Thứ nhất, không chỉ hành vi cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ mà hành vi cưỡng ép, cản trở ly hôn tự nguyện cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 181 BLHS 2015 (tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn). Mức hình phạt của hành vi này có thể lên đến ba năm tù.
Thứ hai, đối với tội vi phạm chế độ một vợ một chồng thì BLHS 2015 bổ sung hai tình tiết định khung. Đó là tình tiết làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn (điểm a khoản 1 Điều 182) và tình tiết làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên dẫn đến tự sát (điểm a khoản 2 Điều 182).
Thứ ba, BLHS 2015 bỏ quy định về tội tảo hôn, đồng thời bổ sung một tội danh mới, đó là tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại (quy định tại Điều 187). Theo đó, người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà mức hình phạt cao nhất lên đến năm năm tù.
Thứ tư, đối với tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng hoặc người có công nuôi dưỡng mình thì BLHS 2015 tăng mức hình phạt lên đến năm năm tù. Ngoài ra, điều luật này còn bổ sung ba tình tiết định khung đó là thường xuyên làm nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần (điểm a khoản 1 Điều 185), phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu (điểm a khoản 2 Điều 185) và phạm tội đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo (điểm b khoản 2 Điều 185).
Bên cạnh đó, BLHS 2015 làm rõ khái niệm “gây hậu quả nghiêm trọng” trong tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng như BLHS hiện hành. Theo đó, Điều 186 BLHS 2015 bỏ khái niệm gây hậu quả nghiêm trọng bằng quy định cụ thể hơn, đó là nếu người nào từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe… Việc quy định cụ thể như vậy giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết được dễ dàng hơn.