Nếu hai tháng trước người ta không biết vì sao mua bán bất hợp pháp 100 USD lại bị khám xét, thu giữ một lượng lớn ngoại tệ, vàng thì nay người ta cũng chưa rõ vì sao người ở tiệm lại bị phạt đến 400 triệu đồng. Tính ra UBND TP.HCM đã ra quyết định xử phạt cá nhân liên quan theo Nghị định 95/2011 của Chính phủ về hành vi hoạt động ngoại hối mà không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép (với mức phạt từ 300 triệu đến 500 triệu đồng). Có nghĩa là người đó đã không phải bị xử phạt về hành vi mua, bán, thanh toán ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật cũng theo Nghị định 95/2011 (với mức phạt từ 50 triệu đến 100 triệu đồng) như cách nghĩ của số đông. Nói nôm na, tiệm bị phạt “hoạt động ngoại hối trái phép” chứ không phải là “mua bán ngoại tệ trái phép”.
“Hoạt động ngoại hối trái phép” khác gì với “mua bán ngoại tệ trái phép”? Câu hỏi này không thể không đặt ra do hai mức phạt có độ chênh rất lớn tùy thuộc vào giá trị tang vật nhưng ranh giới giữa hai hành vi khá mơ hồ. Nếu số ngoại tệ thu đổi bị phát hiện như trong trường hợp của tiệm vàng Hoàng Mai chỉ là 100 USD thì việc phạt “mua bán” (phạt 75 triệu đồng và tịch thu tang vật) cho ra kết quả nhẹ hơn gấp nhiều lần so với việc phạt “hoạt động ngoại hối” (phạt 400 triệu đồng, không tịch thu tang vật). Thế nhưng nếu số ngoại tệ thu đổi là hàng trăm ngàn USD thì việc phạt “mua bán” lại cho ra kết quả nặng hơn gấp nhiều lần việc phạt “hoạt động ngoại hối”. Thế mà hiện chưa có văn bản nào của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phân biệt hai hành vi này!
Theo Pháp lệnh Ngoại hối và Nghị định hướng dẫn số 160/2006 thì hoạt động ngoại hối là “hoạt động của người cư trú, người không cư trú trong giao dịch vãng lai, giao dịch vốn, sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam, hoạt động cung ứng dịch vụ ngoại hối và các giao dịch khác liên quan đến ngoại hối”. Với quy định “chuyên môn, chung chung” này, làm sao có thể hiểu ngay hành vi thu đổi ngoại tệ trái phép ở nhiều tiệm vàng là “hoạt động ngoại hối” chứ không phải là “mua bán” hoặc ngược lại?
Trả lời báo Tuổi Trẻ ngày 21-6, một đội phó thuộc Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) thừa nhận chưa có văn bản quy định thế nào là mua bán ngoại tệ trái phép, thế nào là hoạt động ngoại hối trái phép. Và rồi ông tự đưa ra cách hiểu “ai thu đổi ngoại tệ với mục đích kinh doanh, sinh lợi nhuận mà không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thì bị xem là hoạt động ngoại hối trái phép” để từ đó làm căn cứ xử lý. Chắc rằng đây không chỉ là cách hiểu của riêng ông vì trên thực tế UBND TP.HCM từng xử phạt một chủ tiệm vàng ở quận Thủ Đức 400 triệu đồng về hành vi hoạt động ngoại hối trái phép. Điều đáng nói là cùng vi phạm tương tự thì nhiều tỉnh, thành khác lại xử phạt về hành vi mua bán trái phép. Cuối năm 2011, khi Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm bắt quả tang một vụ đưa 500.000 USD lấy 10,6 tỉ đồng giữa hai công ty ở TP.HCM thì Bộ Công an đã tịch thu cả hai khoản tiền, đồng thời phạt mỗi bên 75 triệu đồng về hành vi mua bán trái phép. Mới đây, trong việc một tiệm vàng thu đổi trái phép 83.000 USD và 250 AUD để bán lại cho ngân hàng hưởng chênh lệch, TAND TP.HCM cũng xác định đây là hành vi mua bán ngoại tệ trái phép và đã xử phạt chủ tiệm tội kinh doanh trái phép! Vậy UBND TP.HCM phạt đúng, các nơi khác phạt không đúng hay ngược lại? Có phải xử lý theo hành vi nào cũng được tùy định lượng của người có thẩm quyền miễn sao là nặng để răn đe?
Theo luật định, việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm. Đây là lý do mà các nghị định xử phạt những lĩnh vực khác đều đưa ra mức phạt thấp, cao tùy giá trị của vi phạm. Vậy nên ngoài việc sớm định nghĩa rõ các khái niệm liên quan để thống nhất cách hiểu, cách phạt thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng nên tham mưu lại mức phạt hợp lý tính trên khoản giao dịch, tránh bổ đồng, không thuyết phục.
THU TÂM