Ngày 7-9, TAND TP.HCM mở phiên xử sơ thẩm đường dây buôn lậu hàng loạt siêu xe của Việt kiều do Nguyễn Quang Vinh, Nguyễn Giang Lam (cựu cán bộ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (QLXNC), Công an TP.HCM), Trần Phước Thạnh và Trần Thái Nguyên thực hiện. Ngoài ra còn có bị cáo Bùi Khắc Hà (cựu công an cửa khẩu) bị xét xử về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Một công an bị bắt khi điều tra lại
Đây là phiên xử sơ thẩm thứ hai. Trước đó, TAND TP.HCM từng tuyên phạt Lam và Vinh mỗi người 16 năm tù, Thạnh 12 năm tù, Nguyên chín năm tù về tội buôn lậu. Các bị cáo phải trả lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính. Ngoài ra, HĐXX còn khởi tố vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đối với các cán bộ Cục QLXNC, Bộ Công an và Phòng QLXNC, Công an TP.HCM.
Tháng 10-2016, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã hủy toàn bộ bản án trên để điều tra, xét xử lại. Theo cấp phúc thẩm, bản án sơ thẩm chưa làm rõ chủ mưu thật sự của vụ án; quá trình điều tra có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm…
Điều tra lại, tháng 10-2017 bị cáo Hà, cựu cán bộ công an thuộc Đồn cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Cục QLXNC, Bộ Công an (nay là Cục An ninh cửa khẩu), bị bắt. Theo đó, Hà đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đóng dấu giả vào việc kiểm chứng xuất nhập khẩu vào hộ chiếu của 16 Việt kiều. Từ đó Giang, Vinh cùng đồng phạm hợp thức hóa hồ sơ và thực hiện trót lọt hành vi buôn lậu 16 ô tô, năm mô tô gây thất thu thuế...
Hà khai năm 2009 quen và nhờ Giang giúp đỡ một việc nên biết ơn. Sau đó Lam có giao cho Hà một số hộ chiếu do Mỹ và Việt Nam cấp của các Việt kiều để nhờ đóng dấu khống... Lý do Lam đưa ra các Việt kiều này già yếu và để làm một số thủ tục cá nhân bên Mỹ như an sinh xã hội, thuế, bảo hiểm... Hà đã làm giúp Lam và không biết mục đích là để buôn lậu và không nhận lợi ích vật chất nào.
CQĐT cũng xác định các Việt kiều cũng có lỗi nhưng không cố ý nên chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Nhiều cán bộ Đ?ồn cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất thì chỉ làm sai quy trình kiểm chứng xuất nhập cảnh với ý thức giúp người quen làm nhanh thủ tục qua cửa khẩu. Hành vi của họ đã bị ngành công an xử lý kỷ luật. Ngoài ra không thu thập được tài liệu, chứng cứ nào khác chứng minh họ có lỗi cố ý nên chưa cấu thành tội phạm. Kết quả xử lý kỷ luật của ngành công an là thỏa đáng nên không truy cứu hình sự…
Bị cáo Hà (hàng đầu, bìa trái) kế bên bị cáo Lam. Ảnh: HY
Người kêu oan, người chỉ nhận sai
Tại phiên xử, các bị cáo Vinh, Thạnh, Nguyên đều thừa nhận hành vi sai phạm của mình. Vinh khai có được một số salon cho biết về chính sách ưu đãi thuế đối với ô tô nhập khẩu theo diện Việt kiều hồi hương. Theo đó, mỗi Việt kiều hồi hương được mang theo một ô tô hoặc mô tô được miễn thuế nhập khẩu và chỉ phải đóng thuế tiêu thụ đặc biệt.
Các salon đã đặt vấn đề với bị cáo về việc mua lại tiêu chuẩn miễn thuế của các Việt kiều. Để hợp thức hóa hồ sơ, Vinh đã nhờ các cán bộ Cục An ninh cửa khẩu, Bộ Công an đóng dấu xuất nhập cảnh khống vào hộ chiếu của các Việt kiều để hợp thức hóa hồ sơ nhập khẩu xe.
Tổng cộng Vinh đã làm thủ tục nhập khẩu 64 ô tô, trong đó có 54 ô tô là thuê mướn đứng tên nhập khẩu không đúng quy định với tổng trị giá 356 tỉ đồng. Các bị cáo mới chỉ nộp 65 tỉ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt, còn lại gây thiệt hại cho Nhà nước số thuế 162 tỉ đồng.
Cũng theo Vinh, sau khi làm xong các thủ tục tại hải quan, bị cáo giao xe cho các salon. Việc tiêu thụ các ô tô cũng như giá bán đều do các chủ salon quyết định. Các chủ salon chi tiền cho Vinh để trả phí dịch vụ 2.000 USD/xe và chi cho các Việt kiều tổng cộng 10.000 USD.
Bị cáo Lam nói mình bị oan vì không thuê các Việt kiều cũng như không có bằng chứng chứng minh việc bị cáo đã nhận tiền từ Vinh. Bị cáo Vinh cũng khai rằng bản thân không hề nhờ Hà trong việc đóng dấu vào các hộ chiếu của các Việt kiều.
Trong khi bị cáo Hà khai việc đóng dấu trên các hộ chiếu chỉ là giúp đỡ Lam. Bị cáo nói không biết mục đích thực sự của Lam trong việc nhờ đóng dấu các hộ chiếu. Vì thế Hà cho rằng mình không phạm tội mà chỉ có sai sót trong quy trình làm việc.
Dự kiến phiên xử kéo dài trong nhiều ngày.
Buôn lậu nhiều loại siêu xe Theo hồ sơ, Vinh, Nguyên, Thạnh móc nối với Lam để mua tiêu chuẩn nhập khẩu ô tô theo diện Việt kiều hồi hương. Để hợp thức hóa hồ sơ, cả nhóm bàn bạc sẽ nhờ cán bộ Cục QLXNC, Bộ Công an đóng dấu xuất nhập cảnh khống vào hộ chiếu Việt kiều. Từ tháng 1-2011 đến tháng 12-2012, cả nhóm làm thủ tục nhập khẩu đứng tên 64 Việt kiều hồi hương mô tô và ô tô là siêu xe các hãng Rolls Royce, Bentley, Lexus... Các xe này nếu không thuộc diện xe gắn “mác” Việt kiều hồi hương thì phải chịu các khoản tiền thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng hàng trăm tỉ đồng. Trong đó có 54 trường hợp là thuê đứng tên nhập khẩu trái phép. Mỗi suất mua bán, nhóm trả công cho những người đứng tên trong hồ sơ tổng cộng 10.000 USD. |