Bộ GTVT đề xuất cấp bách thu phí đường bộ cao tốc

(PLO)- Bộ GTVT đề xuất đưa vào Luật Đường bộ quy định thu hồi vốn nhà nước đối với các dự án do ngân sách đầu tư và dự án tư nhân chuyển giao cho Nhà nước.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Pháp luật, Bộ GTVT đang tiếp tục lấy ý kiến của các bộ, ngành về dự luật Đường bộ (được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ 2008). Điểm đáng chú ý trong dự luật là việc cơ quan soạn thảo bổ sung quy định tạo cơ chế huy động nguồn tài chính để phát triển đường bộ cao tốc.

Bổ sung quy định về thu phí

Theo Bộ GTVT, để thực hiện mục tiêu 5.000 km đường bộ cao tốc theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, nhu cầu các nguồn vốn đầu tư đến năm 2030 khoảng 813.000 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước phải đảm đương trên 239.000 tỉ đồng. Nếu giữ quy định hiện hành thì “không có cách nào huy động được vốn để tái đầu tư đường bộ cao tốc”.

Nhiều tuyến đường bộ hiện nay được đầu tư bằng ngân sách nhà nước nhưng chưa triển khai thu phí. Ảnh: V.LONG

Nhiều tuyến đường bộ hiện nay được đầu tư bằng ngân sách nhà nước nhưng chưa triển khai thu phí. Ảnh: V.LONG

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đề xuất bổ sung quy định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc đối với phương tiện lưu thông tính theo số kilomet xe chạy trên tuyến đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư và do nhà đầu tư chuyển giao cho Nhà nước theo hợp đồng dự án thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư; các nguồn thu liên quan đến sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Cơ quan soạn thảo cho rằng quy định trên sẽ giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, đặc biệt đối với các công trình kết cấu hạ tầng đường bộ đều có quy mô lớn, tổng mức đầu tư cao. Đảm bảo được mục tiêu đạt 5.000 km đường bộ cao tốc đến năm 2030.

“Về phía người dân và doanh nghiệp, chính sách này tuy làm tăng chi phí sử dụng dịch vụ đường bộ nhưng giúp họ được thụ hưởng những giá trị dịch vụ chất lượng, tiết kiệm chi phí nhiên liệu, thời gian, tăng hiệu quả kinh doanh…” - Bộ GTVT cho hay.

Vấn đề cấp thiết, phải triển khai nhanh

Tại buổi họp của ngành giao thông ngày 10-7, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng giao Vụ Tài chính phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung hoàn thiện quy định pháp luật về thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư bằng ngân sách, làm cơ sở để triển khai thu phí theo yêu cầu của Quốc hội. “Đây là vấn đề rất cấp bách, cấp thiết nên phải triển khai nhanh” - ông Thắng nói.

Địa phương được đầu tư quốc lộ

Bộ GTVT cũng cho biết dự luật lần này cũng bổ sung quy định về phân cấp, phân quyền đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì công trình đường bộ. Theo đó, UBND các tỉnh tổ chức quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì đối với quốc lộ theo phân cấp của bộ trưởng Bộ GTVT. Song song đó, cho phép các tỉnh sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp quốc lộ đi qua địa bàn nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thay vì sử dụng ngân sách trung ương như hiện nay.

Theo cơ quan soạn thảo, quy hoạch mạng lưới đường bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhu cầu vốn để đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc khoảng 2,5 triệu tỉ đồng; nhu cầu đầu tư cho các tuyến quốc lộ khoảng 655.031 tỉ đồng. Mặt khác, hằng năm vốn bảo trì cần khoảng 25.000 tỉ đồng nhưng ngân sách trung ương chỉ cấp khoảng 10.000 tỉ đồng, mới đáp ứng được 40% tổng nhu cầu quản lý, bảo trì quốc lộ.

Trong những năm tới, theo quy hoạch, chiều dài quốc lộ tăng thêm 4.800 km, đồng thời các dự án đường bộ cao tốc được đầu tư bằng ngân sách trung ương hoàn thành, nhu cầu vốn bảo trì và quản lý khai thác sẽ tăng cao.

Vì vậy, Bộ GTVT cho rằng chính sách trên sẽ tăng cường phân cấp, phân quyền, nhằm huy động tối đa các nguồn lực trong quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. “Đặc biệt tạo tính chủ động, tạo cơ chế cho các địa phương có nguồn lực có thể sử dụng ngân sách địa phương đầu tư xây dựng, nâng cấp, bảo trì đường gom, nút giao kết nối vào quốc lộ để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của mình…” - Bộ GTVT cho hay.•

Tính toán mức thu phù hợp

Một chuyên gia giao thông cho biết ở một số nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc… mạng lưới đường bộ cao tốc đều được tổ chức thu tiền để thu hồi vốn và tổ chức quản lý, vận hành, bảo trì, tái đầu tư.

Thêm vào đó, việc thu phí sẽ điều tiết lưu lượng xe trên tuyến, tránh trường hợp xe vào quá đông khiến cao tốc trở thành quốc lộ như tuyến TP.HCM - Trung Lương hiện nay. Cạnh đó, thu phí sẽ giúp kiểm soát được loại xe, tải trọng xe một cách chuẩn xác, đảm bảo được tuổi thọ bền lâu của công trình, vì xe quá trọng lượng, quá tải trọng ảnh hưởng rất lớn đến thiết kế của cao tốc.

Về mức phí, vị chuyên gia cho rằng các cơ quan chức năng phải tính toán cho phù hợp, vừa đảm bảo sức “mua” của người dân vừa đảm bảo Nhà nước thu hồi được vốn và các chi phí vận hành, bảo trì toàn tuyến. Bởi chi phí vận hành, bảo trì tuyến cao tốc cao gấp nhiều lần so với quốc lộ.

Vị chuyên gia cũng đồng tình việc địa phương bỏ tiền để làm cao tốc và sửa chữa, nâng cấp các tuyến quốc lộ. Vì quy định hiện hành tạo gánh nặng cho ngân sách trung ương trong việc đầu tư, quản lý, bảo trì quốc lộ. Cạnh đó, dự án đi qua địa phương thì các tỉnh cũng phải có nghĩa vụ đóng góp và kết nối để phát triển.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm