Năm 2008, anh và chị ly hôn tại một tòa án ở TP Hà Nội. Tòa giao cháu bé con chung duy nhất của hai người cho chị nuôi dưỡng. Sau đó, chị đưa con về nhà mẹ ruột ở quận 8 (TP.HCM) sinh sống.
“Ông có biết mình đang làm khổ con không?”
Được một thời gian, hay tin vợ cũ của mình gặp khó khăn về kinh tế, làm ăn thất bại, nhân dịp nghỉ hè, anh đón con về Hà Nội chơi rồi không trả về cho chị. Anh cố tình thay đổi chỗ ở, chuyển con qua nhiều trường học khác nhau để chị không tìm được.
Chị gác hết mọi chuyện ở TP.HCM, bay ra Hà Nội và tìm được con trong tình trạng cháu đang bị sốt cao. Chị vội đưa con vào bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ cho hay ngoài viêm phổi nặng, cháu còn có biểu hiện tự kỷ… Sau một thời gian điều trị, cháu bắt đầu kể lại chuyện nhiều lần bị “bồ” của cha đánh.
Chị cương quyết đưa con về. Anh khởi kiện yêu cầu TAND quận 8 cho thay đổi quyền nuôi con. Tòa xử bác yêu cầu của anh, anh kháng cáo.
Tại phiên xử phúc thẩm của TAND TP.HCM hồi tháng 10-2014, anh khoe toàn chuyện ăn nên làm ra của mình để chứng minh với HĐXX rằng chắc chắn sẽ lo cho con có được cuộc sống tốt đẹp nhất.
Giữa lúc anh đang hùng hồn khoe khoang, vị đại diện VKS bất ngờ hỏi: “Ông có biết chính ông đang làm khổ con mình hay không? Đã ly hôn rồi thì hãy xem nhau như bạn, mà nếu không thể là bạn đi nữa thì hãy vì mục đích chung, đó là làm sao để con được phát triển tốt nhất. Nghe vợ cũ gặp khó khăn, lo con mình sẽ khổ thì phải nghĩ cách nào mà giúp trong khả năng của mình. Đằng này tôi thấy ông chỉ tạo thêm rắc rối, dồn hai mẹ con vào cảnh khó khăn chồng chất khó khăn. Bé đang học ở Sài Gòn, đã quen sống với mẹ, quen trường, quen bạn… Việc làm của ông gây hậu quả là gì ông thấy rõ rồi đó!”.
Bị chất vấn thẳng thừng, anh im bặt. Im lặng một lúc, anh vớt vát: “Tôi đã nói chuyện với bạn gái tôi rồi, cô ấy hứa sẽ không đánh cháu nữa”.
Dĩ nhiên là tòa phúc thẩm tuyên giữ nguyên án sơ thẩm. Một bản án rất hợp tình hợp lý. Nhưng ánh mắt của vị đại diện VKS nặng nề và xa xăm. Lúc đó, vì ông đang có việc vội đi, tôi đã không kịp hỏi thêm điều gì...
“Xin tòa đừng cho cha mẹ con ly hôn”
Hai năm sau, tôi tình cờ gặp lại ông, vẫn ngồi ghế đại diện VKS trong một phiên tòa. Lần này có thời gian nói chuyện, ông bảo: “Anh không phải ngồi kiểm sát án ly hôn nữa, hết chia ly người ta rồi!”.
Tôi khơi lại vụ án năm nào, ông bảo: “Nếu em viết về án ly hôn thì cho anh nhắn nhủ mấy lời nhưng đừng đưa tên anh lên mặt báo. Ngày nay, vợ chồng không sống được với nhau thì chia tay cũng là chuyện bình thường. Nhưng dù xã hội có phát triển đến đâu đi nữa, có hiện đại đến đâu đi nữa thì cuộc chiến giành con vẫn sẽ luôn ám ảnh tuổi thơ của những đứa trẻ!”.
Ông kể về một vụ khác mà ông từng ngồi ghế kiểm sát. Người chồng là bác sĩ, sống ở Nghệ An. Người vợ là cử nhân kinh tế, sống ở TP.HCM. Ra tòa, hai người thuận tình ly hôn, tài sản chung cũng thỏa thuận rõ ràng. Chỉ có phần nuôi đứa con trai chung là cả hai quyết “sinh tử” giành giật.
Lập luận mà người chồng đưa ra khá độc đáo. Ông nói mình sinh ra ở nơi từng sản sinh ra bao nhiêu vị anh hùng. Ông liệt kê những người trong gia đình ông là thạc sĩ, tiến sĩ ngành y, “sống là để cứu người”. Ông đề nghị HĐXX cho ông đưa con về quê sống “để hưởng được cái không khí thiêng liêng nơi đó thì tương lai cháu mới có thể trở thành nhân tài hữu ích cho đất nước”...
Người vợ trình bày: “Tôi học kinh tế ra nên tôi biết, xã hội giờ đã đổi mới, không thể cứ sống mãi với quá khứ. Tôi muốn con tôi ở TP.HCM để tiếp cận những cái mới nhất, năng động nhất. Tôi không muốn con tôi về quê để trở thành ông cụ non, thực hành lễ nghi lạc hậu”.
Chớp lấy câu này, người chồng nói ngay: “Đó, chính vì điều đó mà tôi càng muốn cho con phải về quê. Cô ấy học kinh tế ra, bất cứ điều gì cũng quy ra tiền, trong khi đó con tôi là một giá trị vô giá, không thể đo đếm bằng tiền. Người ta nói “một phi công 70 kg vàng”, có nghĩa là phải tốn kém 70 kg vàng để đào tạo một phi công chứ không có nghĩa là dùng 70 kg vàng để mua một phi công. Nhưng với cô ấy thì điều đó ngược lại. Cái gì cũng quy ra tiền. Tôi không muốn con tôi bị ảnh hưởng tư tưởng đó”.
Cuộc tranh luận giữa hai bên tưởng như không có hồi kết. HĐXX phải ngắt lời để hỏi ý kiến cháu bé 10 tuổi. Cháu khóc nhưng nói rành rọt: “Con không biết theo ai hết vì ở với cha thì nhớ mẹ, ở với mẹ thì nhớ cha. Giờ con không biết phải chọn ai hết. Con xin tòa đừng cho cha mẹ con ly hôn”. Cả phòng xử bất chợt thinh lặng.
Cuối cùng, vì cháu bé đang sống với mẹ, đang học hành ổn định nên tòa quyết định cứ giữ nguyên như thế. “HĐXX tuyên án xong rồi cháu bé vẫn nhìn HĐXX, rồi nhìn cả tôi nữa, ánh mắt như vừa van nài vừa trách móc. Ám ảnh lắm!” - ông ngậm ngùi.
Xử ly hôn đúng kỷ niệm ngày cưới Vị kiểm sát viên kể có một phiên tòa ly hôn mà ông nhớ mãi vì khá đặc biệt. Hôm đó là ngày kỷ niệm tám năm ngày cưới của ông. Sáng ra, ông tặng vợ một món quà nhỏ, tạm biệt vợ rồi nói vui: “Hôm nay anh lại ngồi kiểm sát một vụ ly hôn nữa đó em”. Đến tòa, bước vào phòng xử án, đập vào mắt ông là một đôi “uyên ương” ăn mặc như cô dâu chú rể. Người chồng mặc vest, người vợ mặc áo dài đỏ, tóc cài hoa. Hai đứa con, bé trai mặc vest nhỏ và thắt nơ đỏ, bé gái mặc áo đầm trắng, xinh như thiên thần. Thì ra hôm ấy cũng là kỷ niệm tám năm ngày cưới của họ. Người vợ biết tính chồng - một thương gia - lúc nào ra ngoài cũng mặc vest chỉnh tề. Chị bèn cố tình mặc áo cưới và dắt theo các con. Mục đích của chị thì đã rõ… Người chồng thẳng thừng trình bày lý do xin ly hôn: “Tôi làm ăn thất bại, đang nợ rất nhiều, không thể nào cầm cự được. Tôi không muốn để vợ con phải gánh chịu cùng tôi. Điều quan trọng là... đã có một người phụ nữ cho tôi bờ vai để tựa vào. Cô ấy hứa sẽ trả cho tôi tất cả khoản nợ”. Người vợ khóc ngất, tha thiết mong chồng suy nghĩ lại. Chị nói dù có bán thân để có tiền trả nợ cho chồng chị cũng chịu. Bất chấp tất cả, chị cần chồng và các con cần cha... Suốt phiên tòa, vị kiểm sát viên rất ngậm ngùi nhưng không thể khuyên giải người chồng. Người chồng đã nói trắng ra hết rồi, có nhân tình rồi, tâm ý đã như thế rồi thì còn hàn gắn được gì nữa. Cuối cùng, tòa vẫn phải tuyên cho họ ly hôn. “Chuyện qua đã lâu mà mỗi năm cứ đến kỷ niệm ngày cưới, tôi lại nhớ đến cặp “uyên ương” đó. Rồi nhớ hình ảnh tội nghiệp của ba mẹ con chị ấy, tôi lại càng nhủ lòng mình là hạnh phúc không dễ kiếm tìm, tìm được rồi thì phải biết giữ thật chặt!” - ông ngậm ngùi. |