Chỉ vì nghi vợ cất giấu tiền riêng mà người chồng kiếm chuyện gây mâu thuẫn. Anh ta hết đấm đá, rồi dùng chày đâm tiêu đánh liên tiếp vào đầu vợ và đòi bế con bỏ đi. Trong cơn kích động, người vợ tên T. đã xuống bếp lấy dao để tự tử. Nào ngờ, trong khi giằng co, T. đã cướp đi mạng sống của người chồng. Hình phạt lớn nhất với T. không phải chuyện vào tù mà là phải đằng đẵng xa con trong nước mắt.
Chỉ dám lén lút gặp con
T. bị tòa sơ thẩm tuyên phạt một năm sáu tháng tù về hành vi giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Bị cáo được tại ngoại vì đang có con nhỏ (bé trai, hơn hai tuổi). Thế nhưng người mẹ ấy chẳng được ở gần con. Mỗi lần nhớ con, T. chỉ biết đến nhà trẻ, lén lút nhìn thằng bé từ xa. Nhìn con vô tư cười đùa, lẫm chẫm chơi từng món đồ chơi với các bạn, nước mắt T. lăn dài. Muốn chạy đến ôm con vào lòng thật chặt mà chẳng dám. Bởi T. sợ gia đình nhà chồng phát hiện, chị sẽ bị đánh và sẽ chẳng được nhìn thấy con nữa. Tất cả chỉ vì T. dám giết chồng.
Trong phiên tòa phúc thẩm, người em chồng tố chị dâu là một người đàn bà không có tình người. T. chỉ biết im lặng. Mức án mà tòa sơ thẩm tuyên là đã xem xét hết các tình tiết giảm nhẹ và khoan hồng cho bị cáo.
Sau phiên tòa, T. nói với tôi trong nước mắt lăn dài: “Em rất nhớ con, rất hối hận và mong được gia đình nhà chồng cho em được gần con…”. Từ lúc vụ án xảy ra, lúc nào T. cũng chỉ biết nhốt mình trong phòng trừng phạt bản thân. Đã rất nhiều lần T. muốn đi xin phép nhà chồng đón con về chăm sóc, dành trọn tình yêu thương cho nó nhưng vừa bước chân ra cửa, T. chẳng dám bước tiếp...
Nhờ đến pháp luật để được ở bên con
Ở TAND cấp cao tại TP.HCM, tôi gặp chị T. đang ngồi khóc ở bậc cầu thang. Nguyên nhân chỉ vì chị bị thua kiện trong vụ kiện đòi con, bị đơn là chị gái chồng chị. Chị và chồng sống với nhau có một con trai chung nhưng không có hôn thú. Sinh con được hai tuổi, cuộc sống ở quê quá khó khăn, chị lên thành phố kiếm việc làm, gửi tiền về quê cho chồng nuôi con. Rồi anh có người phụ nữ khác và qua nước ngoài sinh sống, chị cũng có người đàn ông mới. Điều chị xót xa là con trai chung của hai người, anh đã làm giấy tờ cho chị gái mình đứng tên làm cha mẹ.
Muốn đón con về ở cùng không được, gặp con cũng khó nên chị chỉ biết đi kiện đòi lại con. Có một điều bất lợi là chị chỉ là mẹ sinh con ra chứ không được đứng tên trên các giấy tờ của thằng bé. Trước tòa, chị chẳng có chứng cứ gì ngoài tình thương mình dành cho con. Cả hai cấp tòa đều không giao con cho chị nuôi. Người phụ nữ ấy chỉ biết ngồi khóc nức nở ở bậc cầu thang. Chị nói phải xa con là nỗi bất hạnh nhất của cuộc đời mình…
Con ơi! Hãy tha lỗi cho mẹ Trong phiên xử kiện đòi con ở TAND quận 4 (TP.HCM), một phụ nữ đã thua kiện, chấp nhận để con cho chồng nuôi, còn mình ra về trong nước mắt. Con gái chị bị bệnh từ nhỏ, mỗi tháng phải vào bệnh viện truyền máu một lần mới đảm bảo được sức khỏe. Vì giận chồng, giận gia đình chồng chị bỏ đi rồi quyết định ly hôn, tòa giao con cho anh nuôi, chị chấp nhận. Không chịu được cảnh xa con, nhớ con, nhìn con đau bệnh mà mình không được chăm sóc, chị kiện thay đổi quyền nuôi con. Thế nhưng chị không thể hoàn thành ý nguyện của mình khi mà anh quá yêu con, quyết nuôi con đến cùng. Con gái anh chị cũng có nguyện vọng được ở với cha. Tôn trọng quyết định của con mà chị xót xa. Được chị nhờ chở về nhà, tôi mới cảm nhận hết tình thương mà chị dành cho con. Suốt chặng đường từ tòa về nhà, chị chỉ toàn kể về những kỷ niệm với con. Con bé thích ăn gì, uống gì, cách nó nhõng nhẽo mẹ, dành tình thương cho mẹ rồi lúc nó đau vì bị bệnh hành như thế nào cứ in sâu trong trí nhớ chị. “Con gái ơi! Hãy tha lỗi cho mẹ. Mẹ sai rồi con ạ. Nếu được quay lại thời gian, mẹ sẽ chọn ở bên con, mãi không xa con’’, ngồi sau lưng tôi, chị nghẹn ngào nói. Từng giải quyết nhiều vụ án kiện đòi con, thay đổi quyền nuôi con, ly hôn có tranh chấp quyền nuôi con mà nguyên đơn là phụ nữ, một nữ thẩm phán của TAND TP.HCM đã cảm nhận hết nỗi nhớ con và những buồn tủi khi phải xa con của một người mẹ. Chị khuyên những phụ nữ khi nằm trong các trường hợp trên thì hãy bình tĩnh, nhẹ nhàng đón nhận sự việc. Tình mẫu tử là mãi mãi và rất thiêng liêng. Con ở với ai cũng được, tình thương mình dành cho con như thế nào, bé sẽ cảm nhận được. Đối với trường hợp thứ nhất, chị khuyên T. hãy nhẹ nhàng đối diện với vụ việc. Nếu mình thành tâm thì nhất định sẽ nhận được sự tha thứ của nhà chồng để hai mẹ con được ở gần nhau. |