Phó thống đốc NHNN: "Chưa có văn bản chỉ đạo nào siết tín dụng bất động sản"

(PLO)- Phó thống đốc NHNN, ông Đào Minh Tú nói: "Siết, dừng, thắt... đấy là từ ai nói chứ NHNN chưa nói bao giờ, chưa có văn bản nào chỉ đạo siết, dừng hay chặn tín dụng bất động sản".
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phát biểu tại Tọa đàm Khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản (BĐS) do báo Thanh Niên và Viện Kinh tế Xanh tổ chức sáng 7-6 tại TP.HCM, ông Tú cho rằng về cơ chế chính sách, rất tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp BĐS.

"Chúng tôi khẳng định lại một lần nữa là rất tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, kể cả doanh nghiệp BĐS. Những doanh nghiệp kinh doanh BĐS đảm bảo đúng quy định của Nhà nước đều được tạo điều kiện vay vốn tín dụng"- ông Tú nói.

Theo ông Tú, NHNN chỉ quản lý rủi ro của các tổ chức tín dụng đầu tư khi cho vay vào lĩnh vực BĐS, đặc biệt các BĐS có nguy cơ rủi ro. Các BĐS rủi ro là việc kinh doanh đầu cơ, là những dự án có giá trị lớn, khả năng không trả được vốn, mất thanh khoản cao...

"Vừa qua là câu chuyện lũng đoạn giá, đầu cơ, thổi giá, cán bộ người dân sáng ngồi cà phê ai cũng bàn chuyện mua nhà, đất. Có phải mua để ở đâu hay chỉ đầu tư kinh doanh, có những biệt thự giá 100 tỉ, vài trăm tỉ đồng"- ông Tú ví von.

Câu chuyện khơi thông nguồn vốn cho bất động sản nhận được nhiều sự quan tâm thời gian qua. Ảnh: K.C

Câu chuyện khơi thông nguồn vốn cho bất động sản nhận được nhiều sự quan tâm thời gian qua. Ảnh: K.C

Còn theo ông Nguyễn Minh Nhật, Tổng Giám đốc Vạn Xuân Group, thì doanh nghiệp hiện có 4 kênh huy động vốn là từ khách hàng, trái phiếu cổ phiếu, quỹ đầu tư (trong nước và ngoài nước) và tín dụng từ ngân hàng.

"Hiện nay, các nguồn vốn này đều vướng. Thông tin vừa qua ngân hàng siết tín dụng cũng góp phần làm ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng làm nguồn vốn từ kênh này cũng bị ách"- ông Xuân nói.

Ông Xuân cho biết thêm hiện doanh nghiệp có khoản vay hơn 2.000 tỉ đồng đang chờ ngân hàng giải ngân, từ tháng tháng 3 đến nay ngân hàng bảo “hết room” nên chưa chịu giải ngân và cho biết từ tháng 6 sẽ giải ngân lại với mức độ hạn chế.

Ông Trần Phương, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng BIDV cho rằng để được cho vay, ngân hàng phải đánh giá được năng lực tài chính vững mạnh, doanh nghiệp phải có kinh nghiệm trong lĩnh vực BĐS.

Theo ông Phương, khi vay vốn vẫn phải có điều kiện, do BĐS lợi nhuận cao nên rủi ro cũng lớn. Thế nên khi cho vay phải chú trọng về tài sản đảm bảo trong quá trình cho vay.

"Đây không phải là thị trường ngắn hạn nên trong quá trình làm việc phải có sự thoả thuận, doanh nghiệp có doanh thu lợi nhuận bền vững thì ngân hàng cũng phải an toàn trong dài hạn"- ông Phương lý giải.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm