính phủ thu hồi vốn của Nhà nước đã đầu tư.

Từ giữa năm 2018, Thủ tướng giao Bộ GTVT xây dựng đề án quản lý, khai thác đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương và các đường cao tốc do Nhà nước đầu tư. Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ liên quan xây dựng và hoàn thiện đề án. Theo đó, các bộ nhất trí cần thiết phải quy định thu phí, giá dịch vụ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường cao tốc.

Sau đó, Bộ Tài chính thực hiện xây dựng hồ sơ báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung trên, trong đó báo cáo thực hiện theo hai cơ chế giá và phí.

Quá trình xây dựng hồ sơ, quan điểm của Bộ GTVT trước sau như một đó là thực hiện việc thu phí các tuyến cao tốc theo cơ chế phí. Tuy nhiên, Bộ Tài chính bảo lưu quan điểm theo cơ chế giá. Vì vậy, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao các bộ họp, thống nhất nội dung trước khi trình.

Đến nay Bộ Tài chính và Bộ GTVT mới thống nhất được nội dung về phạm vi các đoạn đường sẽ thu tiền, đó là áp dụng thu trên tất cả đường cao tốc do Nhà nước đầu tư. Riêng nội dung về cơ chế thu (phí hoặc giá) hai bộ vẫn bất đồng quan điểm.

Lý do phải thu phí

Cục Đường bộ cho biết theo số liệu thống kê, những năm qua đối với các tuyến đường bộ do Nhà nước đầu tư (chưa thu phí), ngân sách chỉ cân đối được khoảng 830 triệu đồng/km đường cao tốc, cơ bản mới đáp ứng được yêu cầu quản lý, vận hành và bảo trì. Tuy nhiên, kinh phí kiểm toán an toàn và sửa chữa định kỳ chưa được bố trí đúng thời hạn, ảnh hưởng đến chất lượng công trình và tốc độ khai thác. Dự kiến đến năm 2025, trường hợp 1.624 km đường cao tốc đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước hoàn thành và đi vào hoạt động, yêu cầu kinh phí cho quản lý, bảo trì đường cao tốc hằng năm sẽ rất lớn, tổng nhu cầu kinh phí quản lý, bảo trì giai đoạn 2021-2025 là 9.067 tỉ đồng, bình quân 1.813 tỉ đồng/năm. Với số tiền này, ngân sách nhà nước sẽ gặp khó khăn.

Thu phí trên cao tốc có tuyến đường song hành

Tháng 2 vừa qua, Bộ Tài chính chủ trì đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu, xây dựng phương án thí điểm thu tiền sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư. Tiếp thu, Bộ GTVT nghiên cứu thêm phương án này để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành. Trong đó, bộ này đề xuất thời gian thu thí điểm theo cơ chế phí tối đa năm năm kể từ thời điểm triển khai thu phí. Sau thời gian thí điểm sẽ có đánh giá, tổng kết đề xuất cơ chế phù hợp.

Tuy nhiên, trong văn bản góp ý các bộ đề nghị làm rõ lý do đề xuất để trình Quốc hội ban hành chính sách về cơ chế thí điểm, trường hợp thí điểm thì quá trình triển khai cần áp dụng theo cơ chế giá hay cơ chế phí, mục đích việc thu tiền để hoàn vốn hay thu nộp ngân sách, làm rõ phạm vi áp dụng…

Sau khi tiếp thu, giải trình, Bộ GTVT vẫn đề xuất phương án thu phí theo cơ chế phí. Vì phương án này xác định mức thu linh hoạt, hướng triển khai thực hiện rõ ràng, tạo nguồn thu kịp thời cho ngân sách nhà nước, thời gian triển khai nhanh...

Trên cơ sở đó, Cục Đường bộ đề xuất Bộ GTVT xem xét, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho phép thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư theo cơ chế phí; bổ sung phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư vào danh mục phí, lệ phí kèm theo Luật Phí và lệ phí.

Việc thu phí cũng được tiến hành trên tất cả tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư nhưng có đường bộ song hành. Mức thu phí được xác định trên cơ sở bù đắp chi phí vận hành, bảo trì, hoàn vốn; phù hợp với điều kiện khai thác, kinh tế - xã hội theo từng khu vực.•

Thu phí là cần thiết

Việc thu phí đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư là cần thiết để góp phần giảm áp lực cho ngân sách. Xét từ góc độ của người sử dụng, họ hoàn toàn có thể tự do lựa chọn sử dụng hoặc không sử dụng đường cao tốc.

Chẳng hạn tuyến Hà Nội - Hải Phòng, người dân muốn di chuyển nhanh, an toàn chọn đi cao tốc. Ngược lại, tài xế có thể chọn tuyến Quốc lộ 5 với những rủi ro như di chuyển chậm, luồng xe hỗn hợp, nguy cơ tai nạn giao thông cao hơn. Những khách hàng coi “thời gian là tiền bạc” sẵn sàng chấp nhận trả phí để sử dụng đường cao tốc. Nhu cầu thu phí của Nhà nước và nhu cầu tiết kiệm thời gian của khách hàng gặp nhau, vậy “tại sao không thu phí”?

Về mức giá phải được xem xét cân đối với lưu lượng giao thông, khả năng chi trả, mong muốn chi trả của người dân tại từng thời điểm.

TS PHAN LÊ BÌNH, chuyên gia quy hoạch giao thông

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm