Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn Đại biểu cấp cao Việt Nam vừa kết thúc chuyến thăm cấp Nhà nước đến Trung Quốc (từ 18 đến 20-8).
Hợp tác thực chất sâu sắc hơn
Thông tin từ TTXVN, trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả chuyến thăm, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung cho hay đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sau khi được bầu giữ cương vị Tổng Bí thư.
Đảng, Nhà nước Trung Quốc thu xếp đón tiếp rất trọng thị, chu đáo, bố trí các biện pháp lễ tân, hậu cần, an ninh cao nhất theo nghi thức chuyến thăm cấp nhà nước với nhiều biệt lệ. Điều này thể hiện sự coi trọng quan hệ với Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam và cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
Tuy chuyến thăm chỉ diễn ra trong hơn hai ngày nhưng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước ta đã có 18 hoạt động quan trọng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình hội đàm cấp cao, chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác, dự tiệc trà và chiêu đãi cấp nhà nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng đã hội kiến với ba lãnh đạo chủ chốt của Trung Quốc gồm Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Nhân đại toàn quốc Triệu Lạc Tế, Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Cường, Chủ tịch Chính Hiệp Vương Hộ Ninh; gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ các cơ quan đại diện Việt Nam tại Bắc Kinh và cộng đồng người Việt Nam tại Trung Quốc.
Trước đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn đã đến thăm tỉnh Quảng Đông, thăm Di tích Trụ sở Việt Nam Cách mạng Thanh niên, viếng mộ Liệt sỹ Phạm Hồng Thái, dự Gặp gỡ nhân sỹ hữu nghị Trung Quốc, hội kiến với Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông Hoàng Khôn Minh.
Cùng với việc tham gia một số hoạt động chính thức cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Phu nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Ngô Phương Ly đã gặp gỡ, trao đổi với giáo sư Bành Lệ Viên, Phu nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, góp phần tăng cường hiểu biết và mối quan hệ hữu nghị giữa hai đất nước và nhân dân hai nước.
Lãnh đạo cao nhất của hai Đảng, hai nước đều khẳng định sự coi trọng quan hệ lẫn nhau. Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước đã dành nhiều quan tâm và thời lượng để trao đổi về định hướng hợp tác trên các lĩnh vực.
Trong đó, nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chiến lược như ngoại giao, quốc phòng, công an; mở rộng hợp tác kết nối giữa sáng kiến “Vành đai và Con đường” với khuôn khổ “Hai hành lang, Một vành đai”; nhất trí đẩy nhanh xây dựng “kết nối cứng” về hạ tầng cơ sở, cửa khẩu, đường sắt qua biên giới giữa hai nước; tăng cường “kết nối mềm” về hải quan thông minh.
Trung Quốc sẵn sàng cung cấp viện trợ không hoàn lại để Việt Nam quy hoạch và nghiên cứu khả thi các tuyến đường sắt kết nối Việt Nam với Trung Quốc ở phía Bắc; ủng hộ các doanh nghiệp có thực lực của Trung Quốc tham gia phát triển kinh tế tại Việt Nam…
Ngoài Tuyên bố chung giữa nước về tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc, trong chuyến thăm, hai bên đã ký kết 16 văn kiện triển khai hợp tác thiết thực trong nhiều lĩnh vực, trong đó có hợp tác lý luận, đào tạo giữa hai Đảng, giao thông, ngân hàng, giáo dục, y tế, thương mại, các nghị định thư về xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam (dừa tươi, sầu riêng đông lạnh)…
“Các văn kiện ký kết phản ánh sinh động hai bên quyết tâm thúc đẩy ‘hợp tác thực chất sâu sắc hơn’” - Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung nhấn mạnh.
Cùng nhau ôn lại quan hệ hữu nghị truyền thống đoàn kết giữa hai nước
Theo Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, điểm nhấn đáng chú ý trong chuyến thăm là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước ta đã có chuyến thăm TP Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông.
Năm 2024 vừa tròn 100 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh với danh nghĩa Cố vấn quốc tế của Quốc tế Cộng sản đặt chân đến Quảng Châu, một mảnh đất cách mạng sôi nổi của Trung Quốc và khu vực.
Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức các lớp huấn luyện chính trị, thành lập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tạo tiền đề cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam sau này.
Cũng trong thời gian từ năm 1924 đến năm 1927, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà cách mạng của Trung Quốc đã thiết lập nên mối tình hữu nghị hết sức thắm thiết mà sau này được Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo Trung Quốc miêu tả là “Mối tình thắm thiết Việt-Hoa, vừa là đồng chí, vừa là anh em”.
Vì vậy, theo ông Lê Hoài Trung, chuyến thăm Quảng Đông lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, là dịp hai bên cùng nhau ôn lại quan hệ hữu nghị truyền thống đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, giúp tạo thêm nền tảng xã hội vững chắc hơn cho quan hệ giữa hai bên.
Hướng tới năm 2025 khi hai nước kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (18-01-1950 - 18-01-2025), lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước quyết định lấy năm 2025 là “Năm giao lưu nhân văn Việt Nam-Trung Quốc”. Đây là dịp để hai bên tăng cường tuyên truyền, giáo dục về tình hữu nghị truyền thống Việt Nam-Trung Quốc, củng cố nền tảng xã hội vững chắc hơn nữa.
Chuyến thăm đã thành công rất tốt đẹp, là hoạt động quan trọng triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam, trong đó có chính sách coi trọng và ưu tiên hàng đầu quan hệ với Trung Quốc.
Những thỏa thuận cấp cao và kết quả cụ thể đạt được trong chuyến thăm sẽ tiếp tục góp phần củng cố cục diện đối ngoại thuận lợi, tạo môi trường hòa bình, ổn định, mang lại nhiều điều kiện thuận lợi hơn thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước, thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đề ra.
Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung cho rằng các cấp, các ngành, các địa phương cần nhận thức, quán triệt đầy đủ về tầm quan trọng của quan hệ Việt-Trung trong tổng thể đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của ta, cũng như tầm quan trọng của những nhận thức chung cấp cao, những thỏa thuận đạt được.
Việc quán triệt đó sẽ có tác dụng thực tế nếu đi kèm với việc tích cực, chủ động thực hiện và triển khai sáng tạo, quyết liệt, để những nhận thức chung và thỏa thuận đó thực sự lan tỏa và đi vào cuộc sống, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Các ban, bộ ngành, địa phương cần kịp thời nghiên cứu, xây dựng các chương trình, kế hoạch, lộ trình cụ thể nhằm quán triệt thực hiện nhận thức chung cấp cao một cách hiệu quả. Các cơ quan, cơ chế liên quan cũng cần định kỳ rà soát, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện.