Sáng 11-5, tại TP.HCM đã diễn ra hội nghị chuyên đề của Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) khu vực châu Á-Thái Bình Dương về “Ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) - Hành động của các nhà lập pháp”. Tham dự có hơn 200 đại biểu đến từ quốc hội của 24 nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cùng đại diện của các tổ chức quốc tế.
20% diện tích TP.HCM sẽ bị ngập?
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH. Theo dự báo, khoảng 40% diện tích ĐBSCL, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích các địa phương khác thuộc khu vực ven biển sẽ bị ngập vào cuối thế kỷ 21. Có khoảng 10%-12% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp với tổn thất GDP khoảng 10%. Riêng TP.HCM sẽ có trên 20% diện tích bị ngập.
Bà Ngân cho rằng cần phải tăng cường sự đoàn kết giữa các nước và cùng phối hợp hành động một cách có trách nhiệm để giữ gìn hành tinh xanh cho thế hệ tương lai.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết TP.HCM là một trong 10 TP trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi BĐKH. Qua đánh giá các yếu tố gây ra BĐKH, các nhà khoa học nhận định các yếu tố có tác động mạnh nhất đến TP.HCM là nhiệt độ, lượng mưa và triều cường.
Trước thực trạng đó, ông Nhân cho biết TP.HCM đã có chủ trương và chính sách ứng phó với BĐKH ở nhiều mức độ và được lồng ghép vào nhiều lĩnh vực khác nhau như quy hoạch, giao thông, xây dựng, quản lý chất thải... “Chúng tôi đã quyết định chủ trương xây dựng TP.HCM trở thành một đô thị thông minh của Việt Nam, trong đó việc giám sát tác động các chỉ số môi trường và giám sát của mọi người dân được triển khai mọi nơi, góp phần bảo vệ môi trường sống lành mạnh cho mọi người dân” - ông Nhân nói.
Mưa kết hợp với triều cường gây ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Ảnh: HOÀNG GIANG
Nông nghiệp chịu tác động trực tiếp
Tại hội nghị, đại biểu đến từcác nước đều lên tiếng về tần suất và cường độ của những thiên tai do BĐKH ngày càng tăng. Việt Nam được xem là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH, trong đó lĩnh vực nông nghiệp chịu những tác động trực tiếp. Năm 2016, do thiên tai, hạn hán lớn, lần đầu tiên nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng âm 0,18%.
“Thực tế nông nghiệp Việt Nam chịu tác động rất lớn của BĐKH. Tôi cho rằng phát triển thiếu bền vững của một số ngành cũng làm trầm trọng hơn những tác động này” - ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nói.
Theo bà Jenty Kirsch Wood, cố vấn về BĐKH của UNDP tại Việt Nam, các quốc gia cần tiếp cận ứng phó với BĐKH theo cách đón đầu, có sự chuẩn bị từ trước, từ đó có chương trình hành động rõ ràng, sớm và đoàn kết để cùng thực hiện. “BĐKH tác động đến mọi người, mọi quốc gia cho nên một quốc gia không thể chỉ bảo vệ đất nước mình mà không cùng các nước bảo vệ cả hành tinh” - bà Jenty Kirsch Wood nhấn mạnh.
Những ý kiến tại phiên họp cho thấy những thách thức từ BĐKH không chỉ đến từ thiên nhiên mà còn do chính con người tạo ra. GS Mai Trọng Nhuận, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về BĐKH của Việt Nam, cho biết nguồn lực gồm tài chính, nhân lực, khoa học công nghệ… cho cuộc chiến ứng phó BĐKH còn thiếu rất nhiều. “Toàn bộ nguồn lực tài chính hiện mới đáp ứng 50% yêu cầu, còn thiếu 50% chưa biết lấy đâu ra” - ông Nhuận nói.
Phiên thảo luận cũng ghi nhận những đóng góp, nỗ lực, kinh nghiệm mà các quốc gia đã có trong ứng phó BĐKH, từ đó đặt ra nhiều yêu cầu đối với cơ quan lập pháp ở các quốc gia. Trong đó, từng quốc gia phải luật hóa và hoạch định chính sách để hoàn thành các cam kết quốc tế về ứng phó BĐKH toàn cầu đã thể hiện trong “Thỏa thuận Paris”, để có sự đoàn kết toàn cầu, giải pháp toàn cầu.
Trong khuôn khổ hội nghị, hôm nay 12-5, Việt Nam sẽ tổ chức cho các đại biểu đi thăm thực địa huyện Cần Giờ để các đại biểu có những trải nghiệm thực tế về tác động của BĐKH ở Việt Nam, đồng thời tham khảo về mô mình chuyển đổi kinh tế nhằm thích ứng với BĐKH. Hội nghị sẽkéo dài đến hết ngày 13-5. |