Cuộc chiến giành con giữa mẹ nuôi và... cha đẻ

Mới đây, chị Trương Thị Hương (ngụ xã Phú Nhuận, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre) đã gửi đơn kiện đến TAND huyện Châu Thành, Bến Tre đòi tiền công và chi phí nuôi dưỡng cháu T. từ cha đẻ của cháu. Tuy nhiên, tòa này chưa thụ lý vụ kiện này. Trước đó, TAND tỉnh Bến Tre xử phúc thẩm đã tuyên buộc chị Hương phải giao trả cháu T. cho cha đẻ của cháu là anh TVC.

Dù khó vẫn ráng nhận thêm con

Theo trình bày của chị Hương, giữa anh TMC và chị NTLP có một con chung. Nhưng khi đứa bé vừa được ba tháng tuổi thì anh C. và chị P. không còn quan hệ với nhau nữa. Chị P. giao con cho anh C. nuôi dưỡng. Thời gian sau, chị Ng. (chị ruột của anh C.) mang cháu bé đến nhờ chị Hương nuôi hộ.

Theo chị Hương, chị Ng. của anh C. nói nếu chị không nhận nuôi thì sẽ đem đứa bé bỏ ngoài đường để cho người khác nhặt nuôi. Thấy quá tội nghiệp nên chị đồng ý nhận nuôi cháu T. dù đã có chồng và hai đứa con. “Tôi không muốn đứa trẻ thơ vô tội bị bỏ rơi vất vưởng lề đường xó chợ, không có tương lai nên đã mở rộng vòng tay đón nhận cháu T. về nuôi dưỡng cho đến nay và xem cháu như con ruột của mình” - chị Hương nghẹn ngào kể. 

Chị Hương kể lúc đầu chị ngần ngại nhận cháu T. về nuôi vì cuộc sống gia đình chị lúc ấy cũng rất khó khăn. Nhưng sau đó chị Hương bàn bạc với chị Ng. là hai người sẽ cùng nuôi cháu T. cho đến lớn khôn. Cả hai cùng thỏa thuận chị Hương sẽ trực tiếp nuôi dưỡng, còn chị Ng. hứa phụ thêm mỗi tháng 1,5 triệu đồng để nuôi cháu. Nhưng chỉ được hơn một năm thì chị Ng. không còn gửi tiền cho chị nữa. Từ đó, chị cùng chồng tự gồng gánh nuôi cháu T. cho đến lớn khôn.

Chị Trương Thị Hương vẫn mong mỏi được tiếp tục nuôi dưỡng cháu T. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Kiện nhưng lòng vẫn mong mỏi tiếp tục nuôi con

Vẫn theo lời chị Hương, khi cháu T. được năm tuổi, bất ngờ anh C. trở lại đòi lại con nhưng chị Hương không chấp nhận. Vì vậy, anh C. đã kiện ra TAND huyện Châu Thành, Bến Tre để đòi lại con. Theo lời anh C., lúc mới sinh cháu T. do bận công việc làm ăn nên anh và mẹ cháu T. đã đem gửi cháu T. cho chị Hương nuôi giữ tạm thời chứ không cho con.

Xử sơ thẩm, TAND huyện Châu Thành, Bến Tre đã tuyên buộc chị Hương phải giao trả cháu T. cho anh C. trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng. Chị Hương kháng cáo. Tháng 3-2017, TAND tỉnh Bến Tre xử phúc thẩm đã bác kháng cáo và tuyên y án sơ thẩm.

Chị Hương cho biết chị rất buồn trước phán quyết của tòa. Bởi “qua năm năm, tình cảm của chị cùng gia đình với cháu T. chẳng khác gì con cái trong nhà. Nay tòa bắt phải chia lìa, hỏi ai mà không buồn”. Nhưng quan trọng hơn, theo chị, nếu vì quyền lợi của đứa trẻ thì có khi bé T. ở với chị sẽ tốt hơn. Ấy vậy mà khi tòa tuyên chị phải giao con cho cha đẻ của cháu, tòa đã không đả động gì đến tình thương, công lao nuôi dưỡng của chị cùng gia đình. Từ suy nghĩ này, chị đã làm đơn khởi kiện đến TAND huyện Châu Thành, Bến Tre với yêu cầu anh C. phải trả lại cho chị chi phí công chăm sóc, nuôi nấng cháu T. thì mới được quyền bắt con.

“Theo yêu cầu của anh C., tôi không đồng ý giao trả cháu T. cho anh C. nuôi dưỡng. Tôi mong muốn được tiếp tục nuôi cháu T. cho đến 18 tuổi. Đến lúc đó cháu T. đã có đầy đủ nhận thức, cháu muốn sống với ai thì sống, tôi không đòi hỏi công sức bỏ ra nuôi cháu. Còn nếu anh C. quyết tâm bắt lại con lúc này thì phải trả cho tôi chi phí chăm sóc, nuôi dưỡng cháu T. từ cuối năm 2012 đến thời điểm bị buộc giao trả con, chi phí tạm tính trên 460 triệu đồng” - chị Hương cho biết.

Ngày 7-7, Chi cục Thi hành án dân sự TP Bến Tre kết hợp với UBND xã Phú Nhuận, TP Bến Tre tổ chức buổi hòa giải liên quan đến việc thi hành bản án trả con giữa hai bên đương sự. Tại đây, chị Hương vẫn mong muốn được nuôi cháu T. và không đòi hỏi phía gia đình anh C. phải trả công chăm sóc. Trong khi đó, anh C. thì muốn con trở về gia đình nhưng anh không đồng ý trả công sức nuôi đứa trẻ theo yêu cầu của chị Hương. Vì vậy, buổi hòa giải bất thành.

Hãy nghĩ đến quyền lợi đứa trẻ để hành xử

Bà Hương đã nuôi cháu T. như con ngần ấy năm trời bao nhiêu là tình cảm. Về lý, bà Hương nuôi con nuôi mà không làm giấy nhận con thì khi ra pháp luật là rõ ràng yếu thế. Dù cho người cha của cháu không đủ tư cách nuôi con theo quy định pháp luật thì bà Hương cũng chưa chắc được quyền nuôi đứa bé. Vì vậy, hai cấp tòa Bến Tre tuyên vậy là đúng pháp luật.

Tôi nghĩ trên hết hai bên nên bình tâm lại. Con ruột mình thì còn đó, không ai thay đổi được; phần bà Hương dù đau thì cũng nên chấp nhận rằng đó là con của người ta. Cả hai bên đều yêu thương đứa trẻ nhưng để tốt cho cháu chỉ có cách ngồi lại với nhau cùng bàn bạc giải pháp.

Được biết hoàn cảnh của người cha hiện đang khó khăn, phải ở nhà trọ, công việc không ổn định thì khó mà chu toàn cho đứa trẻ. Trong khi cháu đang sống yên ổn trong tình thương yêu của gia đình mẹ nuôi. Nếu phải cưỡng chế giao con thì e rằng tâm sinh lý của đứa trẻ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Luật sư HUỲNH THỊ PHƯƠNG ANH, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm