Sáng 3-10, Đoàn công tác của báo Pháp Luật TP.HCM do ông Phạm Phú Vinh, Phó Chánh văn phòng dẫn đầu đoàn đã đến Ngã ba Đồng Lộc dâng hương bày tỏ lòng biết ơn, sự hy sinh to lớn của các Anh hùng liệt sĩ và 10 cô gái thanh niên xung phong huyền thoại.
Theo ông Phạm Phú Vinh, đây là hoạt động hết sức ý nghĩa của đoàn trước khi Chương trình "Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” được tổ chức vào ngày 4-10 tại huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh.
Cũng theo ông Vinh, dù 56 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa của Chiến thắng Đồng Lộc, sự hy sinh anh dũng của 10 nữ liệt sĩ thanh niên xung phong, chiến tích Làng K130 vẫn còn vẹn nguyên giá trị.
“Đó là biểu tượng sáng ngời về ý chí và sức mạnh quật cường, tinh thần dũng cảm của quân và dân ta, thể hiện tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, tài mưu lược trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta”, ông Vinh khẳng định.
Trước đó, trong kháng chiến chống Mỹ, Ngã ba Đồng Lộc được xác định là “yết hầu” giao thông, bị đánh phá liên tục từ năm 1964 đến năm 1972, ác liệt nhất là năm 1968. Lúc bấy giờ có nhiều lực lượng như bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, công an, dân quân du kích…
Số người chiến đấu và phục vụ chiến đấu thời điểm đông nhất lên tới 16.000 người. Tại đây, hàng ngàn các chiến sĩ và nhân dân đã ngã xuống, trong đó phải kể đến sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái TNXP thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55 vào ngày 24-7-1968.
Đến ngày nay Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc đã được đầu tư xây dựng khang trang với nhiều công trình kiến trúc đặc biệt như: Khu mộ 10 nữ TNXP, Nhà bia tưởng niệm TNXP toàn quốc, Sa bàn chiến đấu, Nhà bảo tàng, Tháp chuông Đồng Lộc, cụm tượng 10 nữ TNXP…
Ngày mai, Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” sẽ đến với bà con ngư dân Hà Tĩnh.
Tại đây, Ban tổ chức Chương trình sẽ thăm hỏi, tặng quà cho 100 gia đình ngư dân (mỗi phần quà trị giá hơn 6 triệu đồng) gồm: Bình ắc quy, đèn led, combo pin, túi thuốc, cuốn cẩm nang, cuộn dây thừng chuyên dụng, phiếu mua hàng trị giá 1 triệu đồng. Đồng thời, BTC cũng sẽ trao tặng 25 suất học bổng cho con em các gia đình ngư dân vượt khó học giỏi.
Đây đã là địa phương có biển thứ 17 mà Pháp Luật TP.HCM tổ chức Chương trình này.
Trước đó, sau lễ ra mắt vào tháng 4-2023, Chương trình đã được tổ chức tại 16 tỉnh, thành, gồm: TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Trị, Quảng Bình, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Thuận, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Thái Bình, Khánh Hòa.
Tại 16 tỉnh, thành này, Ban tổ chức Chương trình đã thăm hỏi, tặng hơn 3.000 phần quà cho ngư dân (trị giá gần 15 tỉ đồng); khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho hàng ngàn ngư dân; tổ chức các tọa đàm pháp lý liên quan đến công tác tháo gỡ thẻ vàng IUU cho hải sản Việt; tổ chức chương trình Đáp lời cùng ngư dân để kết nối mong mỏi của bà con ngư dân với chính quyền sở tại.
Ban tổ chức Chương trình cũng đã trao tặng hơn 500 suất học bổng (trị giá hơn 1 tỉ đồng) và rất nhiều phần quà giá trị khác như dụng cụ học tập, sữa, thực phẩm cho con em ngư dân…
Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức từ đầu năm 2023, diễn ra tại 28 tỉnh, thành giáp biển trên cả nước với tổng kinh phí thực hiện hơn 30 tỉ đồng, nhằm hỗ trợ, động viên, đồng hành cùng bà con ngư dân; sát cánh cùng Chính phủ và chính quyền địa phương tìm giải pháp tháo gỡ thẻ vàng cho ngành hải sản của Việt Nam.