Mẹ bỏ con từ sơ sinh, sao giành lại vẫn được?

Theo đơn trình bày của anh NPMQ, anh và chị LTBT kết hôn năm 2010. Tháng 1-2013, bé V. ra đời nhưng hai vợ chồng bất hòa. Chị T. bỏ lên TP.HCM sinh sống, để con lại cho anh nuôi. Hai năm sau chị T. quay lại bắt bé V. đi. Từ đó, bé V. liên tục phải chuyển chỗ ở và chuyển trường theo mẹ. Anh Q. quyết định ly hôn và giành quyền nuôi con.

Xử sơ thẩm hồi tháng 9-2015, TAND quận Tân Phú quyết định giao bé V. cho anh Q. nuôi dưỡng. Tuy nhiên, đến cấp phúc thẩm lại bác kết quả xử sơ thẩm, giao lại bé V. cho mẹ nuôi dưỡng vì lý do khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định “con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.

Mặc dù đây chỉ là một vụ ly hôn như những vụ khác đang diễn ra nhưng lại khiến công chúng và bạn đọc vô cùng quan tâm bởi bản án có vẻ quá bất công cho người cha.

 Ảnh minh họa

Suốt hai năm anh một mình nuôi đứa con vừa lọt lòng mẹ, anh có đủ cơ sở vật chất và sự hỗ trợ từ người thân, cuộc sống ổn định, hoàn toàn đảm bảo cho tương lai bé phát triển. Bao nhiêu yêu thương, trách nhiệm và điều kiện tốt vẫn phải nhường bước trước quy định “con dưới 36 tháng tuổi….”.

Chính vì vậy, 100% ý kiến bạn đọc gửi về Pháp Luật TP.HCM đều phản đối phán quyết của tòa. “Đề nghị báo lên tiếng vụ này để tránh trường hợp cha mẹ bỏ con đi rồi quay về hưởng lợi, pháp luật không nên hợp thức hóa việc bỏ con”, là ý kiến đầy nghiêm khắc của độc giả Hải.

Đồng tình, bạn B.Tuyền nói: “Cần phải xem xét lại điều luật "con dưới 36 tháng tuổi giao cho mẹ nuôi" trong trường hợp mẹ bỏ con từ nhỏ rồi khi con lớn gần ba tuổi quay về bắt con”. Độc giả Thanh Bình cũng cho rằng: “Bản án như vậy sẽ tạo nên tiền lệ xấu, khuyến khích cho việc bỏ con từ nhỏ, đợi bé lớn lớn gần ba tuổi về dành con sẽ thắng kiện”.

Chị T. đã bỏ lại đứa con sơ sinh của mình vào lúc bé cần có vòng tay, sự chăm sóc của mẹ nhất. Một việc làm rất khó chấp nhận. Hai năm sau, chị quay lại và bắt bé V. đi. Mặc dù không ai có quyền chia cắt tình mẹ con, song với những gì chị T. đã làm trong quá khứ, không khó để nhận định về mức độ yêu thương và trách nhiệm chị dành cho con.

Còn hiện tại? Nhiều bằng chứng cho thấy chị T. không ổn định nơi ở dù có thu nhập 17 triệu/tháng, chị thường ăn nhậu, vừa ôm con vừa đánh bài, tập cho con làm điệu quá sớm...  điều này khiến nhiều người, đặc biệt là người đã làm cha mẹ phải lo ngại cho tương lai của bé V.

“Bản án như vậy chưa thuyết phục. Ngay cuộc sống của người mẹ còn không ổn định thì làm sao dám cam đoan rằng cuộc sống sau này của đứa bé sẽ tốt. Một người mẹ bỏ con đi khi mà con chỉ mới có hai tháng tuổi thì có tình cảm gì với con? Theo tôi, tòa nên giao con cho người cha nuôi mới phải” - độc giả Henry Nguyễn nói.

Một số bạn đọc khác còn khẳng định nếu là ở nước ngoài thì chắc chắn người mẹ này sẽ bị truất quyền nuôi con ngay lập tức. Các bạn đọc Thanh Nhân, T.My, Thị Thanh, Hải Anh… đều đồng tình về lý lẫn tình, trường hợp này không thể giao con cho mẹ nuôi.

Có thể thấy chính tòa cũng đã bị “ràng buộc” một cách cứng nhắc vì quy định “con dưới 36 tháng” dù tình hình thực tế có quá nhiều điều phải xét lại.

Quy định của pháp luật trong những vụ giành quyền nuôi con đều đặt quyền lợi đứa bé lên hàng đầu. Chẳng bao lâu nữa bé V. sẽ “đạt chuẩn” trên 36 tháng tuổi và gần như toàn bộ thời gian dưới 36 tháng bé đã được cha chăm lo, nuôi nấng, yêu thương, dù mẹ bỏ đi bé cũng không hề thiếu thốn về tình cảm lẫn vật chất. Vậy thì có cần thiết phải làm xáo trộn cuộc sống đang tốt đẹp của bé chỉ vì quy định? Kết quả này chẳng khác nào biến quy định độ tuổi với mục đích bảo vệ trẻ em bỗng chốc trở thành tác dụng ngược vì là lý do để giao trẻ vào một hoàn cảnh mới chưa chắc chắn tốt hơn.

“Tôi chăm con từ khi cháu còn đỏ hỏn. Không phải tôi ích kỷ mà tôi không an tâm khi giao cháu cho cô ấy. Mỗi lần thăm con, cháu khóc thét, chạy tới ôm tôi đòi theo. Nhớ tới cảnh đó là tôi rớt nước mắt” - lời tâm sự của người cha làm nhói lòng bất cứ ai nghe câu chuyện. Vì sao mẹ bỏ rơi con khi còn sơ sinh, hai năm sau (với cái nền “chưa ổn”) quay lại giành mà… vẫn được?

Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

(Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm