Một lần về Huế vào tháng Năm âm lịch, tôi thấy người dân bày bàn thờ ra ngoài trời cúng. Đâu đâu cũng nghi ngút khói nhang. Người dân Huế cúng ngày thất thủ kinh đô, khi quân Pháp đánh chiếm kinh thành. Cúng để tưởng nhớ, để những người đã chết trong loạn ly ấy có chút khói nhang, hồn vía họ đỡ phải đói rét, lang thang vất vưởng. Cả kinh thành lập lòe nhang khói, thâm u, yên lặng. Ấn tượng về một thảm nạn của dân tộc còn được nhắc nhớ, dai dẳng qua lễ cúng hằng năm ấy, khó phai mờ.
Ở một số nơi, tôi cũng gặp những lễ cúng cô hồn, có thí thực. Cô hồn chết không thấy, thấy đám “cô hồn sống” toàn thanh niên trai tráng chứ không phải đám con nít chực chờ “giật cô hồn”. Nghĩ thôi thì bỏ qua, đơn giản đó là chuyện giành giật mấy đồng tiền lẻ, mớ đồ cúng giản dị, đám nào xôm có con gà luộc, thế là cùng. Cái lệ “xá tội vong nhân”, một năm một lần cúng vào tháng 7, trong Nam ngoài Bắc có đôi chút khác nhau nhưng gốc rễ thâm sâu thì vẫn là một.
Tranh lấy đồ lễ trên đàn cúng thí thực trong chùa Quán Sứ, Hà Nội. (Ảnh cắt từ clip)
Nhưng mấy năm nay, đọc trên báo chí, thấy rộ lên chuyện người ta (người lớn) mang vợt đi tụ tập trước nhà cúng cô hồn để chờ hứng tiền lẻ, chuyện người ta tranh nhau đồ lễ trên đàn cúng thí thực trong chùa Quán Sứ... thấy chuyện cúng cô hồn, xin lộc đã biến tướng. Nhìn những hình ảnh ào ào chen lấn xô đẩy, nhao vào đồ cúng, tranh giành với nhau, ngửa mặt với tờ tiền, cúi xuống nhặt nhạnh đồ lễ dập nát vương vãi trên mặt đất... trông khó coi, phản cảm. Có người cầm bịch nylon to để đựng được nhiều, có người giật cả thùng xốp cho khỏi ai tranh mất. Tiền rải trong lễ cúng chỉ là tiền lẻ, đồ cúng trong mâm chỉ là ít trái cây, kẹo bánh nhưng gương mặt người tranh giật đều hiện lên vẻ quyết liệt cố lấy, cố giật cho bằng được. Chữ dùng trong lễ cúng là “thụ lộc”, “xin lộc” nhưng thực tế trần trụi là “cướp”, “giật”, “vơ”…, thấy buồn, thấy tủi thay cho cái thấp kém trong tư cách con người.
Đừng đổ lỗi cho tập quán cúng cô hồn hay cúng thí thực. Nên nhìn nhận khách quan, xem đây có phải là hiện tượng bắt nguồn từ một tâm lý đang xuất hiện trong xã hội, tâm lý khát tiền, khát làm giàu, khát kiếm tiền nhanh chóng? Từ chỗ ngưỡng mộ cái giàu đến chỗ tham lam vô lối, người mê tiền, hám ăn, người mê tín đến mức hạ thấp phẩm giá. Cũng là nhân sinh, kẻ đứng trên lầu rải tiền xuống, người dưới đất ngóng cổ lên chờ chực lượm, giật, cướp; người hể hả vì được tiền, “lộc” trên trời rơi xuống, không do mình làm ra. “Lộc” ấy có khi cuối ngày thành bữa nhậu ven đường, thành câu chuyện vỉa hè để rồi mùa cúng năm sau lại cũng kéo nhau về chờ chực “giật cô hồn” ở phố ấy, nhà ấy hay tranh cướp lộc ở chùa ấy. Nói họ là người tham lam thì đôi khi cũng hơi quá lời nhưng phải thừa nhận cái mầm của lòng tham đó đã trỗi lên trong mỗi con người, có thể ban đầu nhỏ thôi, chút ít thôi nhưng rồi được khuếch đại lên bằng tâm lý đám đông, thành tranh cướp giành giật, thành một hình ảnh xấu về người Việt mình hôm nay.
Tín ngưỡng, tập quán đã bị biến tướng, cần được cả xã hội chung tay điều chỉnh. Người lương thiện kiếm sống bằng lao động của mình. Có ngặt nghèo, đói kém thì chia sẻ, mà “của cho không bằng cách cho” - người Việt vốn sâu sắc, đàng hoàng như vậy. Đã có những gia đình cúng thí thực xong, phát quà từ thiện cho người nghèo, người cho người nhận đều tuần tự nhẹ nhàng, tận tay trao cho nhau thân tình, san sẻ. Xã hội đang phát triển, đang ngày một văn minh, hình ảnh giật cô hồn, cướp lộc, đáng buồn thay lại là một hành xử ngược dòng, không thể chấp nhận.