Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình duyệt đội danh dự.

Củng cố truyền thống hữu nghị, vun đắp tương lai cho quan hệ Việt - Trung

(PLO)- Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc được các nhà lãnh đạo hai nước củng cố, gìn giữ và ngày càng phát triển bền vững, thể hiện sự tin cậy chính trị cao hơn.

Chuyến thăm cấp Nhà nước đến Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vừa kết thúc với sự thành công tốt đẹp trên mọi phương diện, góp phần thúc đẩy quan trọng đối với việc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.

Nhà ngoại giao Nguyễn Vinh Quang, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Trung, người đã có 46 năm nghiên cứu về Trung Quốc và quan hệ Việt - Trung, nhìn nhận: Nước ta thời gian qua có nhiều biến động về nhân sự lãnh đạo cấp cao. Trong bối cảnh ấy, đồng chí Tô Lâm phải giải quyết rất nhiều nhiệm vụ đối nội, nhất là ở thời điểm chuẩn bị Đại hội XIV nhưng đồng thời cũng phải sắp xếp thời gian cho các hoạt động đối ngoại hết sức cần thiết. Sau khi Trung ương kiện toàn nhân sự và đảm nhận thêm nhiệm vụ Tổng Bí thư, ông đã sang thăm Trung Quốc, đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị mới.

Điều này tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, củng cố môi trường chiến lược trong lúc thế giới đang trong giai đoạn bất ổn, với nhiều điểm nóng xung đột cùng cạnh tranh nước lớn gay gắt.

Củng cố truyền thống hữu nghị, vun đắp tương lai cho quan hệ Việt Nam - Trung Quốc
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình duyệt đội danh dự. Ảnh: TTXVN

Dấu ấn và di sản hai nhà lãnh đạo Nguyễn Phú Trọng - Tập Cận Bình

. Phóng viên: Với Trung Quốc, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có hàng loạt hoạt động đối ngoại, tiếp xúc cấp cao. Vậy chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vừa qua nằm vị trí nào trong dòng chảy quan hệ đó?

+ Ông Nguyễn Vinh Quang: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm kế thừa những thành tựu đối ngoại của Tổng Bí thư tiền nhiệm. Trong các trao đổi, phát biểu, cả hai nhà lãnh đạo Việt Nam, Trung Quốc đều nhắc đến cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc lần này đã nhắc lại một cách trân trọng hai Tuyên bố chung năm 2022, 2023. Trong đó nhấn mạnh nhận thức về phương châm “16 chữ” và tinh thần “4 tốt” mà các thế hệ lãnh đạo cấp cao hai nước đã khẳng định nhiều năm trước, đồng thời kiên trì thực hiện phương hướng “6 hơn” vừa thống nhất vào cuối năm 2023.

Trong “6 hơn” ấy, tin cậy chính trị cao hơn là mục tiêu bao trùm. Năm hơn tiếp theo vừa là nội dung vừa là yêu cầu nhiệm vụ, là giải pháp, đó là “Hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn; hợp tác thực chất sâu sắc hơn; nền tảng xã hội vững chắc hơn; phối hợp đa phương chặt chẽ hơn; bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn”.

Hai nhà lãnh đạo cũng tái khẳng định thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc đạt được nhiều thành quả thực chất hơn nữa.

. Những năm qua, tiếp xúc cấp cao Việt - Trung được tăng cường, vậy khối lượng công việc phải triển khai liên quan đến đối tác chiến lược toàn diện này hẳn là rất lớn?

+ Khối lượng công việc rất lớn nhưng thuận lợi. Quan hệ hai nước dưới thời cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rất phát triển.

Bị gián đoạn mấy năm do dịch COVID-19 nên ngay sau Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2022 - sự kiện chính trị trọng đại của Đảng và nhân dân Trung Quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ấy đã có chuyến thăm tới nước bạn theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình. Lần đầu tiên nước bạn mời Tổng Bí thư ta đến thăm vào thời điểm rất đặc biệt như vậy.

Chuyến thăm ấy, nhiều nội dung hợp tác bị dừng lại do dịch bệnh trước đó đã được đưa ra thảo luận, ký kết. Một năm sau, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam; 36 thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực, bao gồm hợp tác kênh Đảng đến các nội dung cấp bộ, ngành cũng đã được ký kết. Chính vì vậy ở lần này, 14 nội dung đã được tập hợp để đưa vào chương trình chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.

p23_nguyen-vinh-quang.jpg
Nhà ngoại giao Nguyễn Vinh Quang, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Trung. Ảnh: NGHĨA NHÂN

“Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc nhắc lại hai Tuyên bố chung năm 2022, 2023. Trong đó nhấn mạnh nhận thức về phương châm “16 chữ” và tinh thần “4 tốt” mà các thế hệ lãnh đạo cấp cao hai nước đã khẳng định nhiều năm trước, đồng thời kiên trì thực hiện phương hướng “6 hơn” vừa thống nhất vào cuối năm 2023.

Cuộc về nguồn của quan hệ Việt - Trung

. Trong chuyến thăm Trung Quốc lần này, điểm dừng chân đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là Quảng Châu và ở đó có hoạt động giao lưu nhân sĩ hữu nghị Trung Quốc. Dường như có gì đó rất mới?

+ Hoạt động này có ý nghĩa lịch sử, bởi đúng 100 năm trước, Bác Hồ, với biệt danh Lý Thụy, trong tư cách đại diện của Quốc tế Cộng sản đã từ Liên Xô đến Quảng Châu.

Sau 13 năm ra đi tìm đường cứu nước, Người về gần đất nước để thành lập Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng - một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cũng tại đây, Người mở những lớp bồi dưỡng cán bộ Việt Nam đầu tiên, với các học viên như Phạm Văn Đồng, Lê Hồng Phong, rồi “lưỡng quốc tướng quân” Nguyễn Sơn.

Khởi nguồn lý luận của Đảng cũng từ đây, với tác phẩm Đường kách mệnh - tập hợp những bài giảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lớp huấn luyện chính trị đặc biệt. Cũng tại đây, Bác vừa hoạt động cách mạng Việt Nam vừa tích cực tham gia cách mạng Trung Quốc và Quốc tế Cộng sản.

Hoạt động này có ý nghĩa về nguồn, khi mà tính riêng ba địa phương phía Nam Trung Quốc, gồm Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông đã có gần 70 di tích gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Còn với cách mạng Việt Nam, trải theo chiều dài lịch sử từ trước năm 1945, kháng chiến chống Pháp đến kháng chiến chống Mỹ thì còn nhiều hơn.

Ý nghĩa về nguồn ấy không chỉ là về nguồn của cách mạng Việt Nam, mà còn về nguồn của quan hệ Việt - Trung. Bởi Quảng Châu chính là nơi mà Bác Hồ và các vị lãnh đạo Trung Quốc xây dựng nền móng cho quan hệ hai nước. Tại đây, Bác là người nước ngoài duy nhất dự lễ kết hôn giữa ông Chu Ân Lai (sau này là Thủ tướng Trung Quốc) với người đồng chí Đặng Dĩnh Siêu.

10-1-le-don-ong-tap-can-binh-tham-viet-nam-vgp-8591-9761.jpg
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng phu nhân đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình cùng phu nhân trong chuyến thăm Việt Nam, tháng 12-2023. Ảnh: TTXVN

Nền tảng xã hội - nền tảng lòng dân

. Trong phương hướng “6 hơn” có một nội dung là xây dựng “nền tảng xã hội vững chắc hơn”. Theo ông, hàm ý của nội dung này là gì?

+ Lãnh đạo cấp cao hai nước đặt ra phương hướng này trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Việt Nam năm ngoái và nhắc lại trong tuyên bố chung năm nay. Trong bản tiếng Trung, các bạn diễn đạt là “nền tảng lòng dân”.

Việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm các di tích cách mạng Việt Nam tại Quảng Châu và dự gặp gỡ nhân sĩ hữu nghị Trung Quốc tại đây có hàm ý ấy. Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn rất mạnh tinh thần này.

Tại buổi gặp gỡ ấy, có một nữ y tá từng chăm sóc thương, bệnh binh Việt Nam tại BV Nam Khê Sơn thời trước năm 1975 kể chuyện rất cảm động đến rơi nước mắt. Đây là bệnh viện mà Thủ tướng Chu Ân Lai trực tiếp chỉ thị, chọn địa điểm để xây dựng theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh để cứu chữa thương, bệnh binh. Hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ ta đã được đưa sang đây chăm sóc. Về phía ta, chúng tôi cũng thường xuyên đón tiếp các đoàn cựu chiến binh Trung Quốc sang thăm Việt Nam...

Hai nước đang nỗ lực rất lớn. Ngoài Diễn đàn Nhân dân Việt - Trung thường niên mà Hội Hữu nghị Việt - Trung đang duy trì, năm 2025 sẽ là Năm giao lưu nhân văn Việt - Trung. Hai nước sẽ cùng tổ chức chuỗi hoạt động 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Thông qua kênh Đảng, thanh niên, TP hữu nghị, khai thác tốt tài nguyên “di tích đỏ” gắn với cách mạng Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng Tây, Vân Nam, Quảng Đông, Trùng Khánh của Trung Quốc…

. Xin cảm ơn ông.

Tình hữu nghị truyền thống

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong các phát biểu của mình về tình cảm những người cộng sản Trung - Việt đều dùng chữ “không quên tấm lòng ban đầu”.

Ông luôn nhấn mạnh tình hữu nghị truyền thống “vừa là đồng chí vừa là anh em” do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng các nhà lãnh đạo tiền bối gầy dựng và dày công vun đắp là tài sản quý báu của nhân dân hai nước, cần phải kế thừa tốt, bảo vệ tốt, phát huy tốt.

Còn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại cuộc gặp gỡ nhân sĩ hữu nghị Trung Quốc ở Quảng Châu trong chuyến thăm vừa qua cũng dẫn thành ngữ Trung Quốc “có láng giềng tốt hơn cả họ hàng”, “láng giềng lâu năm trở thành người thân”, “láng giềng tốt chính là báu vật” và thành ngữ Việt Nam “hàng xóm tối lửa, tắt đèn có nhau”…

Nhà ngoại giao NGUYỄN VINH QUANG

*****

Tương lai của “Hai hành lang, một vành đai”

Theo nhà ngoại giao Nguyễn Vinh Quang, quy mô hợp tác kinh tế hai nước những năm qua mở rộng rất nhanh. Trung Quốc liên tục duy trì là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ năm của Trung Quốc trên thế giới, sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga. Năm 2023, thương mại song phương giữa hai nước đạt gần 172 tỉ USD thì bảy tháng đầu năm nay, giao thương đã hơn 112 tỉ USD, tương đương 65,3% so với cả năm 2023.

Dòng vốn từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam cũng tăng mạnh những năm gần đây. Trong bảy tháng đầu năm, Trung Quốc đang dẫn đầu về số dự án đầu tư mới.

Ông Quang cho rằng nếu trước đây FDI Trung Quốc thường tập trung vào các ngành gia công đồ gỗ gia dụng, sắt thép, giày da, may mặc, chế biến thực phẩm, bao bì nhựa… thì mấy năm trở lại đây có sự chuyển dịch sang các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, linh kiện, phụ tùng cho sản xuất công nghiệp, điện tử, ô tô, năng lượng xanh.

quan-he-viet-nam-trung-quoc-tong-bi-thu-to-lam
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chứng kiến Lễ ký các văn kiện hợp tác giữa hai nước trưa ngày 19-8. Ảnh: TTXVN

“Việt Nam với Trung Quốc vừa là “kết nối cứng” vừa là “kết nối mềm” để kết nối với ASEAN và ra thế giới. Trung Quốc coi Việt Nam là đối tác quan trọng nhất trong ASEAN cả về chính trị, cả về thực lực. Việt Nam vừa chia sẻ về ý thức hệ vừa có quy mô lớn về kinh tế” - ông Quang nhìn nhận.

Ngoài ra, trong tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc lần này, lãnh đạo cấp cao hai nước đã đề cập tới khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai”.

Trong đó, tập trung thúc đẩy “kết nối cứng” giữa hai nước về đường sắt, đường bộ cao tốc, kết cấu hạ tầng cửa khẩu, nâng cấp “kết nối mềm” về hải quan thông minh; hợp tác các vấn đề quy hoạch đường sắt Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng, nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

“Nhu cầu hợp tác của Việt - Trung về đường sắt là rất lớn, không chỉ do quy mô thương mại song phương mà còn là nhu cầu mở rộng hệ thống logistics của Việt Nam sang châu Âu bằng đường sắt qua Trung Quốc cũng như thêm một cửa ngõ cho hàng hóa Trung Quốc ra thế giới” - ông Quang nói.

Đọc thêm