Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã tăng các loại lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi, kéo theo lãi suất cho vay cũng tăng thêm. Điều này khiến người dân đang có nhu cầu mua nhà ở lo lắng.
Trả nợ chỉ 20%-30% thu nhập
Theo khảo sát của chúng tôi, lãi suất vay mua nhà tại các ngân hàng đang dao động quanh mức 9%-12%/năm, tùy hình thức vay. Các ngân hàng đều điều chỉnh tăng lãi suất mua nhà ưu đãi sau 1-2 năm đầu tiên.
Các chuyên gia đánh giá lãi suất tăng như hiện nay đã vượt ngưỡng an toàn, có thể khiến nhiều người không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng để mua nhà.
Đối với người mua nhà để ở, đây là thời điểm phù hợp khi mặt bằng giá đang chững lại, thậm chí có cơ hội thương lượng mua giá tốt. Tuy nhiên, với người quyết định mua nhà trả góp, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, cho rằng phải tính toán lãi suất về lâu dài, không để vượt quá năng lực tài chính của mình.
Các ngân hàng đang kiểm soát hoạt động cho vay bất động sản (BĐS) nên nguồn vốn vay mua nhà không dồi dào như trước, điều kiện vay cũng chặt chẽ hơn. Hơn nữa, nhiều ngân hàng đã cạn room tín dụng nên chỉ lựa chọn khách hàng tốt để cho vay.
Khách vay mua nhà chỉ được hưởng mức lãi suất ưu đãi trong thời gian nhất định, thường là 6-24 tháng. Sau thời gian đó, lãi suất sẽ được tính toán dựa trên một mức lãi suất cơ sở (hoặc lãi suất tiết kiệm) cộng biên độ 3%-4%. Hiện nhiều người vay mua nhà đang phải trả lãi suất 11%-12%/năm trong các năm tiếp theo.
Người mua nhà cần cân nhắc số tiền trả nợ hằng tháng không vượt quá 30% tổng thu nhập. Ảnh minh họa: M.LONG |
Vì thế, khách hàng trước khi ký hợp đồng vay tiền phải xem xét thật kỹ từng điều khoản như lãi suất, cách thức tính lãi, ưu đãi... phải cân nhắc theo lãi suất thả nổi chứ đừng chú ý đến lãi suất ưu đãi thời gian đầu. “Không nên chi quá 30% thu nhập cho tiền trả nợ ngân hàng” - ông Thịnh khuyến cáo.
Đối với mua BĐS để đầu tư kinh doanh, ông Nguyễn Vũ, Giám đốc Trung tâm giao dịch BĐS Căn Nhà Mới (TP.HCM), cho rằng thời điểm biến động lãi suất theo chiều hướng tăng thì nên đầu tư bằng vốn tự thân thay vì sử dụng đòn bẩy tài chính. Nếu vay mua căn hộ, nhà đầu tư chỉ nên vay khoảng 30% giá trị sản phẩm, tiền trả gốc lãi chỉ chiếm khoảng 20% thu nhập. Nhà đầu tư xác định mục đích đầu tư dài hạn, tính toán khả năng tài chính “chịu đựng” được bao lâu.
“Trường hợp mua nhà để ở, người dân có thể vay tới 50%-60% giá trị BĐS nhưng tiền trả nợ hằng tháng không nên quá 30% thu nhập của gia đình” - ông Vũ đưa ra lời khuyên.
Giá nhà chịu áp lực tăng
Theo báo cáo chiến lược quý IV-2022, Công ty chứng khoán ACB (ACBS) đưa ra đánh giá thị trường BĐS bị ảnh hưởng bởi lãi suất tăng, lạm phát, tăng trưởng tín dụng thấp và hạn chế cho vay đối với những ngành có rủi ro.
“Do đó, nhu cầu mua nhà sẽ giảm và giá bán sẽ đi ngang. TP.HCM và Hà Nội sẽ chào đón nhiều dự án căn hộ có thương hiệu hơn trong khi nguồn cung các dự án căn hộ bình dân sẽ tiếp tục khan hiếm” - ACBS dự báo.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, nhận định từ nay tới cuối năm giá nhà sẽ chịu áp lực tăng do chi phí tăng, lạm phát, nhu cầu nhà ở cao mà nguồn cung thấp. Thanh khoản sẽ giảm, dòng tiền dễ tiếp cận không còn. Nếu thị trường BĐS không được tháo gỡ có thể sẽ dẫn đến một giai đoạn đóng băng dài. Vì vậy, cần có các chính sách hỗ trợ để quá trình tái cân bằng thị trường diễn ra.
Ông Đính kiến nghị trong thời gian ngắn hạn cần cấp bách phê duyệt các dự án cấp thiết cho xã hội, tăng nguồn cung mới, giảm giá nhà ở. Đồng thời, đối với gói hỗ trợ lãi suất 2% cần phân bổ công bằng cho các lĩnh vực kinh doanh.
Ngoài ra, phải khơi thông dòng vốn, thúc đẩy dòng vốn tín dụng có kiểm soát vào các dự án BĐS trọng yếu, phù hợp với nhu cầu xã hội, thị trường, người lao động, đẩy mạnh tháo gỡ vướng mắc cho nhà ở xã hội. Đặc biệt, chính quyền địa phương nên quyết liệt hơn trong công tác phê duyệt dự án.
Cần gói hỗ trợ 50.000 tỉ đồng, lãi suất 6% cho người mua nhà
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, để hỗ trợ người mua nhà, Ngân hàng Nhà nước phải có gói hỗ trợ như trước đây như gói 30.000 tỉ đồng. Trong bối cảnh hiện nay, quy mô gói hỗ trợ cần lên tới 50.000 tỉ đồng với lãi suất khoảng 6% để giúp người có thu nhập thấp tiếp cận được nhà ở.
Chương trình cho vay của các ngân hàng tại Việt Nam hiện nay phần nào đã lỗi thời và cần được cải tổ. Đơn cử, ngân hàng có các gói vay dài hạn 10-30 năm nhưng lại áp dụng lãi suất thả nổi.
Hiện nay, nhiều ngân hàng mời gọi khách hàng đến vay tiền mua nhà ở với lãi suất thậm chí là 0% trong ba tháng, sáu tháng, một năm đầu tiên. Tuy nhiên, sau đó lãi suất thường là thả nổi theo thị trường rất cao, điều này gây khó khăn cho người mua nhà. Nếu lãi suất tăng lên thì họ phải chịu một khoản chi phí tài chính cao hơn. Do đó, vấn đề hiện nay là cần phải có giải pháp để tìm những nguồn vốn trung và dài hạn cho thị trường BĐS.