Cuộc đổi đời của xóm Việt kiều Campuchia

Gần một tháng nay, khu tái định cư Đồng Kèn 2 (ấp Đồng Kèn 2, xã Tân Thành, huyện Tân Châu, Tây Ninh) trở nên nhộn nhịp. Bởi 183 gia đình là dân di cư tự do từ Campuchia về Việt Nam sinh sống ven hồ Dầu Tiếng đã được cấp nhà mới khang trang, sạch đẹp.

Một cộng đồng mới khang trang

Khu tái định cư Đồng Kèn 2 được xây dựng trên diện tích gần 14.800 m2, gồm chín dãy nhà ở, mỗi dãy có 15-21 căn nhà. 183 căn nhà đều có cùng diện tích 36 m2 với kết cấu tường xây, tô xi măng chắc chắn, mái lợp tôn, cửa sắt, nền tráng xi măng. Kinh phí xây dựng mỗi căn 60 triệu đồng, tổng vốn đầu tư trên 21 tỉ đồng.

Ở khu tái định cư Đồng Kèn 2, giữa các dãy nhà là khoảnh sân trống để dành cho những cư dân mới này dùng làm nơi sinh hoạt, vui chơi. Đường giao thông nội bộ rộng rãi, nối liền với trường học, trạm xá, chợ, thuận tiện cho việc đi lại. Ngoài ra, ở khu vực này còn được trang bị đầy đủ điện thắp sáng, nước sinh hoạt, nhà vệ sinh, mương thoát nước… Đây là những “giấc mơ” bao đời nay của các hộ dân từng sinh ra, lớn lên trên Biển Hồ ở nước bạn Campuchia.

Cuộc sống ở khu tái định cư Đồng Kèn 2 bắt đầu đi vào nề nếp ổn định. Ảnh: T.DIỆU

“Có mơ cũng không dám nghĩ được căn nhà này”

Gia đình ông Lê Văn Kiểng là một ví dụ. Người đàn ông 68 tuổi này kể vợ chồng ông đều được sinh ra và lớn lên trên Biển Hồ. Hai người có với nhau bốn mặt con. Cả gia đình cùng sinh sống chung trên một chiếc ghe chật hẹp, lênh đênh theo sóng nước mênh mông. Bao năm qua vợ chồng ông chỉ biết kiếm sống bằng nghề giăng lưới đánh bắt cá ở Biển Hồ. Cuộc sống ở Biển Hồ ngày càng khó khăn, năm 2016, vợ chồng ông cùng hàng chục gia đình khác từ Biển Hồ kéo về ấp Tà Dơ (xã Tân Thành) dựng chòi sinh sống. Hằng ngày ông đi làm phụ hồ kiếm tiền mua gạo, còn vợ ông ở nhà quanh quẩn trông nom cháu nội, cháu ngoại. Trước hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn của gia đình ông, chính quyền địa phương quan tâm, cấp cho vợ chồng ông một căn nhà tường mới ở khu tái định cư Đồng Kèn 2.

Khi chúng tôi đến thăm, vợ ông Kiểng đang nấu bữa cơm trưa, còn ông cùng hai đứa cháu ngồi xem phim trên tivi. Nhớ lại những ngày sinh sống tạm bợ bên hồ Dầu Tiếng lúc mới từ Biển Hồ về, ông Kiểng kể: “Ở bên hồ Dầu Tiếng, mỗi lần có giông gió, tôi phải kiếm dây cột chằng căn chòi mới khỏi phải sập. Tôi có nằm mơ cũng không dám nghĩ có ngày mình được tặng một căn nhà tường khang trang, sạch đẹp với đầy đủ tiện nghi như bây giờ. Vợ chồng tôi mang ơn chính quyền nhiều lắm”.

Vừa có nhà mới vừa có việc làm

Gần đó, căn nhà tường của chị Nguyễn Thị Phương Hiền cũng vừa trở thành tiệm bán tạp hóa cho bà con trong khu tái định cư này. Chị Hiền vừa trông nom hai đứa con nhỏ, vừa tất bật lấy hàng hóa bán cho khách. Theo chị Hiền chia sẻ, vợ chồng chị cũng là dân cư Biển Hồ, về Tà Dơ sinh sống từ năm 2011 đến nay. Cũng như hàng trăm gia đình khác, vợ chồng chị phải đi kiếm cây gỗ đem về cất một căn chòi nhỏ để nương thân. “Nhiều khi nửa đêm, mưa gió ầm ầm, hai đứa con sợ quá, khóc thét lên. Vợ chồng tôi sợ sập chòi nên ẵm con chạy qua căn chòi kế bên lánh nạn” - chị Hiền bộc bạch. Bảy năm qua chị thất nghiệp, mọi chi phí gia đình trông chờ vào tiền công đi làm phụ hồ của chồng.

Ngay từ khi dọn về nhà mới, chị Hiền liền mượn tiền của cha mẹ, anh chị em mua một số hàng hóa đem về nhà bày bán. Chồng chị vẫn đi làm phụ hồ ở Bình Dương, mỗi tuần mới về thăm gia đình một lần. Nhưng những đêm mưa giông và cơm áo, gạo tiền không còn là nỗi ám ảnh của người đàn bà 28 tuổi này nữa. Chị Hiền tự tin nói: “Bây giờ, mỗi ngày tôi buôn bán cũng được 100.000-200.000 đồng, đủ kiếm tiền sinh sống. Mưa gió cũng không còn lo sợ sập nhà nữa. Nếu không được Nhà nước tặng nhà như thế này, cũng không biết đến bao giờ gia đình tôi mới thoát khỏi cảnh khó khăn”.

Cuộc sống mới đã vào nề nếp

Nhìn chung cuộc sống của bà con nơi đây đã ổn định trở lại. Hằng ngày lực lượng công an, dân phòng thường xuyên tuần tra, giữ gìn an ninh trật tự, nhắc nhở bà con giữ gìn vệ sinh môi trường. Vừa rồi UBND xã đã mời bà con đến sinh hoạt về việc giữ vệ sinh chung trong khu dân cư. Sắp tới, UBND xã còn mời bà con họp để triển khai việc trồng cây xanh, cây kiểng trong khu dân cư để tạo bóng mát và mỹ quan khu dân cư.

Ông Dương Văn Nhàn,
Trưởng Ban quản lý khu dân cư Đồng Kèn 2

Được chọn làm điểm sáng về văn hóa

Xây khu tái định cư Đồng Kèn 2 là việc làm mang lại lợi ích thiết thực và cũng là nơi chính quyền địa phương chọn làm điểm sáng về văn hóa cho người dân. Công trình này có ý nghĩa an sinh xã hội giúp cho 183 hộ dân có cuộc sống mới, tạo điều kiện cho con em của họ được ăn học.

Ông Tạ Châu Lâm,Chủ tịch UBND huyện Tân Châu

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm