Cựu giám đốc ngân hàng bị đề nghị 8-9 năm tù vụ doanh nghiệp bỏ trốn

(PLO)- Theo VKS, hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm, đã xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước trong lĩnh vực cho vay của các tổ chức tín dụng.

Ngày 15-3, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử bảy bị cáo gây thất thoát 180 tỉ đồng trong vụ án vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Cả bảy bị cáo đều là cựu nhân viên của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển - BIDV.

Đối với nhóm bị cáo thuộc BIDV chi nhánh Thành Đô, đại diện VKS đề nghị tòa tuyên phạt Đỗ Quốc Hùng (cựu giám đốc) 8-9 năm tù, Lưu Bích Thủy (cựu phó giám đốc) 7-8 năm tù, Nguyễn Văn Hà (cựu trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp 3) 5-6 năm tù, Lại Minh Ngọc, Phạm Anh Tài từ ba năm sáu tháng đến bốn năm sáu tháng tù.

Hai bị cáo thuộc BIDV Tây Nam Quảng Ninh là Lê Vũ Thanh (cựu giám đốc), Đỗ Xuân Khoan (cựu phó giám đốc) bị đề nghị mức án 30-36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: BT

Theo đại diện VKS, trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được trong quá trình điều tra và qua thẩm vấn công khai tại phiên tòa, đủ cơ sở khẳng định việc truy tố các bị cáo về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước trong lĩnh vực cho vay của các tổ chức tín dụng.

Để khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, Nhà nước đã tạo nhiều điều kiện cũng như tạo hành lang pháp lý giúp cho các doanh nghiệp hoạt động.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà các ngân hàng khi được nhà nước trao quyền lại không thận trọng trong triển khai khi thực hiện; không đánh giá đúng các yếu tố, nguy cơ rủi ro; không đánh giá đúng năng lực tài chính; thực hiện không đúng trong việc thẩm định cho vay đối với các dự án nói chung và dự án Kenmark nói riêng.

Kết quả thẩm vấn tại phiên tòa đã làm rõ nội dung và các tình tiết của vụ án, làm rõ các chứng cứ và tài liệu thu thập được trong quá trình điều tra, truy tố.

Trong thời gian từ ngày 4-12-2007 đến ngày 11-12-2007, tổ thẩm định dự án Việt Hòa - Kenmark gồm bị cáo Hùng và đồng phạm đã đánh giá không đúng mức về các yếu tố rủi ro.

Hồ sơ của Công ty Kenmark không đầy đủ tài liệu theo quy định của Luật Xây dựng. Dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hiệu quả, khả thi, không phù hợp với quy định của pháp luật. Năng lực tài chính không đảm bảo khả năng trả nợ trong thời hạn cam kết.

Dù vậy, tổ thẩm định vẫn báo cáo kết quả thẩm định xác định dự án đầu tư của Công ty Kenmark đáp ứng được các điều kiện cho vay theo quy định, phương án đầu tư có hiệu quả, khả thi, hồ sơ pháp lý đầy đủ, dẫn đến giải quyết cho vay 52,8 triệu USD và 57,4 tỉ đồng trái quy định.

Các bị cáo không thực hiện đúng yêu cầu về hình thức giải ngân hai bước theo chỉ đạo của BIDV dẫn đến thất thoát số tiền lớn.

Khi Công ty Kenmark dừng hoạt động, đại diện pháp luật xuất cảnh khỏi Việt Nam, các ngân hàng thu nợ và bán đấu giá tài sản đảm bảo của công ty này. Đối trừ số tiền cho Công ty Kenmark vay tính đến ngày khởi tố vụ án, dư nợ không có khả năng thu hồi của công ty tại BIDV, SHB là 15,5 triệu USD, tương đương 360,5 tỉ đồng.

Đến nay, sau khi các bị cáo đã nộp tiền khắc phục thiệt hại, số tiền Công ty Kenmark còn dư nợ không thu hồi được tại BIDV là 178 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới