Chiều 4-10, tại hội trường UBND huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh, tổ chức chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển”.
Tham dự chương trình có ông Lê Ngọc Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh; ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng Biên tập thường trực báo Pháp Luật TP.HCM; đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh Hà Tĩnh, huyện Nghi Xuân; đại diện các nhà tài trợ; các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương, địa phương và đông đảo bà con ngư dân tỉnh Hà Tĩnh.
Cùng ngư dân hưởng trọn niềm vui vươn khơi
Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” được chính thức khởi động từ đầu năm 2023, do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức. Chương trình sẽ đến với 28 tỉnh, thành giáp biển trên cả nước, với tổng kinh phí thực hiện hơn 30 tỉ đồng.
Hà Tĩnh là địa phương có biển thứ 17 mà báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức chương trình này.
Phát biểu mở đầu chương trình, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng Biên tập thường trực báo Pháp Luật TP.HCM, chia sẻ: “Chương trình đã đến với bà con ngư dân ở 16 tỉnh, thành có biển trên cả nước. Hôm nay, chúng tôi rất vui mừng khi đến với chính quyền và bà con ngư dân tỉnh Hà Tĩnh”.
Theo Phó Tổng Biên tập thường trực báo Pháp Luật TP.HCM, với sự ủng hộ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ban ngành, chính quyền địa phương và sự đồng hành của nhiều doanh nghiệp, đơn vị, chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đã mang đến những món quà giá trị, thiết thực.
Theo đó, với thế mạnh pháp lý, báo Pháp Luật TP.HCM đã cố gắng có những hoạt động truyền thông pháp luật thật gần gũi với đời sống ngư dân, phù hợp với từng địa phương, sát thực tiễn và hiệu quả.
Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu gỡ “thẻ vàng” như Chỉ thị 32 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và kế hoạch hành động của Chính phủ đã ban hành.
Ngoài ra, báo Pháp Luật TP.HCM cũng muốn gửi gắm những tình cảm, sự cảm thông và sẻ chia của cả nước hướng về bà con ngư dân - những người thường xuyên vươn khơi, ở những nơi đầu sóng ngọn gió không chỉ để mưu sinh, mà còn góp phần vào công cuộc thực thi quyền chủ quyền, quyền tài phán và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Đối với những cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp, nhà tài trợ, Phó Tổng Biên tập Nguyễn Đức Hiển, cho hay báo Pháp Luật TP.HCM luôn tâm niệm rằng làm sao để tình cảm và tài lực mà các nhà tài trợ gửi gắm đến chương trình phải đến đúng người, đúng lúc, có giá trị thực tế về vật chất lẫn tinh thần; làm sao để chương trình gặt hái được những thành quả có ý nghĩa lớn về chính trị, xã hội và nhân văn.
“Đó vừa là áp lực nhưng cũng là động lực rất lớn để ê kíp của chương trình dốc toàn bộ tinh thần trách nhiệm, sự sáng tạo để xây dựng và thực hiện các chương trình ở lần lượt các tỉnh, thành có biển” - ông Hiển nói.
Thông qua chương trình "Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển", báo Pháp Luật TP.HCM kỳ vọng chung tay cùng với Trung ương và chính quyền Hà Tĩnh thúc đẩy các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức của bà con ngư dân về chống đánh bắt trái phép, sớm gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC); đồng thời mang đến những món quà, tình cảm, sự động viên kịp thời, ý nghĩa để cùng bà con hưởng trọn niềm vui vươn khơi.
Góp phần xây dựng một nền thủy sản phát triển bền vững
Phát biểu tại chương trình, ông Lê Ngọc Châu, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho biết những năm qua, nghề khai thác thủy sản Hà Tĩnh có bước phát triển khá toàn diện với tốc độ tăng trưởng duy trì trên 3%/năm.
Sản lượng khai thác thủy sản hằng năm đạt trên 35.000 tấn, giá trị trên 1.800 tỉ đồng, đảm bảo sinh kế cho gần 50.000 người dân các địa phương vùng ven biển, trong đó khoảng trên 10.000 lao động trực tiếp và hàng chục ngàn lao động gián tiếp thông qua các nghề chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá..., đóng góp quan trọng vào sự phát triển ngành Nông nghiệp nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà nói chung; góp phần giữ vững an ninh trật tự, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
“Trong thời gian qua, tỉnh đã triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định IUU, gắn với thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển thủy sản bền vững”, ông Châu cho biết.
Trong đó, chính quyền Hà Tĩnh tập trung các nội dung như: Tăng cường công tác tuyên truyền đến toàn thể ngư dân và cán bộ liên quan hiểu và thực hiện theo Luật Thủy sản năm 2017; Nghị quyết số 52 ngày 22-4-2024 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động và Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư về chống khai thác IUU và các quy định liên quan.
Đồng thời, tỉnh cũng tổ chức cho ngư dân ký cam kết không khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài; triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra nghề cá hàng năm.
Từ những nỗ lực đó của chính quyền và ngư dân, đến nay, Hà Tĩnh không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, không có ngư dân bị bắt giữ vì tham gia khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng theo đại diện tỉnh Hà Tĩnh, nghề khai thác thủy sản Hà Tĩnh đang gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn, đặc biệt đời sống một bộ phận gia đình ngư dân còn gặp khó khăn.
Trước thực trạng đó, toàn tỉnh luôn quan tâm, triển khai thực hiện tốt các chương trình, chính sách về phát triển an sinh xã hội, nhất là chia sẽ khó khăn của bà con ngư dân và đồng hành cùng ngư dân, thu hút các nguồn lực xã hội nhằm hỗ trợ cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho bà con ngư dân.
“Hà Tĩnh xác định ngư dân là chủ thể quan trọng, sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền địa phương trong nỗ lực gỡ thẻ vàng của EC”, ông Châu nhấn mạnh.
Chia sẻ, đánh giá về chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho biết đây là hoạt động thiết thực, có ý nghĩa nhân văn lớn, góp phần xây dựng một nền thủy sản phát triển bền vững, tiếp thêm động lực để ngư dân tiếp tục bám biển, gìn giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
“Tôi hy vọng thông qua chương trình hôm nay, sẽ lan tỏa những thông điệp tích cực nhất, sự động viên, chia sẻ đối với ngư dân trên địa bàn tỉnh; góp phần tuyên truyền, phổ biến đến ngư dân, nâng cao nhận thức tuân thủ quy định của pháp luật khi đánh bắt trên biển; xây dựng ngành thủy sản Hà Tĩnh ngày càng vững mạnh, bền vững; góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”, ông Châu nói.
Thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, triển khai tốt các nhiệm vụ, giải pháp về chống khai thác IUU và các cơ chế, chính sách liên quan nhằm hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển; lan tỏa ý nghĩa, giá trị chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” trên toàn tỉnh, để chung tay cùng cả nước sớm gỡ thẻ vàng của EC.
Trong khuôn khổ chương trình "Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển" tại Hà Tĩnh, Ban tổ chức chương trình đã trao tặng 100 phần quà, trị giá hơn 6 triệu đồng mỗi phần cho các hộ ngư dân.
Bộ quà tặng bao gồm bình ắc quy, bóng đèn led, túi thuốc, cẩm nang “Những điều cần biết về đánh bắt hải sản”, hộp combo pin con ó, cuộn dây thừng chuyên dụng và phiếu mua hàng trị giá 1 triệu đồng.
Đặc biệt, trong số những ngư dân nhận quà từ Ban tổ chức có bà Trần Thị Phương, mẹ của ngư dân Phạm Văn Thời (xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân).
Cuối năm 2013, ngay khi nhận được tin có hai ngư dân bị chìm tàu trên vùng biển xã Xuân Yên, anh Thời cùng một số ngư dân đã lao ra sóng dữ, cứu sống được 2 ngư dân khác, sau đó do đuối sức, anh Thời bị sóng biển cuốn mất tích. Anh được công nhận liệt sĩ trong thời bình, được truy tặng Huân chương Dũng cảm.
Sau khi anh Thời hi sinh, Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ số 2 xã Xuân Yên được hình thành.
"Cảm ơn chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển' đã mang đến cho chúng tôi, những ngư dân và học sinh vượt khó, học giỏi tại tỉnh Hà Tĩnh, những món quà hết sức thiết thực, và đồng hành, chia sẻ, lắng nghe chúng tôi", bà Phương nói.
Ngoài ra, Ban tổ chức cũng trao 25 suất học bổng, mỗi suất gồm tiền mặt 2 triệu đồng và một bộ dụng cụ học tập, dành tặng các em học sinh hiếu học là con em của bà con ngư dân; và dành tặng riêng 4 chiếc máy tính bảng cho 4 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt.
Báo Pháp Luật TP.HCM mong muốn thông qua việc thực hiện chương trình này có thể hỗ trợ, động viên, đồng hành cùng bà con ngư dân; sát cánh cùng Chính phủ và chính quyền địa phương tìm giải pháp tháo gỡ thẻ vàng cho ngành hải sản của Việt Nam.
Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” do ông Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ làm Chủ tịch danh dự; nhà báo Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, làm Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình; Trưởng Ban tổ chức là Phó Tổng biên tập Nguyễn Thái Bình. Đại sứ của chương trình là hoa hậu Trái đất 2018 Nguyễn Phương Khánh.
Ngoài ra chương trình còn có sự đồng hành tham gia của đại diện: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bộ NN&PTNT; Hội Nghề cá Việt Nam; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và đại diện lãnh đạo UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố…