Đây là số liệu được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đưa ra tại "Hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững" được Chính phủ tổ chức ngày 14-7.
Được biết trong tổng dư nợ tín dụng 2,33 triệu tỉ đồng chảy vào bất động sản (BĐS) thì chủ yếu tập trung cho vay vào mục đích tự sử dụng là 1,55 triệu tỉ đồng, tăng 14,41%, chiếm tỉ trọng 66,3%; dư nợ tín dụng với mục đích kinh doanh BĐS là hơn 786.000 tỉ đồng, tăng 8,4% so với cuối năm ngoái và chiếm tỉ trọng 33,7%.
Đánh giá về vai trò của thị trường BĐS, Thống đốc nhận định BĐS có vai trò hết sức quan trọng và có mối liên hệ với nhiều ngành sản xuất.
Trong những năm qua, sự phát triển của thị trường BĐS đã góp phần thu hút các nguồn lực, tạo ra các tài sản cố định lớn cho nền kinh tế, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, dòng vốn chảy vào thị trường BĐS rất đa dạng và tín dụng chỉ là một kênh. Ngoài vốn vay ngân hàng còn có dòng vốn đầu tư FDI, vốn huy động trên thị trường quốc tế thông qua việc phát hành trái phiếu hoặc vay các tổ chức nước ngoài, nguồn vốn huy động từ thị trường chứng khoán, nguồn vốn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp và nguồn vốn tự có, tự tích lũy của các tổ chức, cá nhân.
Phát biểu tại hội thảo, Thống đốc cho biết: "Năm 2022, NHNN định hướng tín dụng tăng khoảng 14%, cao hơn mức tăng 13,61% trong năm 2021 và 12,17% năm 2020.
Tính đến ngày 30-6, tín dụng đã tăng 9,35%, là mức cao hơn so với mức tăng sáu tháng đầu năm của cả những năm trước đại dịch. Đây là tín hiệu cho thấy tín dụng đã tăng rất mạnh.
Cho tới thời điểm hiện nay, dù lạm phát đang chịu sức ép gia tăng trong thời gian tới, NHNN vẫn giữ chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 là 14%.”