Cục Thương mại điện tử - Kinh tế số nói về nạn ‘bẫy’ link tiếp thị liên kết

(PLO)- Cục Thương mại điện tử - Kinh tế số yêu cầu các sàn TMĐT siết chặt các quy định về việc thực hiện quảng cáo thông qua link tiếp thị liên kết.

Thời gian qua, người sử dụng mạng xã hội đang "dậy sóng" trước tình trạng các đường link rút gọn chứa quảng cáo xuất hiện tràn lan trên Facebook. Đặc biệt là các đường link tiếp thị liên kết (link affiliate) của các sàn thương mại điện tử.

Khổ với “bẫy” link

Trần Hoàng, nhân viên văn phòng tại TP.HCM, cho biết chỉ cần vào các bài viết có tương tác cao trên Facebook sẽ thấy hàng trăm bình luận có chứa đường link affiliate dưới dạng rút gọn.

"Có lần tôi đang đọc thông tin về vụ tai nạn tại cầu Phú Mỹ trên Facebook, khi kéo xuống bình luận thấy hàng chục bình luận dẫn link về “nguyên nhân gây tai nạn”. Nhưng khi ấn vào lại là đường dẫn đến một sàn thương mại điện tử.

link tiếp thị liên kết
Link tiếp thị liên kết trá hình dưới dạng đường link trông giống một tờ báo. ẢNH: TRẦN HOÀNG

Điều đáng nói các đường link này được tạo ra gần giống đường link của tờ báo, hoặc khi cố tình tạo tên đường link liên quan tới vấn đề đang nóng, để dẫn dụ người đọc nhấp vào, và dẫn tới đường link mua hàng trên sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada… Nhiều khi dẫn tới một hội, nhóm bán hàng nào đó, rất phiền”- Trần Hoàng bức xúc nói.

Ông Nguyễn Phạm Hoàng Huy, Chủ nhiệm Bộ môn Digital Marketing Trường Cao đẳng FPT Polytechnic nhìn nhận, hiện nay các sàn TMĐT có các chính sách hoa hồng về affiliate, nên người rải link thường tìm mọi cách để dẫn dụ người xem ấn vào link này.

Các đường link affiliate rút gọn chứa quảng cáo có hai hình thức chính: do chatbot tự động đăng tải các đường link kèm bình luận mời người dùng ấn vào, tạo nên một loạt bình luận "spam" (rác). Hai là do người đăng chủ động lợi dụng các sự kiện thời sự, chính trị, xã hội đang nóng, để thay tên đường link, dẫn dụ người đọc. Dạng seeding này có xuất hiện khá nhiều trong các đợt thông tin quan trọng hoặc tin khẩn cấp.

“Dưới góc độ kinh tế, có thể người rải link sẽ được trả hoa hồng tùy theo chương trình affiliate của từng nền tảng. Song dưới góc độ marketing, việc bẫy link, có thể khiến người dùng có thiện cảm không tốt, gây ảnh hưởng xấu tới thương hiệu…”- ông Huy nói.

Có giải pháp xử lý

Trao đổi với PLO về quan điểm trước vấn nạn này, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Cục TMĐT - KTS) nhìn nhận lượt truy cập, lượt xem, lượt nhận xét, lượt giao dịch thành công được coi là thước đo về sự phổ cập của các nền tảng số nói chung, và TMĐT nói riêng.

Do đó, không chỉ doanh nghiệp TMĐT mà các doanh nghiệp khác cũng muốn có được những lợi thế này bằng cách liên kết với đối tác là người kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên không gian mạng, để thu hút, tăng lượng người xem, lượt tương tác với website, nền tảng của mình.

“Dù vậy, hiện nay, việc quảng cáo trên không gian mạng đã được điều chỉnh trực tiếp bởi pháp luật về quảng cáo, an ninh mạng và các quy định khác của pháp luật về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Theo đó, trang thông tin điện tử là một phương tiện quảng cáo và việc hợp tác giữa các chủ thể trong hoạt động quảng cáo phải thông qua hợp đồng dịch vụ quảng cáo theo quy định của pháp luật.

Việc đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung bịa đặt, sai sự thật gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội nói chung hay trong lĩnh vực TMĐT nói riêng theo quy định của luật an ninh mạng là hành vi vi phạm pháp luật”- Cục TMĐT-KTS nêu.

Cũng theo đơn vị này, Chính phủ đã quy định chi tiết thi hành một số điều của luật quảng cáo, nhất là về quản lý cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam tại Nghị định số 181/2013/NĐ-CP, Nghị định số 70/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 181/2013/NĐ-CP.

Đại diện Cục TMĐT - KTS thông tin thêm, với những trường hợp có dấu hiệu vi phạm hoạt động quảng cáo, vi phạm về an ninh mạng trên không gian mạng, Cục sẽ phối hợp cung cấp thông tin, chuyển các nội dung phản ánh, kiến nghị đến Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc các cơ quan điều tra chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an để xử lý. Mức xử lý sẽ tuỳ theo mức độ vi phạm.

“Chúng tôi cũng đã yêu cầu chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT bị phản ánh khẩn trương thực hiện các biện pháp như tăng cường rà soát, kiểm tra việc đăng tải thông tin, việc hợp tác với các đối tác hỗ trợ hoạt động TMĐT, bao gồm cả những đối tác cung cấp dịch vụ quảng cáo.

Đồng thời, chúng tôi cũng yêu cầu các chủ sàn rà soát hợp đồng cung cấp dịch vụ với đối tác, có cơ chế kiểm duyệt và thường xuyên thực hiện các biện pháp giám sát các phương thức thực hiện quảng cáo để tiếp cận, thu hút người tiêu dùng đến với nền tảng TMĐT của mình, tránh các hành vi vi phạm pháp luật”- Cục TMĐT - KTS cho biết.

Phía sàn TMĐT Shopee cũng khẳng định, hành vi "bẫy link affiliate" không phải là chủ trương của nền tảng.

Hiện sàn đang hợp tác với cơ quan chức năng để phối hợp hướng xử lý. Đồng thời báo cáo hành vi "click bait" (một dạng quảng cáo sai sự thật) của một số đối tác affiliate ra cơ quan nhà nước có thẩm quyền, để xem xét và xử lý theo đúng quy định của pháp luật, trong trường hợp các hành vi này vi phạm quy định của pháp luật.

Trước đó, Shopee cũng đã gửi thông báo chính thức tới các đối tác affiliate để chấn chỉnh quy định sử dụng link affiliate phù hợp với các chính sách của nền tảng.

Cụ thể, sàn này cho biết việc sử dụng các công cụ của một bên thứ ba để thực hiện hành vi bọc link, tạo link rút gọn và các hành vi khác có thể tác động lên link, là một trong những dấu hiệu để Shopee xác định đường dẫn tiếp thị liên kết vi phạm chính sách của Shopee.

Theo đó, link affiliate đúng quy định, phải sử dụng đường dẫn tiếp thị liên kết nguyên gốc được tạo bởi hệ thống Shopee. Không sử dụng các tài khoản mạng xã hội ảo/tài khoản bot để đăng tải các đường dẫn tiếp thị liên kết.

Nội dung bài viết đi kèm với đường dẫn tiếp thị liên kết phải trung thực, có liên quan đến sản phẩm trên sàn.

"Các hành vi lợi dụng các sự kiện thời sự để thực hiện bẫy link trên các mạng xã hội. Hành vi đặt đường dẫn affiliate trên các trang web có nội dung vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Hoặc các hành vi trục lợi khác liên quan đến việc bẫy link trên các mạng xã hội, trang tin tức, đơn cử như quảng cáo che mất nội dung và buộc người tiêu dùng phải nhấn vào pop-up, quảng cáo hoặc dù cho nhấn vào biểu tượng “x” để tắt pop-up, quảng cáo nhưng vẫn bị dẫn về Shopee… đều là các hành vi vi phạm chính sách của Shopee.

Các hành vi này sẽ được chúng tôi xử lý theo chính sách hiện hành”- Shopee nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm