Đầu tháng 1-2014, ông nhận được quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của tòa án buộc ông phải cung cấp mẫu vật của đứa con cho Phân viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) tại TP.HCM để tiến hành giám định ADN. Ông khiếu nại nhưng tòa không chấp nhận.
Sau đó, ông liên tục bị cơ quan thi hành án (THA) ra thông báo rồi ra quyết định cưỡng chế buộc ông phải thực hiện công việc cung cấp mẫu vật để tiến hành giám định ADN theo yêu cầu phía nguyên đơn.
Ông Long rất lo âu vì đứa con của mình có người khác giành làm cha. Ảnh: THÁI HIẾU
“Tôi thật sự không hiểu các cơ quan chức năng buộc tôi phải cung cấp mẫu vật để phía nguyên đơn được lợi là có đúng không? Theo tôi hiểu thì phía yêu cầu phải đưa ra chứng cứ chứng minh, tòa đâu thể làm thay cho họ. Đã vậy, quyết định của cơ quan THA gửi cho gia đình có câu: “nếu không thực hiện nghĩa vụ sẽ ra quyết định phạt tiền…”. Sao lại có chuyện trớ trêu thế này?” - ông Long hỏi.
Luật sư Phùng Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết: “Việc thụ lý giải quyết xác định mối quan hệ cha con của tòa án là đúng quy định pháp luật. Để có căn cứ khoa học nhằm giải quyết vụ án được tốt hơn thì việc trưng cầu giám định ADN là cần thiết. Tòa án có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc bị đơn cung cấp mẫu vật để giám định sau nhiều lần vận động thuyết phục không được đồng thuận.
Cơ quan THA sẽ căn cứ theo quyết định của tòa án để thực hiện, trường hợp phía bị đơn không chấp hành thì THA có thể xử phạt hành chính. Tuy nhiên, khi vụ việc chưa có bản án của tòa thì cơ quan THA không thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án với ông”.
THÁI HIẾU