Sau khi tiệm vàng Hoàng Mai nhận quyết định xử lý từ UBND TP.HCM với mức phạt 400 triệu đồng vì hành vi hoạt động ngoại hối trái phép, Báo Pháp Luật TP.HCM đã nhận được hàng trăm lượt góp ý của bạn đọc xung quanh hai mức phạt 75 triệu và 400 triệu theo Nghị định 95/2011 của Chính phủ. Không chỉ dừng lại ở việc phân định giữa hai con số 75 và 400, bạn đọc báo Pháp Luật TP.HCM còn có nhiều phân tích sắc sảo, có chiều sâu và căn cứ pháp lý vững chắc cho trường hợp đặc biệt này.
Xử phạt cũng cần xét tới lợi ích của dân
Ông Dương Công Kiên đã có đơn khiếu nại quyết định xử phạt hành chính 400 triệu đồng đối với mình
Một số đông độc giả đồng thuận với việc xác định chủ tiệm vàng Hoàng Mai có vi phạm và cần bị xử phạt. Tuy nhiên, rất ít người thấy rằng cần phải “răn đe” đến mức phạt 400 triệu. Độc giả Thanh Long cho biết: “Luật dùng cụm từ hoạt động ngọai hối trái phép, đối tượng hướng đến là các tổ chức tín dụng, ngân hàng vi phạm. Xử 75 triệu là chính xác vì mua bán ngoại tệ trái phép hướng đến đối tựơng cá nhân nhiều hơn”. Độc giả Minh Nam cũng đồng ý nhận định này, anh cho rằng cần tịch thu tang vật khi không xác định được nguồn gốc, còn phạt để răn đe với mức 75 triệu là hợp lý.
Đa số độc giả đều cho rằng trong trường hợp chưa có căn cứ định tội cụ thể thì cần xử phạt theo hướng có lợi cho người vi phạm. Do đó, mức phạt thấp hơn là 75 triệu đồng được ủng hộ của nhiều bạn đọc khác.
Chưa rõ ràng thì không nên phạt tiền
Độc giả Chu Kim Long cho rằng vụ việc này chưa đủ chứng lý để xử phạt. Cùng chung nhận định là độc giả Tony Nguyễn, Lê Thái Bình và bạn đọc Phương Nam.
Bạn Lê Thái Bình nêu ý kiến: “Nếu áp dụng luật để xử phạt thì cơ quan chức năng phải làm cho người dân phục, nếu làm không minh bạch, không có chứng cứ thuyết phục một cách rõ ràng thì không nên phạt tiền vụ 100USD này”. Cũng có quan điểm hồ nghi, bạn đọc Tony Nguyễn nói: “Vụ này còn có nhiều nghi vấn, chính quyền ko thể xử phạt”. “Vụ này không thể xử phạt được do đó nên dừng lại để người dân ổn định cuộc sống”.
Quang cảnh tiệm vàng Hoàng Mai bị khám xét
Đi sâu vào giải thích lý do cho rằng vụ việc này chưa có chứng lý xác thực, độc giả Zen bình luận: “Theo báo chí và thừa nhận nhiều phía của Công an là không bắt quả tang, không có bằng chứng từ camera, số seri, người bán thì lúc bảo tên này, lúc bảo xác minh tên khác, văn bản khám xét nhà sai qui định về hình thức và nội dung, văn bản vi phạm lập không được người vi phạm biết và cũng không có nhân chứng. Vậy thì xử kiểu gì?”.
Đây cũng là nhận định được nhiều bạn đọc đồng thuận phân tích cặn kẽ về việc biên bản vi phạm được lập mà người bị xác định là vi phạm không hay biết, không ký tên là không có giá trị, không có hình ảnh xác minh hoạt động giao dịch, “tang vật” là tờ 100USD cũng không được nhận diện rõ ràng… Do đó, trong trường hợp này địa phương không nên ra quyết định phạt hành chính để người dân có lòng tin vào năng lực và thái độ thực thi công vụ theo đúng quy trình, trình tự pháp luật.
Chỉ với chứng cứ là tờ 100 USD thì khó kết luận vi phạm
Độc giả Lê Thanh Hải cho rằng chỉ với chứng cứ là tờ 100 USD (số seri không xác định) và biên bản tạm giữ tờ tiền này là không thể chứng minh thực chất hành động mua bán ngoại tệ trái phép.
Tiệm vàng Hoàng Mai nằm tại quận Bình Thạnh, TP HCM
Theo nhiều ý kiến bạn đọc, nhiều nghi vấn cũng được đặt ra khi biên bản, căn cứ đầu tiên và rõ ràng nhất để xác định vụ việc, đã được lập không đúng quy định. Cơ quan chức năng lý giải là do lý do "khách quan" vì người vi phạm không có mặt, nhưng độc giả TL “bẻ” lại: “Khách quan ở đây là gì? Có thể hiện công an có mời người vi phạm đến hay không? Lý do khách quan này là dành cho người vi phạm hay cho công an? Công an gặp khó khăn gì khi mời ông Kiên đến để lập biên bản?”.
Theo nguyên tắc, một hành vi vi phạm chỉ được lập biên bản và xử phạt một lần. Trong khi trường hợp của tiệm vàng Hoàng Mai, sau biên bản lập lúc khám xét tiệm ngày 24-4, từ góp ý của PC46 - Công an TP.HCM, Công an quận Bình Thạnh đã lập lại một biên bản khác ngày 19-5. Biên bản thứ hai này được lập không có sự chứng kiến của ông Kiên.
Cảnh sát khám xét và lập biên bản vi phạm tại tiệm vàng Hoàng Mai hôm 24-4, sau đó ngày 19-5 CA Bình Thạnh đã lập một biên bản khác
Nêu lên căn cứ pháp lý để giải quyết vụ việc này, độc giả có biệt danh là Rùa Con nói: “UBND thành phố và Công an cần đọc kỹ lại Pháp lệnh Ngoại hối và Nghị định số 160/2006/NĐ-CP. Đây không phải là hoạt động ngoại hối nên không thể xử phạt theo Điểm a, Khoản 5 Điều 18 (sửa đổi) theo Nghị định 95 được, mà phải xử theo hành vi mua, bán, thanh toán ngoại tệ không đúng quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 1 Nghị định 95 (nếu có vi phạm).”
Như vậy, vì sao hành vi của ông Kiên, nhân viên tiệm vàng Hoàng Mai, được xác định là hoạt động ngoại hối trái phép và vì sao UNBD TP.HCM chọn phương thức phạt 400 triệu đồng không tịch thu tang vật (tờ 100 USD)? Căn cứ để đưa ra một quyết định xử phạt là cơ sở đầu tiên để quyết định đó đảm bảo được tính hợp lý, thông suốt. Vì vậy, để rộng đường dư luận, dư luận đang trông đợi sự giải thích rõ ràng về căn cứ định tội cho trường hợp tiệm vàng Hoàng Mai từ các cơ quan hữu quan của TP.
Có người mua sao không có kẻ bán? Một việc kỳ lạ là trong vụ việc này cơ quan chức năng xác định ông Kiên (nhân viên tiệm vàng Hoàng Mai) hoạt động ngoại hối trái phép, có “tang vật” 100 USD hẳn hoi nhưng… quên hẳn đối tượng tham gia giao dịch, nghĩa là người bán tờ ngoại tệ này cho tiệm vàng. Đây cũng là điều mà rất nhiều ý kiến bạn đọc mong muốn các cơ quan hữu quan làm rõ trước công luận. |
Phương Dung tổng hợp