Truyền thông đang dẫn dắt thị trường (!)
Còn nhớ, cách đây 5 năm, thị trường ngự trị một thời gian rất dài chỉ bởi 3 nhãn hàng ở phân khúc bình dân là Hảo Hảo, Hảo 100 và Gấu Đỏ. Nhưng 2 năm gần đây, chưa nơi nào có thể thống kê chính xác số lượng nhãn hiệu mì ăn liền được bày bán trên thị trường. Việc quảng cáo mì ăn liền cũng bắt đầu “làm mưa, làm gió” trên các phương tiện thông tin đại chúng không kém sữa bột, dầu gội đầu.
Tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng, chợ, sản phẩm mì gói của các DN như Vina Acecook, Asia Food, Vifon, Uni-President, Massan, Miliket… đang chiếm lĩnh hơn 90% thị phần với hàng trăm nhãn hiệu khác nhau. Đó là chưa kể, hàng chục nhãn hàng nước ngoài đang hiện diện khắp nơi, tạo sự phong phú cho thị trường mì gói cả về bao bì, mẫu mã lẫn giá cả.
Ở phân khúc bình dân, giá của mỗi gói mì khoảng 1.500 – 2.000 đồng; phân khúc cấp trung đang được bán với mức giá 2.500-3.500 đồng/gói; loại cao cấp có giá 5.000 - hơn 10.000 đồng/gói.
Trong cuộc đua về chủng loại và giá cả, các sản phẩm của Vina Acecook (100% vốn Nhật Bản) đang dẫn đầu với khoảng 65% thị phần. Ngay sau đó là Asia Food (100% vốn trong nước) chiếm hơn 20% thị phần với các thương hiệu Gấu Đỏ, Hello, Vifood, Hảo Hạng, Osami, mới đây nhất là Trứng Vàng.
Điều dễ nhận thấy ở thị trường mì gói là chất lượng và khẩu vị đang được dẫn dắt bởi… các phương tiện truyền thông. Nói cách khác, sản phẩm nào được quảng cáo nhiều, bài bản sẽ tạm thời thắng thế trong cuộc chơi. Điển hình nhất là 2 loại mì có thương hiệu na ná nhau là Osami và Omachi, được tung ra thời điểm gần sát nhau, song Omachi đã rất thành công trên thị trường với thông điệp “không sợ nóng” vì được làm từ khoai tây. Thành phần của Osami được ghi khá rõ, làm từ đậu Hà Lan nhưng vẫn bị Omachi “đánh bại”.
Một chuyên gia phân tích, bỏ qua việc thẩm định cả 2 sản phẩm này có sử dụng nguyên liệu từ khoai tây hay đậu Hà Lan hay không và với hàm lượng bao nhiêu, song xét về góc độ dinh dưỡng, chắc chắn đậu Hà Lan sẽ ngon và bổ hơn khoai tây. Chưa kể về mặt cảm quan của sản phẩm (màu sắc sợi mì, hương vị, độ dai) Osami có phần lấn lướt Omachi nhưng thực tế thì Osami vẫn không thắng được Omachi.
Bài học lớn được rút ra là cho dù sản phẩm có chất lượng cao, hình thức đẹp nhưng nếu không có chiến lược PR một cách bài bản thì thua là cầm chắc vì lẽ, đã qua rồi cái thời “áo gấm đi đêm”, mì sản xuất ra không kịp bán. Đây cũng là điểm yếu của các công ty trong nước trong chiến lược quảng bá sản phẩm, cạnh tranh để giành thị phần.
Sẽ cạnh tranh quyết liệt hơn
Việt Nam được xem là một trong những nước tiêu thụ mì ăn liền nhiều nhất châu Á. Theo dự báo của các chuyên gia, ngành sản xuất mì ăn liền sẽ tiếp tục tăng trưởng ở tốc độ cao, sản lượng sẽ tăng lên khoảng 6-7 tỷ gói trong vòng 3 năm tới. Hướng tới, các DN sẽ không đi vào sản xuất theo chiều rộng mà tập trung vào chiều sâu và đa dạng hóa sản phẩm với mì gói, mì ly, mì tô, mì không chiên, mì tươi.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Asia Food, cho rằng, ngành công nghiệp sản xuất mì gói ngày càng khó khăn hơn vì có rất nhiều DN tham gia vào. Để ổn định được giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh, ngoài việc công ty phải không ngừng đầu tư các dây chuyền sản xuất hiện đại thì định mức hao hụt trong tất cả khâu phải duy trì ở mức dưới 1%.
Ngoài yếu tố chất lượng, giá cả, mì ăn liền cũng đang phải đối đầu với nhiều sản phẩm thay thế như cháo, phở, miến, hủ tiếu, bún bò Huế, bún riêu cua và chưa kể các món ăn tươi truyền thống… Chưa kể việc quản lý chất lượng chưa được các cơ quan chức năng quan tâm đúng mức nên tạo cơ hội cho những cơ sở sản xuất mì nhái những thương hiệu uy tín mà người tiêu dùng không thể phân biệt được.
Mì gói tuy không phải là một thị trường mới mẻ nhưng với môi trường cạnh tranh, sòng phẳng, chắc chắn phần thắng sẽ nghiêng về các DN có sự đầu tư bài bản, biết lắng nghe và đưa ra những sản phẩm phù hợp với thị hiếu cũng như túi tiền người mua. Trên thực tế, “cuộc chiến” quanh gói mì ăn liền mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu.
Theo Thúy Hải ( SGGP)