Cựu giám đốc BV đa khoa Hòa Bình nói gì trước tòa?

Là một trong bốn bị cáo bị truy tố mới trong lần xét xử này, ông Trương Quý Dương, cựu giám đốc BV đa khoa tỉnh Hòa Bình, đối diện với tội danh thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, có khung hình phạt cao nhất lên tới 12 năm tù.

Bị cáo Trương Quý Dương (bìa trái) tại tòa. Ảnh: TP

Đứng trước HĐXX, bị cáo Dương trình bày nhiều căn cứ để phản bác lại những cáo buộc của VKSND tỉnh Hòa Bình. Hai trong số những điểm chính xuyên suốt lời khai của bị cáo này là việc khẳng định thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác đối với cấp dưới và đơn nguyên lọc máu được thành lập khi đã đáp ứng cơ bản các điều kiện cần thiết.

Cùng với đó, cựu giám đốc BV đa khoa tỉnh Hòa Bình cũng khai rất nhiều về thời điểm xảy ra sự cố, rằng bị cáo đã rất có trách nhiệm đối với gia đình các nạn nhân…

“Bị cáo xin được gói gọn trong từ đau khi nói về sự cố chạy thận khiến 9 nạn nhân tử vong. Đó là nỗi đau của các bệnh nhân, của thân nhân họ, của bị cáo, của đồng nghiệp và của ngành y tế…” – bị cáo Trương Quý Dương nói.

Ông Dương cho biết ngay sau khi được ông Hoàng Đình Khiếu (cựu phó giám đốc BV) báo cáo việc có bệnh nhân tử vong, bị cáo đã xuống hội ý với đội ngũ y bác sĩ và gọi điện tới BV Bạch Mai để tham vấn ý kiến. Song song với việc chỉ đạo, huy động lực lượng cứu chữa các bệnh nhân, bị cáo cùng các bác sĩ tiếp tục xin ý kiến lãnh đạo Sở, liên hệ với BV đa khoa TP Hòa Bình để chuyển bệnh nhân sang lọc thận.

Tiếp đó, bị cáo cùng lãnh đạo các cấp xử lý những việc còn lại, liên hệ các BV tuyến trung ương để chuyển các bệnh nhân tới, khẩn trương chia sẻ với gia đình có các nạn nhân tử vong, gửi ngay mỗi gia đình 10 triệu đồng để lo tang lễ, bố trí xe cộ đưa về an táng,…

“Tối ngày xảy ra sự cố, dù bận rất nhiều công việc nhưng sáng hôm sau, bị cáo tiếp tục chỉ đạo các nhân viên chia thành hai nhóm thay mặt cho bị cáo và BV xuống gia đình các bệnh nhân gửi thêm 10 triệu đồng…” – bị cáo Dương thuật lại.

Sau khi nghe cựu giám đốc trình bày về các chi tiết sau khi sự cố ập đến, chủ tọa đặt câu hỏi dù biết thông tin từ 9 giờ 30 nhưng đến 11 giờ 30 mới xuống đơn nguyên, liệu bị cáo đã làm hết trách nhiệm của mình chưa?

Ông Dương trả lời rằng với bối cảnh BV có gần 40 chuyên khoa và gần 700 cán bộ, khi lĩnh vực chuyên môn của chuyên ngành nào xảy ra vấn đề thì bác sĩ chuyên ngành đó liên hệ với các đầu mối, chuyên gia được đào tạo trong cùng lĩnh vực. Bị cáo thực tế là giám đốc BV nhưng chuyên môn là Khoa ngoại, BV cùng lúc rất nhiều việc, do vậy phải có các phó giám đốc, trưởng khoa…. Cựu giám đốc BV nói tới đây thì bị chủ tọa ngắt lời.

Đáng chú ý, bị cáo Trương Quý Dương khai rằng thời điểm xảy ra sự việc không ai nói đến ngộ độc mà chỉ mới xác định là dị ứng. Khi được ông Hoàng Đình Khiếu thông báo, bị cáo có nói rằng đang rất bận nên đề nghị thay mặt mình giải quyết, khi nào có diễn biến xấu thì báo lại để xuống. Tuy nhiên, khi ông Khiếu chưa kịp báo thì bị cáo đã xuống Khoa Hồi sức tích cực rồi…

Theo dự kiến, phiên tòa sẽ diễn ra trong nhiều ngày. HĐXX, đại diện VKS và các luật sư sẽ tiếp tục đặt nhiều câu hỏi để làm rõ trách nhiệm của cựu giám đốc BV đa khoa tỉnh Hòa Bình trong sự cố chạy thận nói trên.

Cáo trạng của VKSND tỉnh Hòa Bình cáo buộc ông Trương Quý Dương không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao, buông lỏng trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; thiếu kiểm tra thường xuyên đối với cấp dưới, để cho cấp dưới có những vi phạm nghiêm trọng trong một thời gian dài, đã vi phạm nhiều quy định.

Trong đó, bị cáo là người ký quyết định thành lập Đơn nguyên lọc máu. Tuy nhiên, từ khi thành lập Đơn nguyên, bị cáo không bố trí kỹ sư, kỹ thuật viên, cũng không phân công ai làm nhiệm vụ của kỹ sư, kỹ thuật viên để kiểm tra chất lượng nước, chất lượng dịch lọc trước, trong và sau khi lọc máu. Từ năm 2014 đến 2017, bị cáo cũng không có quyết định giao nguời phụ trách Đơn nguyên lọc máu.

Cựu giám đốc BV còn không chỉ đạo Phòng Vật tư thiết bị y tế xây dựng và ban hành quy định vận hành, bảo quản và kỹ thuật an toàn sử dụng hệ thống RO; không sâu sát trong kiểm tra dẫn tới không phát hiện việc đơn nguyên lọc máu thường xuyên sử dụng hệ thống RO ngay sau sửa chữa, không chờ kết quả xét nghiệm chất lượng nguồn nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới