Các gốc mai đang được chở đi bán phục vụ cho những ngày Tết tại TP Cần Thơ |
Những ngày cuối năm, nạn trộm cắp cây kiểng ở các tỉnh miền Tây đang ngày càng rầm rộ. Bọn trộm chủ yếu nhắm vào những cây kiểng có giá trị cao.
Cảnh giác vẫn bị trộm
Mấy ngày nay, anh H., nhà ở khu đô thị mới Nam sông Cần Thơ, phường Phú Thứ, quận Cái Răng (TP Cần Thơ), phải chạy đôn chạy đáo lùng sục khắp nơi để mong tìm chuộc lại cây mai vừa bị kẻ trộm lấy mất vào rạng sáng 29-11. Buồn xo, anh nói: “Đây là cây mai nhà tôi trồng đã gần 30 năm, gốc cây kiểu dáng rất đẹp. Đã có nhiều người hỏi mua với giá hơn 200 triệu đồng, nhưng tôi không bán”. Anh H. nói vì biết cây mai quý, nên anh kêu thợ đặt hẳn một trụ sắt dưới đất để xiềng dây xích xung quanh thân cây và rễ nhằm chống trộm. Nào ngờ, khoảng hơn 2 giờ ngày 29-11, mới mở cửa ra trông chừng, anh đã choáng váng vì chỉ thấy cọng dây xích bị cắt đứt lìa ra làm đôi. Trong khi đó, cây mai đã không cánh mà bay. Trước đó khoảng 10 ngày, cách nhà anh H. gần 500 m, bọn trộm cũng đã “rinh” hai cây mai trị giá hàng chục triệu đồng.
Năm nào cũng vậy, cứ gần vào cuối năm, vườn mai của anh Khải ở xã Trường Long, huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) đều bị bọn trộm viếng thăm. Vườn rộng đến hơn 2.000 m2, anh Khải trồng rất nhiều loại mai. Do đề phòng nên xung quanh vườn anh đều rào dây kẽm gai. Tuy nhiên, mới đây, bọn trộm đã đột nhập vào lấy đi gần cả chục cây mai.
Chính quyền bó tay!
Hầu hết những người bị bọn trộm kiểng “ghé thăm” đều cho biết trước khi ra tay lấy kiểng, bọn trộm thường đến gạ hỏi mua hoặc giả vờ khen cây đẹp. Sau đó, chỉ trong vòng khoảng 7 đến 10 ngày sau, những cây kiểng đó hầu như đều bị mất trộm. Điển hình như trường hợp của ông Tư Tân ở xã Phú Hữu, huyện Châu Thành (Hậu Giang), có cặp kiểng bon sai cần thăng rất đẹp. Ông cho biết cặp kiểng này có từ hồi ông nội của ông. Mỗi lần ai đến nhà chơi cũng đều trầm trồ khen ngợi. Nhiều người hỏi mua với giá cao, nhưng ông nhất quyết không bán. Thế rồi mới đây, 4 người đàn ông ăn mặc lịch sự đến nài nỉ hỏi mua cặp kiểng này với giá 15 triệu đồng, nhưng ông từ chối. Không mua được, 4 người này bỏ về. Khoảng một tuần sau, cặp kiểng của ông Tư Tân đã không cánh mà bay. Ông Tư Tân trình báo với chính quyền địa phương, nhưng đến nay cặp kiểng vẫn bặt vô âm tín.
Ngoài những cây mai, bon sai có giá trị, bọn trộm kiểng còn nhắm đến các loại cây kiểng như nguyệt quế, kim quất, vạn niên tùng... Vì tình trạng bọn trộm kiểng ngày càng lộng hành, nên những nhà vườn chuyên kinh doanh cây kiểng ở Đồng Tháp, Bến Tre, Cần Thơ, Hậu Giang... hiện đang ăn ngủ không yên.
Đem chuyện mất trộm kiểng gặp một số vị lãnh đạo địa phương, chúng tôi đều nhận được cái lắc đầu tỏ vẻ ngao ngán vì bọn trộm kiểng thường từ địa phương khác đến. Vả lại, dân chơi kiểng ngày càng nhiều, cây kiểng lại thông dụng nên khó có thể tìm ra kẻ trộm.
Theo ĐỨC KHÁNH (NLĐ)