Cựu giám đốc ngân hàng bị phạt 14 năm tù

Sáng 5-6, TAND TP.HCM tuyên án vụ Lê Quốc Cường - cựu trưởng Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) quận 1, TP.HCM lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ và cố ý làm trái.

HĐXX đã tuyên phạt Cường bảy năm sáu tháng tù về hai tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ và cố ý làm trái. Cấp dưới Huỳnh Thị Cúc (cựu thủ quỹ Ban BTGPMB quận 1) chín tháng án treo về tội cố ý làm trái.

Các bị cáo nghe toà tuyên án. Ảnh: H.Y

Bị cáo Lê Thị Minh Hiền (cựu giám đốc Ngân hàng Dầu khí toàn cầu TP.HCM - GPBank TP.HCM) bị phạt 14 năm tù và Nghiêm Tiến Sỹ (cựu phó tổng giám đốc GPBank TP.HCM) bảy năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

HĐXX cho rằng việc điều tra cơ bản đúng quy định, có một số sai sót tuy nhiên đã khắc phục và không ảnh hưởng làm thay đổi bản chất vụ án.

Căn cứ vào hồ sơ, tòa không chấp nhận lời khai của bị cáo Hiền cũng như bào chữa của luật sư. Bị cáo này có dấu hiệu của phạm tội khác nên cần kiến nghị làm rõ.

Phó giám đốc GPBbank tiếp tay cho Hiền nên cũng cần kiến nghị. Sỹ biết việc Hiền làm, vẫn chỉ đạo nhân viên lập phiếu chi khống. Từ đó, HĐXX không có căn cứ lời bào chữa của Sỹ. Sỹ không hưởng lợi nhưng không phải là căn cứ duy nhất để buộc tội.

HĐXX nhận định cáo trạng cáo buộc các bị cáo là đúng người đúng tội. Trong đó, bị cáo Hiền giữ vai trò chính vì động cơ vụ lợi, không thành khẩn khai báo. Hành vi của bị cáo này là nghiêm trọng, số tiền chiếm đoạt là có khả năng thu hồi được. 

Bị cáo Sỹ vì tình cảm cá nhân muốn giúp Hiền, có vai trò giúp sức đáng kể. Sỹ đã lợi dụng chức vụ không đúng, nhận thức chưa đúng nên được áp dụng thành khẩn khai báo.

Cựu trưởng Ban BTGPMB, bị cáo Cường nhân thân tốt, khắc phục hậu quả, thành khẩn khai báo, không vì vụ lợi nên xem xét giảm nhẹ. Cấp dưới Cúc đồng phạm thứ yếu, bị lệ thuộc, nhân thân tốt, giảm nhẹ, nơi cư trú rõ ràng.

Bị cáo Hiền không nhận tội cho rằng không vụ lợi, không có hành vi trái pháp luật. Cường nhận tội do tin tưởng Hiền, khắc phục một phần hậu quả, gia đình có công với cách mạng, số tiền còn nằm trong GPBank. HĐXX cũng kiến nghị xem xét hai người về việc sử dụng con dấu trong vụ án.

Trước đó, VKS đề nghị phạt bị cáo Hiền 19-20 năm tù, Sỹ 2-3 năm tù về tội lừa đảo. Cựu trưởng Ban BTGPMB quận 1, ông Cường bị đề nghị 7-9 năm tù về hai tội và cấp dưới bà Cúc bị đề nghị 1-2 án treo về tội cố ý làm trái.

Các luật sư bào chữa cho bị cáo Hiền theo hướng kêu oan. Cụ thể, luật sư cho rằng án này truy tố theo lời khai và các văn bản photo không có bản gốc. Cơ quan điều tra và VKS lấy văn bản này và cho rằng đã có chứng cứ gốc để buộc tội bà Hiền. 

Bị cáo Cường (tóc bạc) tại phiên xử. Ảnh: H.Y

Tuy nhiên theo luật sư, con dấu trên văn bản này không phải con dấu của GPBankvào thời điểm xảy ra vụ việc. Đây là văn bản ngụy tạo nên tòa từng trả hồ sơ yêu cầu giám định nhưng sau đó, VKS không đồng ý giám định theo yêu cầu vì cho là không cần thiết.

Còn bị cáo Sĩ trình bày ba lý do kêu oan. Đó là sai phạm xảy ra trước khi bị cáo nhận chức giám đốc, bị cáo không biết việc làm mà theo VKS là sai trái của bị cáo Hiền và bị cáo không được hưởng lợi gì.

Trong khi đó, cựu trưởng Ban BTGPMB, ông Cường thừa nhận hành vi như cáo buộc và nêu rằng đã khắc phục hậu quả. Bị cáo Cường nói đã tự nguyện khắc phục 5,1 tỉ đồng, một công ty liên quan cũng chuyển trả trên 5 tỉ đồng.

Vụ án cơ bản khắc phục hậu quả về thiệt hại. Vợ ông Cường xin HĐXX xem xét giải tỏa kê biên căn nhà của hai vợ chồng, nhằm cầm cố vay mượn để khắc phục hậu quả.

VKS phần đối đáp giữ nguyên quan điểm truy tố năm 2010 khi giữ cương vị trưởng Ban BTGPMB quận 1, ông Cường ký giấy đề nghị chuyển tiền từ tài khoản của Ban mở tại một ngân hàng sang tài khoản ngân hàng khác trên địa bàn TP.HCM.

Ông Cường chấp thuận việc tất toán tài khoản mà không có ủy nhiệm chi, không theo thủ tục, quy định. Chính sự tắc trách của ông Cường đã để cho bà Hiền chiếm đoạt 10,5 tỉ đồng của Ban BTGPMB quận 1.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm