Vụ Vạn Thịnh Phát

Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn nhận hối lộ 5,2 triệu USD bị VKS đề nghị án chung thân

(PLO)- VKS xác định bị cáo Đỗ Thị Nhàn nhận hối lộ số tiền đặc biệt lớn gây bức xúc trong quần chúng, ảnh hưởng đến uy tín của ngành.

Chiều 19-3, đại diện VKS tiếp tục phần luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan.

Trong tổng số 86 bị cáo, VKS xác định các bị cáo đều là người có trình độ, nhận thức, đầy đủ năng lực, có khả năng nhận thức. Hành vi các bị cáo gây thất thoát đặc biệt lớn về kinh tế, tạo dư luận xấu trong xã hội, dư luận xấu với quốc tế nên phải xử lý nghiêm mới đủ sức răn đe.

Đối với 5 bị cáo bỏ trốn, cơ quan chức năng đã kêu gọi đầu thú nhưng các bị cáo từ bỏ quyền bảo vệ quyền lợi cho mình. Do đó, VKS xét thấy cần thiết áp dụng hình phạt nghiêm khắc với các bị cáo này.

Những bị cáo tại SCB chỉ là những người làm công ăn lương, đồng phạm giúp sức với bà Trương Mỹ Lan, không được hưởng lợi nên đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.

Bị cáo Trương Mỹ Lan bị VKS đề nghị mức án chung cho ba tội danh là tử hình. Bị cáo Chu Nap Kee Eric (Chu Lập Cơ, chồng Trương Mỹ Lan) bị đề nghị 11-12 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (bộ luật Hình sự 1999).

Đỗ Thị Nhàn
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn bị VKS đề nghị mức án chung thân về tội nhận hối lộ. Ảnh: HOÀNG GIANG

Bị cáo Trương Huệ Vân (cháu Trương Mỹ Lan) bị đề nghị 19-20 năm tù về tội tham ô tài sản.

Các bị cáo là cựu lãnh đạo ngân hàng SCB như Bùi Anh Dũng, Đinh Văn Thành (đang trốn truy nã), Võ Tấn Hoàng Văn bị đề nghị mức án chung thân. Theo đại diện VKS các bị cáo này phạm tội có tổ chức, phạm tội hai lần trở lên và dùng thủ đoạn tinh vi để phạm tội đây là các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo.

Đối với bị cáo Đỗ Thị Nhàn (trưởng đoàn thanh tra, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II thuộc NHNN) theo đại diện VKS đã nhận hối lộ với số tiền đặc biệt lớn là 5,2 triệu USD để chỉ đạo cấp dưới báo cáo và ban hành dự thảo Kết luận thanh tra không khách quan, không trung thực, không đúng thực trạng tài chính của SCB, bao che, bưng bít sai phạm của SCB.

Hành vi của bị cáo gây bức xúc trong dư luận quần chúng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Cơ quan thanh tra giám sát NHNN, do đó cần cách ly vĩnh viễn bị cáo này ra khỏi xã hội từ đó đề nghị về mức án chung thân về tội nhận hối lộ.

Bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN) bị đề nghị 14-15 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, các bị cáo Phạm Thu Phong, Lưu Quốc Thắng, Nguyễn Văn Du bị đề nghị mức án từ 3 năm tù cho hưởng án treo đến 4 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Cao Trí bị đề nghị 10-11 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Đại diện VKS cũng đề nghị mức án đối với năm bị cáo đang bị truy nã và được xét xử vắng mặt. Cụ thể, bị cáo Trầm Thích Tồn (thành viên HĐQT Ngân hàng SCB) bị đề nghị 15-16 năm tù. Nguyễn Thị Thu Sương (cựu chủ tịch HĐQT ngân hàng SCB) bị đề nghị 16-17 năm. Nguyễn Lâm Anh Vũ (phó Giám đốc ngân hàng SCB, chi nhánh Bến Thành) bị đề nghị từ 12-13 năm. Chiêm Minh Dũng (phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng SCB) bị đề nghị 16-17 năm tù.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Toàn cảnh hội thảo ‘Giải pháp xử lý tài sản thi hành án trong các vụ án kinh tế’

Toàn cảnh hội thảo ‘Giải pháp xử lý tài sản thi hành án trong các vụ án kinh tế’LENS

(PLO)- Sáng 14-5, báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức hội thảo “Góp ý sửa đổi Luật Thi hành án dân sự - Giải pháp xử lý tài sản thi hành án trong các vụ án kinh tế” tại Tân Sơn Nhất Pavillon (TP.HCM), với sự tham gia của lãnh đạo các sở, ban ngành, các chuyên gia trong lĩnh vực thi hành án, thẩm định giá bất động sản, dự án bất động sản; chuyên gia độc lập,…