Đường dây buôn lậu siêu xe núp bóng Việt kiều

Đường dây buôn lậu siêu xe núp bóng Việt kiều ảnh 1

Lê Minh Hải trong hồ sơ cảnh sát.

Điều 3 của Thông tư 118, Bộ Tài chính quy định về điều kiện nhập khẩu xe ôtô đang sử dụng của người Việt Nam định cư ở nước ngoài (gọi tắt là xe ôtô đang sử dụng) đã hoàn tất thủ tục đăng ký thường trú tại Việt Nam (gọi tắt là được phép hồi hương). Theo nội dung của thông tư này thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép hồi hương được nhập khẩu 1 chiếc xe ôtô cá nhân đang sử dụng. Xe ôtô đang sử dụng phải được đăng ký sử dụng ở nước định cư hoặc nước mà người Việt Nam định cư ở nước ngoài đến làm việc (khác với nước định cư) trước thời điểm hoàn tất thủ tục cấp sổ hộ khẩu thường trú tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép hồi hương.
Liên quan đến đường dây mua bán ôtô núp bóng Việt kiều hồi hương vừa được phát hiện, đến ngày 1/3, Công an tỉnh Yên Bái đã có đủ căn cứ khởi tố 4 người về các tội đưa, nhận và làm môi giới hối lộ.

Bước đầu, cơ quan điều tra xác định đường dây này đã nhập khẩu gần 100 xe ôtô, phần lớn là các siêu xe… Trên thực tế, đa số các Việt kiều đứng tên tại các hồ sơ nhập khẩu xe ôtô chỉ về Việt Nam làm thủ tục nhập khẩu xe rồi lại trở về Mỹ sinh sống, có dấu hiệu của việc buôn lậu.

Vụ án nghi vấn trên được mở ra từ việc các trinh sát phát hiện sự gia tăng một cách bất thường các Việt kiều Mỹ làm thủ tục nhập hộ khẩu vào nhiều huyện của tỉnh Yên Bái. Các trường hợp này đều làm trái với các quy định của Nhà nước về nhập khẩu đối với các cá nhân Việt kiều…

Cảnh sát xác định, từ đầu tháng 10/2012 đến ngày 27/10/2012, Đỗ Tiến Hùng, Trưởng Công an xã Việt Thành, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã nhập khẩu trái quy định cho bà Giáp Thị Tuyết và Nguyễn Thị Lan, Việt kiều Mỹ… Trong khi cảnh sát đang vào cuộc, các anh nhận được thông báo của ông Hoàng Văn Chương, Trưởng Công an xã Tô Mậu, huyện Lục Yên, về trường hợp của Hùng, nhờ làm thủ tục nhập khẩu cho hai Việt kiều Mỹ khác.

Theo lời khai của Hùng, anh ta quen Lê Minh Hải (trú tại C6, tập thể Kim Liên, phường Kim Liên, quận Đống Đa, TP Hà Nội). Biết Hùng đang là Trưởng Công an xã, Hải liền đặt vấn đề sau đó đưa tiền và hồ sơ nhờ nhập hộ khẩu trái quy định cho một số Việt kiều Mỹ. Hải đưa 9 triệu đồng để Hùng làm thủ tục nhập khẩu. Lần thứ hai, cầm 10 triệu của Hải, Hùng nhờ ông Chương làm giúp.

Trong máy tính xách tay của Hải, cảnh sát tạm giữ được các bảng kê chi, thu trong 3 tháng (8, 9 và 10/2012) danh sách tên, địa chỉ của Việt kiều, địa chỉ nơi cấp giấy phép nhập khẩu xe ôtô, ngày cấp và loại xe ôtô… cùng nhiều bộ hồ sơ cấp phép nhập khẩu các xe ôtô.

Ngày 1/11/2012, Công an tỉnh Yên Bái ra quyết định khởi tố vụ án, bị can và bắt tạm giam Hải về hành vi đưa hối lộ và bị can Đỗ Tiến Hùng về tội nhận hối lộ. Hải còn khai nhận đưa cho Hoàng Đức Toản (trú tại thôn Sín Chải A, xã Na Hối, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) khoảng 42 triệu đồng làm thủ tục nhập khẩu cho 8 người là Việt kiều quốc tịch Mỹ vào địa bàn tỉnh Lào Cai.

Mục đích của Hải là hợp thức hóa thủ tục xin cấp giấy phép nhập khẩu xe ôtô để được miễn giảm thuế nhập khẩu theo quy định tại Thông tư 118 của Bộ Tài chính. Toản khai rằng đã sử dụng gần 18 triệu đồng để chi phí, số còn lại Toản sử dụng để chi tiêu cá nhân.

Trong đó có các trường hợp như ông Giàng Seo Pao, Trưởng Công an xã Lầu Thí Ngài, huyện Bắc Hà; ông Lâm Văn Dơn, Trưởng Công an xã Tà Chài); ông Vàng Văn Thắng, Trưởng Công an xã Na Hối, huyện Bắc Hà nhập hộ khẩu cho 2 trường hợp và ông Trần Thế Trung, Phó trưởng Công an xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng, Lào Cai để nhập hộ khẩu cho 3 Việt kiều.

Toàn bộ số tiền đưa hối lộ trên là do Trần Mạnh Hùng (trú tại Đa Hội, phường Châu Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) đưa cho Hải. Sau khi củng cố chứng cứ, ngày 3/11/2012, Phòng PC46 Công an tỉnh Yên Bái đã ra lệnh bắt khẩn cấp Trần Mạnh Hùng về hành vi đưa hối lộ và Hoàng Đức Toản về tội làm môi giới hối lộ.

Ngày 5/11/2012, Công an tỉnh Yên Bái ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án làm môi giới hối lộ, buôn lậu. Toàn bộ hoạt động mua bán xe ôtô, đưa hối lộ cho các trưởng, phó công an các xã này do Trần Mạnh Công (sinh sống tại Mỹ), là em trai của Hùng chỉ đạo thực hiện. Khách hàng trong nước đặt mua xe ôtô qua các đại lý bán xe ở Hà Nội và Sài Gòn.

Sau khi trao đổi các thông tin bao gồm chủng loại, nhãn hiệu và màu sơn, các đại lý này sẽ thỏa thuận với Công việc mua xe, mỗi trường hợp này đều phải đặt trước từ 5.000 đến 10.000 USD. Lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước, Việt kiều hồi hương được đem theo một chiếc xe ôtô đã qua sử dụng thì được miễn thuế nhập khẩu, theo Thông tư 118 của Bộ Tài chính, đối tượng này thuê Việt kiều Mỹ đứng tên đăng ký xe, làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu xe ôtô về Việt Nam và cấp giấy phép nhập khẩu xe ôtô.

Khi xe vận chuyển vào Việt Nam, các Việt kiều về nước qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, thì trực tiếp gặp và đưa giấy tờ cho Trần Mạnh Hùng (gồm hộ chiếu Mỹ, hộ chiếu Việt Nam, một giấy xác minh hộ khẩu gốc, một giấy chứng nhận quyền sở hữu xe ôtô và một đăng ký xe ôtô do Mỹ cấp cho Việt kiều). Nếu qua sân bay Tân Sơn Nhất, các Việt kiều sẽ gặp Nguyễn Minh Sơn (trú tại quận 6, TP HCM). Căn cứ vào tình hình thực tế ở từng vùng, miền, Mạnh Hùng và Minh Sơn sẽ chuyển hồ sơ để việc nhập hộ khẩu được nhanh chóng và thuận lợi.

(Theo Công an nhân dân)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm