Ngày 21-7, xăng đã giảm 2.710-3.600 đồng/lít, các mặt hàng dầu giảm 1.100-2.380 đồng/lít. Trong 10 ngày qua, giá xăng dầu lần thứ hai liên tiếp được điều chỉnh giảm mạnh.
Dù vậy theo ghi nhận đến sáng nay (ngày 26-7), giá giá cước vận tải các tuyến cố định tại TP.HCM vẫn chưa giảm. Ví dụ tuyến TP.HCM - Vũng Tàu có giá cước là 160.000 đồng/chuyến, tăng 20.000 đồng so với trước đó khi giá xăng tăng.
Chặng TP.HCM - Đà Lạt của Công ty Phương Trang hiện nay cũng có giá là 300.000 đồng/chuyến. Hãng này cũng cho biết đã tăng từ 10-15% trên mỗi chặng trong thời điểm giá xăng dầu liên tục điều chỉnh. Đến nay dù giá xăng dầu đã giảm nhưng hãng cho biết đơn vị đang tiếp tục theo dõi biến động thị trường.
Ngoài những tuyến xe cố định phải niêm yết, kê khai giá vé thì một số hãng xe chạy hợp đồng cũng chưa giảm.
Theo hãng xe THP, thời gian qua hãng vẫn đang cố gồng gánh qua thời điểm xăng dầu tăng cao để níu chân người dùng nên đến nay dù giá xăng giảm hãng cũng chưa thể giảm sâu hơn nữa.
Ông Tạ Chương Chín, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông cho biết hiện chưa nhận được thông tin nào về việc các hãng xin điều chỉnh giá cước. Các đơn vị muốn điều chỉnh giá cước thì phải kê khai lên Sở GTVT TP và Sở Tài chính.
Theo ông Chín, sau khi hai đơn vị này thông qua thì các đơn vị vận tải sẽ phối hợp với bến xe để niêm yết công khai giá cước.
|
Các hãng vận tải theo tuyến cố định đến nay chưa có đơn vị nào xin giảm giá. Ảnh: ĐT. |
Tương tự, ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Bến xe Miền Tây cũng cho biết tới thời điểm này bến xe chưa nhận được thông tin giảm giá cước của đơn vị vận tải nào.
Theo ông Phương việc điều chỉnh giá cước phải có một độ trễ nhất định. Ví dụ, sau khi giá xăng có nhiều phiên điều chỉnh tăng thì các hãng vận tải mới đề xuất tăng giá cước. Đến nay, giá xăng giảm các đơn vị vận tải cũng cần theo dõi tình hình mới có thể tiến hành điều chỉnh.
Ngay sau khi giá xăng dầu giảm thì toàn bộ nền kinh tế đã tái hoạt động và sôi động trở lại. Giá xăng dầu giảm thì giá cước sẽ giảm theo một mức độ nhất định. Tuy nhiên, chưa thể giảm ngay mà cần có một độ trễ nhất định, thời gian ước tính từ 1-2 tuần.
Hãng có thể giảm "mì ăn liền" đó là xe hợp đồng. Những tuyến cố định hay taxi được nhà nước giám sát qua kê khai, niêm yết thì cần đăng ký với Sở Tài chính và Sở GTVT địa phương đó.
Ông LÊ TRUNG TÍNH, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM.
Đối với các đơn vị xe công nghệ như Grab, Gojek, ứng dụng Be đều chưa tiến hành giảm giá. Các hãng này đều cho rằng cần theo dõi biến động thị trường trước khi quyết định có giảm giá hay không.
Ông Tạ Long Hỷ, Tổng Giám đốc Vinasun cho biết chuẩn bị sẵn kế hoạch giảm giá cước nhưng vẫn cần thêm thời gian để nhận định xu hướng giá xăng dầu trong kỳ tới.
Theo ông Hỷ, đối với Vinasun, ngoài việc kê khai niêm yết với đơn vị quản lý theo đúng quy định thì đơn vị cũng phải dán lại giá cước, lập trình lại đồng hồ... mà mỗi phiên điều chỉnh đều tốn kém. Chính vì vậy, Vinasun đang theo dõi tình hình trước khi giảm giá cước.
Anh Nguyễn Văn Hạnh, tài xế tự do cho biết ngay sau phiên xăng dầu giảm, anh đã giảm cước vận chuyển với khách hàng.
Ví dụ, chuyến đi từ sân bay về TP Thủ Đức trước đó có giá khoảng 400.000 đồng/chuyến thì nay giảm từ 320.000 - 350.000 đồng/chuyến.
"Mức giảm này tuy không nhiều, song có thể giúp hành khách thoải mái hơn, an tâm hơn với hành trình của mình. Đồng thời, đây cũng là cách mà tôi muốn gắn bó với khách hàng lâu hơn"- tài xế Hạnh chia sẻ.