Cựu chủ tịch tập đoàn cao su khai gì tại tòa?

Sáng 6-8, TAND TP.HCM xử sơ thẩm vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tập đoàn Cao su Việt Nam - VRG.

Trước đó, VKS Tối cao đã truy tố năm bị cáo ra tòa gồm: Lê Quang Thung (cựu tổng giám đốc, cựu chủ tịch HĐTV Tập đoàn Cao su Việt Nam), Nguyễn Thành Châu (cựu tổng giám đốc, cựu chủ tịch HĐTV Công ty Cao su Đồng Nai), Nguyễn Hồng Phú (cưu giám đốc, nguyên chủ tịch HĐTV Công ty Cao su Phú Riềng, cựu phó tổng giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam), Nguyễn Văn Minh (cựu kế toán trưởng Công ty Cao su Đồng Nai) và Hoàng Văn Sơn (cựu kế toán trưởng Công ty Cao su Phú Riềng).

Các bị cáo tại phiên xử

Cơ quan tố tụng xác định nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên VRG Thung đóng vai trò chủ mưu khi trực tiếp chỉ đạo việc góp vốn trái quy định. Hành vi của Thung và đồng phạm vi phạm Luật Doanh nghiệp 2005, Quy chế Quản lý tài chính của công ty Nhà nước và quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác. Hành vi của các bị cáo đều phạm vào tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Cả năm bị cáo đều không mời luật sư bào chữa và không chấp nhận luật sư bào chữa do tòa án chỉ định mà tự bào chữa.

Theo cáo trạng, Tập đoàn Cao su Việt Nam là công ty mẹ trong Tập đoàn Công nghiệp cao su quốc gia Việt Nam do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ.
Trong thời gian từ năm 2007 đến năm 2008, Tập đoàn Cao su Việt Nam không có chủ trương thành lập, góp vốn vào Công ty Thủy sản Đồng Tháp. Tuy nhiên, ông Thung - tổng giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam - đã đứng ra tổ chức thành lập Công ty Thủy sản Đồng Tháp.
Sau khi thành lập, lợi dụng chức vụ là tổng giám đốc, ông Thung đã chỉ đạo nhiều lãnh đạo các đơn vị thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam gồm ông Châu, ông Phú sử dụng quỹ phúc lợi của công ty góp vốn vào Công ty Thủy sản Đồng Tháp trái quy định. 

Cựu chủ tịch Tập đoàn Cao su đang tự bào chữa tại tòa

Sau đó, ông Châu chỉ đạo kế toán trưởng là ông Minh thực hiện góp vốn vào Công ty Thủy sản Đồng Tháp 22,4 tỉ đồng bằng nguồn quỹ phúc lợi. Còn ông Phú chỉ đạo kế toán trưởng là ông Sơn thực hiện góp vốn vào Công ty Thủy sản Đồng Tháp 20,8 tỉ đồng bằng nguồn quỹ phúc lợi.
Công ty Thủy sản Đồng Tháp dừng hoạt động từ tháng 8-2012. Giá trị doanh nghiệp của công ty này tại thời điểm ngày 31-12-2017 là 9,5 tỉ đồng, giá trị vốn chủ sở hữu của công ty âm 78,3 tỉ đồng.

Năm 2014, Thanh tra Chính phủ phát hiện việc góp vốn đầu tư của các công ty con thuộc tập đoàn không hiệu quả, không thu hồi được vốn đầu tư, gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước. Sau đó, Bộ Công an đã tiếp nhận hồ sơ, làm rõ hành vi vi phạm trong việc góp vốn đầu tư của Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Phú Riềng.

Cáo trạng xác định hành vi của các bị cáo đã vi phạm luật doanh nghiệp, quy chế quản lý tài chính của doanh nghiệp nhà nước và quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác, quy định về việc phân cấp quyết định đầu tư các dự án đầu tư, góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp khác... dẫn đến hậu quả Công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Phú Riềng không thu hồi được tiền góp vốn, gây thiệt hại cho Nhà nước 43,2 tỉ đồng.

Tuy nhiên, xét các bị cáo có nhân thân tốt, đã khắc phục hậu quả, tuổi cao, là thương binh, quá trình công tác có nhiều đóng góp... Từ đó, VKS đề nghị HĐXX phạt bị cáo Thung từ 30 - 36 tháng án treo; hai bị cáo Châu và Minh mỗi người từ 20-30 thàng án treo; bị cáo Phú từ 30-36 tháng án treo; bị cáo Sơn từ 24-30 tháng án treo. 

Tại toà, bị cáo Thung thừa nhận các hành vi truy tố của cáo trạng. Nhưng ông Thung cho rằng khi thực hiện không biết đó là việc làm sai phạm. Bị cáo thực hiện những việc trên là do nhà nước có chủ trương năng động sáng tạo trong kinh doanh nên dù chưa có xin ý kiến cũng như chưa được sự đồng ý, bị cáo vẫn làm...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm