Nỗi lòng của người mẹ nuôi bị kiện đòi lại con

Sau khi phiên tòa phúc thẩm vụ Tranh chấp yêu cầu xác nhận cha mẹ cho con và yêu cầu trực tiếp nuôi con kết thúc, bà Nguyễn Thị Huệ (57 tuổi, quê Bạc Liêu) - mẹ nuôi của cháu Nguyễn Tuấn Tài (9 tuổi) - không còn sức để bước đi.

Tựa vào bờ tường phòng xử án của TAND Tối cao tại TP.HCM, bà kể 9 năm trước, em trai là anh Nguyễn Văn Thành (SN 1972) quan hệ tình cảm với chị Hoàng Mai Lan (SN 1978) và có một con trai, sau đó đường ai nấy đi.

Trong lúc khốn khó về kinh tế, không đủ khả năng nuôi con, chị Lan đã giao cháu Tài cho anh Thành nuôi dưỡng. Năm 2005, khi đi định cư ở nước ngoài, anh này viết giấy ủy quyền, giao cháu Tài cho vợ chồng bà Huệ nhận làm con nuôi.

Bà Huệ nghẹn ngào khóc, kể về 9 năm nuôi dưỡng cháu Tài nay bị mẹ đẻ của cháu kiện đòi con.
Bà Huệ nghẹn ngào kể về 9 năm nuôi dưỡng cháu Tài.

Với trách nhiệm của người bác ruột, vợ chồng bà Huệ không quản khó khăn nhận nuôi dưỡng và dạy dỗ Tài suốt 9 năm và xem như con ruột.

Tuy nhiên, mới đây chị Lan trở về kiện đòi con. Trong phiên tòa sơ thẩm, chị này được TAND tỉnh Bạc Liêu xử thắng kiện. Không chấp thuận với bản án sơ thẩm, gia đình bà Huệ làm đơn kháng cáo lên TAND Tối cao TP.HCM, nhưng tòa vẫn giữ nguyên bản án.

Khi 2 phiên tòa kết thúc, bà Huệ chấp nhận việc tòa tuyên án giao cháu Tài về cho chị Lan. Nhưng cầm xấp hình cháu bé từ nhỏ, bà đau đớn nói bản án không đoái hoài đến công sức nuôi dưỡng Tài của vợ chồng bà.

Bà Huệ chăm bẵm cháu Tài khi còn nhỏ.
Bà Huệ chăm nuôi Tài từ khi cháu mới 1 tháng tuổi.

Bà nói: “9 năm trước Lan bỏ rơi con, nếu không có vợ chồng tôi ròng rã, đi xin sữa nuôi bé thì giờ chắc gì cháu Tài còn sống để cho chị ta về kiện đòi con”. Bà Huệ cho biết mong muốn của 2 vợ chồng là muốn được nuôi bé đến 18 tuổi, để cho cháu có một tương lai rộng mở hơn.

"Tôi không muốn cháu bị bỏ rơi giống như những đứa trẻ sống ở đầu đường xó chợ, không có tương lai, trở thành gánh nặng cho xã hội", bà tâm sự.

Bà Huệ còn cho biết thêm ngày lên TP.HCM dự phiên tòa phúc thẩm, cháu Tài vẫn ở cùng gia đình và đang học lớp 4 tại ấp 1, thị trấn Hộ Phòng, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Tài không muốn về sống với mẹ đẻ, vì từ nhỏ đến lớn đã quen với hơi ấm, bàn tay chăm sóc của vợ chồng người bác.

Theo luật sư Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn luật sư TP.HCM) việc tòa giao cháu Tài cho mẹ ruột được quyền nuôi dưỡng là đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khi xét xử vụ án này, HĐXX đã quên mất công dưỡng dục cháu của cha mẹ nuôi. Nếu ngày đó, vợ chồng bà Huệ không ra tay cưu mang, nuôi dưỡng thì liệu đứa bé có còn sống khỏe mạnh đến hôm nay để mẹ đẻ quay về kiện tụng, tranh chấp?

Cũng theo luật sư Thảo, việc thi hành án trong vụ tranh chấp nuôi con này sẽ khó thực hiện vì đối tượng tranh chấp là một cháu bé chưa thành niên. Khi cuộc sống của bé đang yên ổn thì phải rời xa cha mẹ nuôi để về sống với mẹ đẻ không chút tình cảm, kỷ niệm… Sự thay đổi đột ngột này sẽ khiến đứa trẻ bị sốc.

"Trong trường hợp này, người lớn cần có sự cảm thông, chia sẻ và vun vén tình cảm từ từ để bé chấp nhận sự thật", luật sư Thảo nói.

* Tên cháu bé đã được thay đổi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm