Sách kể về những câu chuyện "bếp núc", những suy tư sau sân cỏ vốn được ít người biết đến giúp người đọc phần nào hiểu thêm về bóng đá Việt Nam, về những con người đã, đang, sẽ cống hiến cho nền bóng đá nước nhà cùng những tâm sự nghẹn lòng của chính tác giả về cuộc sống, gia đình...
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn, nhấn mạnh: "Đây là lần đầu tiên một người sống, làm việc trong làng thể thao giới thiệu cuốn sách như cách tiếp cận một phần sự thật về bóng đá nước nhà. Cuốn sách thấm đẫm tình người này đã chạm đến nỗi đau, sự chia sẻ, cảm thông trong cuộc sống, giúp người đọc thấy những thăng trầm để hiểu rõ, cảm nhận được hết vẻ đẹp của cuộc đời".
Đọc cuốn sách, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thấy để một trái bóng đi được vào gôn của đối phương, cầu thủ cũng phải trải qua nhiều khó khăn, thách thức. Cuộc đời Ngô Tử Hà cũng giống như là một trái bóng - trái bóng luôn bay đến sự công bằng, sự thật.
Nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục thể thao Hà Quang Dự cũng đã bày tỏ cảm nghĩ của mình về tác giả cũng như tác phẩm của Ngô Tử Hà. Ông cho rằng đây là một cuốn sách cung cấp khá đầy đủ các góc nhìn, kể cả những góc khuất của bóng đá. Khi còn là cầu thủ, Ngô Tử Hà thích tấn công trực diện, không thích dùng những đường bóng lắt léo. Trên cương vị quản lý, ông vẫn giữ nguyên phẩm chất của người cầu thủ. Cuốn sách là sự chia sẻ kinh nghiệm, gợi ý hay cho các nhà quản lý trên con đường phát triển thể thao nói chung và bóng đá nói riêng.
Ông Ngô Tử Hà (trái) tác giả cuốn sách tại buổi ra mắt.
Cuốn tự truyện ngoài việc kể về con người và hành trình của tác giả với bóng đá còn phần nào hé lộ những góc khuất xung quanh bộ môn thể thao vua này. Điển hình như trong phần VIII với tựa đề: Về bộ môn bóng đá, tác giả Ngô Tử Hà đã kể việc mình từng bị mua chuộc nhưng ông đều từ chối. Thậm chí có trường hợp ông còn nổi nóng nói với người đối diện: “Anh nghĩ tôi là cái gì mà mang tiền ra trả giá”.
Trong phần “Hiểm họa”, sách còn dẫn một câu chuyện có trọng tài nói với ông: “Sao anh dại thế, các anh kia tranh thủ tới số cả, đến các tỉnh biên giới là mỗi anh nhờ địa phương mua cho một cái xe máy Cúp loại đã qua sử dụng, có anh hai cái nhưng có phải trả tiền đâu”.
Nói thêm về cuốn sách, nhà văn Chu Lai cho hay: "Ngô Tử Hà viết về bóng đá như cái cớ để làm bật lên tình yêu của con người. Trong sách, tác giả thể hiện một cái nhìn nhân văn, trầm tĩnh, biện chứng và trung thực trước những sự vật còn đang ngổn ngang, nhức nhối. Ở tuổi 71, Ngô Tử Hà không cầu danh, không cầu lợi, không có khát vọng là “quả nổ” trong làng bóng đá. Bởi vậy, cuốn sách có thể coi là tiếng chuông cảnh tỉnh để những nhà quản lý, các cầu thủ đề cao, thúc đẩy sự tử tế".