Ông Dương Công Kiên với tờ đơn khiếu nại không vi phạm hành chính - Ảnh: T.T.D
Chiều 19-6, ông Dương Công Kiên và bà Nguyễn Thị Thanh Mai (giám đốc Công ty TNHH một thành viên xuất nhập khẩu vàng Hoàng Mai, đường Bùi Hữu Nghĩa, Q.Bình Thạnh) xác nhận đã nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng do bà Nguyễn Thị Hồng, phó chủ tịch UBND TP.HCM, ký.
Theo bà Mai, quyết định xử phạt 400 triệu đồng đối với cá nhân ông Kiên về hành vi hoạt động ngoại hối mà không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép. Bà Mai cũng cho biết ngay sau khi nhận quyết định xử phạt này, ông Kiên đã làm đơn khiếu nại gửi chủ tịch UBND TP vì có nhiều điểm không đồng tình. Đơn đã được văn phòng tiếp công dân (UBND TP) tiếp nhận.
Camera không ghi nhận hình ảnh giao dịch ngoại tệ?
Trong đơn khiếu nại gửi chủ tịch UBND TP, ông Kiên cho rằng ông không có hành vi mua bán 100 USD như Công an Q.Bình Thạnh cáo buộc vào ngày 24-4. Bằng chứng ông Kiên dẫn ra là vào thời điểm Công an Q.Bình Thạnh (khoảng 13g ngày 24-4) ập vào khám xét không hề thu giữ được tờ USD nêu trên, dù đã kiểm tra người và khu vực xung quanh nên không thể lập biên bản vi phạm. Sau đó, bằng lệnh khám xét do chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh ban hành, Công an Q.Bình Thạnh khám xét toàn bộ tòa nhà, cũng không thu giữ được tờ USD tang vật. Do không tìm được tang vật, cuối cùng các cán bộ thực hiện lệnh khám xét buộc bà Nguyễn Thị Thanh Mai giao chìa khóa (bà Mai từ bên ngoài về), mở két sắt, lấy nhiều ngoại tệ trong két sắt để niêm phong, thu giữ. Thực chất tờ USD mà Công an Q.Bình Thạnh cho là tang vật vi phạm được lấy từ trong két sắt của bà Mai, không phải là tang vật vi phạm.
Theo ông Kiên, khi Công an Q.Bình Thạnh thu giữ camera an ninh tại cửa hàng, nếu có việc ông thu đổi ngoại tệ của thanh niên lạ mặt nào đó thì hình ảnh sẽ thể hiện rất rõ ràng, cơ quan chức năng có thể sử dụng hình ảnh đó để chứng minh hành vi vi phạm. Tuy nhiên, camera không ghi nhận bất kỳ hình ảnh nào chứng minh ông Kiên có giao dịch ngoại tệ với người thanh niên lạ mặt.
Đơn khiếu nại của ông Kiên nêu: “Theo quyết định xử phạt của UBND TP, căn cứ để ra quyết định là biên bản vi phạm hành chính số 26 do Công an Q.Bình Thạnh lập ngày 19-5-2014. Tuy nhiên tôi không hề được Công an Q.Bình Thạnh cung cấp biên bản này để tôi ký, sau khi lập xong cũng không gửi cho tôi theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính”. Ông Kiên còn khiếu nại nội dung mình không phải là nhân viên của tiệm vàng Hoàng Mai như quyết định của UBND TP nêu, vì ông không có hợp đồng lao động hay thỏa thuận làm việc với Công ty TNHH một thành viên xuất nhập khẩu vàng Hoàng Mai. Vào thời điểm 13g ngày 24-4, khi Công an Q.Bình Thạnh vào khám xét, ông Kiên là người trông nhà giùm, tiệm vàng không hoạt động kinh doanh. “Vì sao cho rằng tôi vi phạm vào ngày 24-4, nhưng tới ngày 19-5 Công an Q.Bình Thạnh mới lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi của tôi, lại không cho tôi biết về biên bản này?” - ông Kiên nói.
Tiệm vàng Hoàng Mai - nơi xảy ra vụ việc - Ảnh: T.T.D
Băn khoăn về tính pháp lý
Để trao đổi về nội dung ông Kiên khiếu nại, chúng tôi đã liên lạc với thượng tá Nguyễn Hoàng Thắng, trưởng Công an Q.Bình Thạnh. Ông Thắng cho biết: “Vụ việc được Công an TP thụ lý điều tra, sau đó đề xuất UBND TP ra quyết định xử phạt”.
Luật sư Trần Hải Đức, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng: UBND TP.HCM căn cứ vào biên bản vi phạm hành chính lập ngày 19-5 về hành vi hoạt động ngoại hối (thu đổi ngoại tệ) mà không được cấp có thẩm quyền cấp phép. Tuy nhiên, việc vi phạm xảy ra vào ngày 24-4, vì sao không có biên bản vi phạm ngay khi phát hiện hành vi, mà lại lập sau đó với những chi tiết mà người vi phạm cho rằng có điều gì đó mập mờ, không rõ ràng.
Cũng theo luật sư Đức, nếu cho rằng các biên bản, tang vật được thu thập hợp pháp, đủ điều kiện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với ông Kiên thì mức phạt 400 triệu đồng, điều khoản áp dụng để ra quyết định này cũng không đúng. Theo điểm d, khoản 3, điều 18, nghị định 202/2004 NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, hành vi mua bán, thanh toán, cho vay ngoại tệ với nhau... mức phạt từ 5 đến 10 triệu đồng. Sau đó, nghị định 95/2011 NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của nghị định 202 bổ sung mức phạt cho hành vi trên là 50-100 triệu đồng (hành vi mua bán ngoại tệ). Do đó, UBND TP.HCM ra quyết định xử phạt ông Kiên với hành vi “hoạt động ngoại hối” là chưa phù hợp.
Theo GIA MINH (TTO)
Trường hợp cá nhân mua bán ngoại tệ với nhau cũng bị phạt Trao đổi với Tuổi Trẻ, một cán bộ trong lĩnh vực tiền tệ ngoại hối cho rằng theo quy định tại nghị định 95, mức phạt với hành vi hoạt động ngoại hối mà không được cấp thẩm quyền cấp phép với tổ chức, cá nhân là từ 300-500 triệu đồng. Thường cơ quan chức năng áp dụng mức phạt trung bình là 400 triệu đồng. Với người bán ngoại tệ không đúng nơi quy định bị phạt với mức 75 triệu đồng. Trường hợp hai cá nhân mua bán ngoại tệ với nhau, theo quy định nếu bị phát hiện cũng sẽ bị xử phạt vì theo quy định hiện nay, cá nhân được quyền sở hữu ngoại tệ nhưng chỉ được mua bán tại những nơi được cấp phép. Tuy nhiên căn cứ vào từng hành vi, mức độ mà mức xử phạt sẽ khác nhau. Theo đó, trường hợp người mua, bán được xác định là mang tính chất kinh doanh, chẳng hạn việc mua bán diễn ra tại địa điểm kinh doanh hoặc mang tính chất thường xuyên...thì mức phạt từ 300-500 triệu đồng/lần. Còn nếu cơ quan chức năng xác định việc mua bán này không mang tính chất kinh doanh, chỉ là hai cá nhân giao dịch với nhau thì mức phạt sẽ là 75 triệu đồng. Về trường hợp cá nhân kinh doanh của tiệm vàng Hoàng Mai bị phạt mức 400 triệu đồng là vì cơ quan chức năng xác định đây là hành vi hoạt động ngoại hối mà không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép do đã diễn ra tại địa điểm kinh doanh là tiệm vàng. ÁNH HỒNG |