Sạt lở đất miền Tây - nước đã tới chân - Bài cuối

Giải pháp nào để đồng bằng không tan rã?

“Trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm sạt lở bờ sông và ven biển đã lấy đi 500 ha đất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” - báo cáo của Bộ NN&PTNT về tình hình sạt lở đất ĐBSCL mới đây cảnh báo. Báo cáo này cũng cho biết tình trạng sạt lở bờ sông đang diễn biến phức tạp. Hiện ở ĐBSCL có 265 điểm sạt lở với tổng chiều dài lên đến 450 km. Những vụ sạt lở đất bờ sông thường diễn ra vào mùa mưa, tuy nhiên những năm gần đây thì sạt lở đất bờ sông đã xuất hiện ngày một nhiều ngay giữa mùa khô mà điển hình là vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra ở tỉnh An Giang ngày 22-4 vừa qua.

Không còn theo quy luật

Đánh giá, nhận định về tình hình sạt lở khu vực ĐBSCL, ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang, cho rằng vào mùa khô mà tình trạng sạt lở diễn ra liên tục cho thấy sạt lở bờ sông không còn theo quy luật nữa. Minh chứng cụ thể nhất là trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. “Từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh đang mùa khô nhưng đã xảy ra sáu vụ sạt lở đất bờ sông trên địa bàn các huyện Châu Thành, Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy với tổng chiều dài 1,1 km, bề rộng từ 2 đến 5 m khiến hàng ngàn mét vuông đất bị mất” - ông Toàn thông tin.

Trong khi đó, ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL, đánh giá hiện nay sạt lở ở vùng ĐBSCL đang diễn ra ngày càng trầm trọng. “Phía biển thì hơn 300 km bờ biển, tức hơn phân nửa chiều dài bờ biển ĐBSCL, đang sạt lở trầm trọng, mỗi năm mất khoảng 5 km2 đất. Còn bờ sông thì đang sạt lở tứ tung, chưa thống kê hết” - ThS Thiện nhấn mạnh.

ThS Thiện cũng cho rằng vấn đề sạt lở bờ sông tại vùng ĐBSCL hiện nay cần phải nhìn nhận, đánh giá không chỉ cục bộ tại nơi xảy ra mà rộng hơn cần phải có cái nhìn trên toàn hệ thống. “Nếu chỉ xét tại chỗ một điểm sạt lở nào đó thì ta có thể cho rằng do dòng chảy thay đổi, do tàu thuyền, do xây dựng nhà cửa sát bờ sông. Nhưng để lý giải cho tình hình sạt lở trên toàn vùng ĐBSCL thì cần xét bối cảnh rộng lớn hơn. Khi sạt lở diễn ra trên diện rộng thì rõ ràng là đã có sự mất cân bằng trên toàn hệ thống. Và điều quan trọng là phải có kiểm tra, khảo sát, nghiên cứu đánh giá cụ thể để chỉ ra được những tác nhân, từ đó mới có những giải pháp hiệu quả để ứng phó” - ông Thiện nói.

Khai thác cát bừa bãi trên sông là một trong các nguyên nhân chính gây sạt lở dọc bờ sông Tiền, sông Hậu. Ảnh: GIA TUỆ

Một vụ sạt lở bờ sông Tiền, đoạn chảy qua địa phận  huyện Thanh Bình, Đồng Tháp. ảnh: TÍN HUY

Cát, sỏi không còn về

Về nguyên nhân sạt lở bờ sông ở vùng ĐBSCL, một số chuyên gia môi trường cũng chỉ ra nguyên nhân gây sạt lở xuất phát từ sử dụng nước ngầm quá mức gây lún đất và tạo ra các vết nứt bị khoét rỗng thành hố, từ đó bị tác động bởi thủy triều. Đáng chú ý, các chuyên gia cảnh báo tình hình khai thác cát trên sông cũng là một nguyên nhân chính dẫn tới sạt lở. Theo số liệu của các cơ quan nghiên cứu quốc tế, trong 15 năm qua sông Tiền và sông Hậu đã mất đi 200 triệu tấn cát, làm hạ thấp đáy sông trung bình 1,3 m. Nhiều nơi có những hố rất sâu. Khai thác cát không chỉ ảnh hưởng tại chỗ mà ảnh hưởng xa hàng trăm km trên toàn bộ hệ thống sông. Bởi vì sau khai thác cát để lại những hố sâu mà thời gian sau cát trôi về cũng không thể vượt qua hố để đi tiếp được, nên bên dưới đáy sông thiếu cát và dòng chảy sẽ lấy cát để tự điều chỉnh. Dự báo sau này, khi các đập thủy điện dọc thượng nguồn Me kong xây xong thì 100% cát sỏi sẽ không về được ĐBSCL. Khi đó sạt lở sẽ dữ dội hơn.

Đồng quan điểm trên, ThS Nguyễn Hữu Thiện nhấn mạnh nguyên nhân là do sự mất cân bằng do thiếu phù sa, cát sỏi. Ông Thiện ví von dòng sông Me Kong như một băng chuyền dài 4.800 km, từ mấy ngàn năm nay miệt mài mang phù sa bào mòn từ phía trên đem về phía hạ lưu. ĐBSCL được hình thành trong 6.000 năm qua chính là do quá trình vận chuyển phù sa và bồi đắp này, từ ngữ khoa học gọi là quá trình “kiến tạo đồng bằng”. Điều này có nghĩa là nếu không có sông Me Kong thì không có ĐBSCL. ĐBSCL là một đồng bằng trẻ, được bồi đắp bởi phù sa nên nền đất yếu dễ bị sạt lở.

Phù sa có hai loại chính: Loại mịn lơ lửng trong nước được dòng sông mang về hằng năm và cát sỏi di chuyển dưới đáy sông phải đi vài chục năm mới đến được ĐBSCL. Về phù sa mịn, số liệu của Ủy hội Me Kong quốc tế (MRC) so sánh năm 1992 và 2014 cho thấy sau khi Trung Quốc đắp bảy đập ở đoạn thượng lưu, tải lượng phù sa mịn của sông Me Kong đã giảm từ 160 triệu tấn/năm còn 85 triệu tấn/năm. Điều này tạo ra hiện tượng “nước đói phù sa” gây ra sạt lở bờ sông, bờ biển ở đồng bằng. “Dự báo sau này khi 11 đập thủy điện dòng chính Me Kong ở Lào và Campuchia xây dựng xong thì lượng phù sa mịn sẽ giảm 1/2 một lần nữa, tức chỉ còn 1/4 lượng trước đây. Khi đó sạt lở sẽ diễn ra dữ dội hơn” - ThS Nguyễn Hữu Thiện lý giải.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai, cho rằng nguyên nhân còn do tác động của biến đổi khí hậu và quan trọng hơn là do phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời, việc xây dựng các công trình có xu hướng tăng tải vùng ven sông và kênh rạch nên tình trạng sạt lở cứ phổ biến.

Nỗi niềm đau đáu

Đi tìm một giải pháp căn cơ nhằm ứng phó với tình hình sạt lở bờ sông mà hậu quả của nó là đất đai của ĐBSCL bị mất dần là nỗi niềm đau đáu của cơ quan quản lý nhà nước và các nhà khoa học. ThS Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu TP Cần Thơ, đề nghị cần có các bảng báo hiệu về tốc độ, tải trọng trên các tuyến đường thủy, tại những khu vực có nguy cơ sạt lở để hạn chế các phương tiện có tải trọng lớn qua lại. Ở góc độ quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho biết: “Cái cần làm để phòng, chống và ứng phó với sạt lở bờ sông, bờ biển thì thời gian qua Đảng, Nhà nước đã tập trung nguồn lực rất nhiều từ nguồn vốn biến đổi khí hậu, ODA, trái phiếu chính phủ…, nhưng bấy nhiêu chưa đủ. Sắp tới, đối với vùng ĐBSCL Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường điều tra, kiểm tra và khảo sát để chỉ ra những chỗ nguy cơ cao và sớm có cảnh báo. Đồng thời, tăng cường quản lý đất đai và quản lý việc xây dựng ở các khu vực ven bờ sông và kênh rạch; ngoài ra phải tính toán để di dời dân ra khỏi các vùng có nguy cơ cao về sạt lở”.

Thứ trưởng Thắng cũng cho biết phải thay đổi tập quán cư ngụ của người dân. Ngày xưa khi dân cư thưa thớt thường quần tụ khu dân cư ven sông, rạch nhưng với tốc độ phát triển kinh tế-xã hội hiện nay, việc phát triển nhà cửa ven sông và kênh, rạch sẽ là tác nhân gây sạt lở. Cần phải quy hoạch để phân bổ lại dân cư nhằm tránh tập trung quá nhiều ở ven sông, rạch.

Đa dạng hóa các mô hình sinh kế bền vững

Gần như 100% nhà khoa học ghi nhận hệ thống các đập thủy điện trên dòng Me Kong là tác nhân chính gây sạt lở bờ sông Tiền, sông Hậu do dòng chảy thay đổi, phù sa bồi đắp nghèo nàn. Công bằng mà nói, đây là vấn đề khó, gần như vượt tầm giải quyết của vùng và địa phương. Việc có thể làm ngay có lẽ là phải nâng cao nhận thức đầy đủ về vấn đề quốc tế phức tạp này. Bên cạnh đó phải có những dự án cụ thể, thiết thực như đa dạng hóa các mô hình sinh kế bền vững; thực hiện các dự án di dời, tái định cư cho bà con ven sông nhưng cần tính toán kỹ càng đối với tập quán xây nhà, lập chợ, giao thương ven sông. Đây là vấn đề văn hóa đòi hỏi phải tham vấn cộng đồng bài bản thì mới khả thi.

DANH QUỐC CƯỜNG, ThS phát triển cộng đồng

Khẩn trương quản lý khai thác cát

Về lâu dài, nguồn phù sa, cát sỏi trên sông ngày càng ít đi do việc xây hàng loạt thủy điện dọc dòng Me Kong, từ đó tình hình sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Do vậy, việc cần làm ngay bây giờ là cần phải khẩn trương quản lý việc khai thác cát sông trên toàn tuyến chứ không nên để từng địa phương hoặc từng ngành cấp phép khai thác cát như hiện nay. Cách làm hiện nay rất không ổn vì từng địa phương hay từng ngành cấp phép khai thác cát thì không xét ảnh hưởng đến toàn hệ thống sông và ảnh hưởng tới bờ biển. Khai thác hết cát sông thì bờ biển cũng đói cát và tình hình sạt lở sẽ ngày càng lan rộng.

ThS NGUYỄN HỮU THIỆN, chuyên gia độc lập
nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL

Bộ sẽ chỉ đạo Viện khoa học địa chất phối hợp với nhà khoa học các nước đánh giá cụ thể về tình trạng sạt lở trên sông Tiền và sông Hậu. Sau đó sẽ báo cáo lên Thủ tướng, đề xuất các giải pháp giúp An Giang cũng như các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL đưa ra hướng xử lý ổn định dòng chảy những nơi nguy hiểm.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm