Tại báo cáo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gửi Quốc hội về thực hiện Nghị quyết 62 của Quốc hội về hoạt động chất vấn, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: Tính đến cuối tháng 9, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 11,58 triệu tỉ đồng, tăng 10,83% so với cuối năm 2021. Đây là mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm gần đây, phù hợp với diễn biến phục hồi của nền kinh tế.
Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh và tín dụng đổ vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro vẫn tiếp tục được NHNN kiểm soát chặt chẽ.
Tạm tính đến cuối tháng 8 vừa qua, tín dụng phục vụ ngành nông, lâm, thủy sản tăng 7,56%; ngành công nghiệp xây dựng tăng 7,37%; ngành thương mại - dịch vụ tăng 11,34%.
Tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tăng 9,26%; doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 10,54%; xuất khẩu tăng 2,68%; công nghiệp hỗ trợ tăng 11,6%...
Riêng đối với bất động sản, tính đến cuối tháng 8, tín dụng cho lĩnh vực này tăng 15,68% so với cuối năm 2021, chiếm 20,92% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống (tương đương khoảng 2,42 triệu tỉ đồng).
Trong đó tín dụng dành cho kinh doanh bất động sản chỉ tăng 7,35%, thấp hơn nhiều so với cho vay nhằm mục đích tự sử dụng, tăng tới 20,14%.
Với việc NHNN tích cực kiểm soát chặt vốn tín dụng chảy vào các lĩnh vực nhiều rủi ro đã giúp cho tín dụng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán quay đầu giảm 35,07%, chỉ chiếm 0,32% tổng dư nợ tín dụng.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh: “Đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có kinh doanh bất động sản, chứng khoán, NHNN đã và sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp giám sát, đảm bảo an toàn hoạt động.
Cụ thể tiếp tục giám sát chặt chẽ và có những cảnh báo sớm về tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo hướng đưa nội dung thanh tra về hoạt động cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro vào kế hoạch thanh tra chuyên ngành đối với các cuộc thanh tra pháp nhân định kỳ hàng năm”.