Công an phường An Lạc A, quận Bình Tân (TP.HCM) vừa tiếp nhận hồ sơ cùng nghi can Nguyễn Hoàng Tâm (54 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) do cảnh sát hình sự Công an TP.HCM bàn giao để làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Vào tận bến xe vẫn bị lừa
Sáng 31-12-2014, chị NTNH (công nhân của một công ty tại TP.HCM) được người nhà thông báo con nhỏ ở quê bị bệnh. Nhận tin, chị xin nghỉ phép và ra Bến xe Miền Tây mua vé về Bến Tre chăm con. Lúc tới trước cổng bến xe, chị H. gặp một người phụ nữ, chừng 40 tuổi đến lân la, gạ chuyện. Khi biết chị cần về quê gấp, người này nói: “Có xe đi Bến Tre liền, không phải đợi”.
Thấy chị H. gật đầu, người phụ nữ rút ngay điện thoại gọi Nguyễn Hoàng Tâm (hành nghề xe ôm) kêu chở chị H. ra điểm tập kết xe về Thạnh Phú (Bến Tre). Trên đường đi, ông Tâm yêu cầu chị H. đưa 78.000 đồng với lý do “trả tiền vé cho nhà xe”. Tuy nhiên, khi chị H. lên xe thì phụ xe vẫn đến thu tiền và cho biết chưa có ai thanh toán vé cho chị. Biết bị lừa, chị H. liên hệ cơ quan công an tố giác.
Tổ trinh sát hình sự đặc nhiệm (PC45) Công an TP.HCM nhanh chóng có mặt đưa chị H. về Công an phường An Lạc A lấy lời khai, ghi nhận vụ việc. Đồng thời, một tổ trinh sát khác tìm đưa ông Tâm về trụ sở làm rõ. Tại đây, ông Tâm khai nhận câu kết với Hồ Ngọc Nga (43 tuổi, ngụ quận Bình Tân) để lừa khách tại Bến xe Miền Tây.
Hành khách đến Bến xe Miền Tây bị “cò vé” lôi kéo bên ngoài. Nguyễn Hoàng Tâm tại cơ quan công an. Ảnh: XN
Trước đó, ngày 27-12-2014, PC45 cũng phối hợp Công an phường An Lạc A kiểm tra, phát hiện và bắt giữ Kim Thái Đạt (30 tuổi, ngụ Bình Chánh) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đạt đã lừa ông Lương Minh Chiến khi chở ông từ Bến xe Miền Tây ra khu vực cây xăng trên đường Kinh Dương Vương (đối diện bến xe). Tại đây, Đạt nói thu tiền vé từ TP.HCM về Bạc Liêu rồi lấy của ông Chiến 180.000 đồng. Khi ông Chiến lên xe về Bạc Liêu mới biết bị Đạt lừa.
Tại cơ quan công an, Đạt khai nhận là chân rết của bà Nga. Mỗi khi bà Nga dụ được khách cần đi xe nhanh thì gọi Đạt vờ chở ra xe để lừa lấy tiền vé, sau đó cả hai chia nhau số tiền chiếm đoạt được.
Cảnh giác nạn vé giả
Theo ông Thượng Thanh Hải - Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông, các đối tượng xấu lợi dụng vào những dịp lễ, tết thường có nhiều hãng xe mở điểm bán vé xe khách trước tết để trà trộn vào bán vé giả. Năm ngoái đã có nhiều người mua trước vé xe ở các điểm bán vé giả. Nạn nhân cứ an tâm là vé thật, tới ngày đi lên xe về quê mới biết vé giả. Lúc nạn nhân đi tìm lại người bán vé trên thì họ đã cao chạy xa bay nên đành tiền mất tật mang.
Tại Bến xe Miền Đông, lực lượng bảo vệ an ninh thường xuyên đi tuần. Khi thấy “cò vé” xuất hiện bên trong, bến sẽ kiểm tra, bắt giữ rồi báo công an địa phương. Qua trường hợp nêu trên, hành khách để tránh bị lừa nên vào quầy giao dịch, điểm bán vé của bến xe để mua vé. Không nên nghe lời gạ gẫm, lôi kéo của những đối tượng xấu mua vé giả để khỏi bị lừa. Ông Hải cho biết Bến xe Miền Đông luôn có phương án dự phòng phục vụ hành khách vào dịp lễ, tết.
Tại buổi làm việc với đoàn công tác Bộ GTVT về công tác phục vụ hành khách dịp tết dương lịch và tết Nguyên đán 2015, ông Nguyễn Ngọc Thừa - Giám đốc Bến xe Miền Đông khẳng định: “Đã chuẩn bị các phương án dự phòng, chuẩn bị xe tăng cường khi cần”. Dự kiến lượng khách qua bến có thể tăng 30%-40% so với ngày thường, tập trung một số tuyến Bình Định trở vào khu vực Tây Nguyên… Vì vậy chuẩn bị xe để tăng cường khi cần là giải pháp mà bến xe dự phòng. Bến xe Miền Đông cũng sẽ theo dõi lượng khách, số lượng phương tiện vận tải trên từng tuyến để có sự điều tiết kịp thời. Cùng với các đơn vị vận tải, bến xe sẽ sắp xếp tài chuyến, điều động phương tiện vận chuyển hợp lý để nhanh chóng giải tỏa, không để ùn ứ hành khách trong bến xe. |