Cứu sống bệnh nhân mang u xương ức to bằng cái tô

Sau phẫu thuật, bệnh nhân đã hồi phục nhanh chóng và đã được xuất viện.

Theo BS Vĩnh, đây là ca u xương ức to, phức tạp đầu tiên mà ông gặp ở Việt Nam. Trên thế giới, u khủng như vậy cũng hiếm gặp.


 U khổng lồ của chị Trang trên bàn mổ. Ảnh do BV cung cấp

Chị Trang cho biết cách đây 10 năm chị phát hiện ở giữa ngực (xương ức) một cục u bằng trái chanh. Đi khám thì bác sĩ nói u mỡ lành tính nên chị yên dạ. Ba năm trở lại đây, khối u bỗng dưng phát triển nhanh chóng khiến chị khổ sở, khó thở, khó khăn trong sinh hoạt và nhất là mất thẩm mỹ khi mặc đồ. Chị đã đi cầu cứu nhiều nơi nhưng đều nhận được những cái lắc đầu.

Hơn ba tháng trước, khối u bị sứt một mảng, máu chảy ồ ạt mất gần một lít. Chị Trang  được gia đình đưa đến BV Chợ Rẫy cấp cứu. Sau khi trở về, chị lại phải nhập viện tiếp vì chảy máu ồ ạt. "Mẹ rất khổ sở, tôi nghĩ mẹ khó sống được lâu nữa vì đi đâu người ta cũng không dám mổ" - chị Như, con gái bệnh nhân, tâm sự. Còn chị Trang thì nói: "Trước đây tôi nói to, rõ. Nhưng từ khi bị khối u chèn ép, tôi nói chuyện như người hết hơi, không ra tiếng".


Chị Trang từng nghĩ mình không thể sống vì khối u quái đản nhưng nay chị và gia đình đều hạnh phúc. Ảnh: Tùng Sơn

"Chúng tôi đã từng gặp bệnh nhân có u xương ức rất nhỏ nhưng rất sợ, vì mổ chỗ  này bệnh nhân dễ mất máu,  tử vong. Trường hợp của bệnh nhân Trang có khối u quá to, chiếm toàn bộ xương ức, kết quả chẩn đoán hình ảnh cũng cho thấy khối u ăn vào trong với kích thước to, lồi ra ngoài, chèn ép tim phổi bệnh nhân" - BS Vĩnh nói.

Theo BS Vĩnh, ca bệnh này nhiều ý kiến cho rằng không nên mổ vì bệnh nhân có khả năng tử vong lên đến 100% do mất máu. Mặt khác, gia đình bệnh nhân cũng đã hết tuyệt vọng và nghĩ rằng chị Trang sẽ không qua khỏi. Trong khi bệnh viện đang tìm phương pháp mổ thì bệnh nhân chảy máu ồ ạt lần thứ ba, lần này mất đến ba lít máu. Nếu không mổ giải quyết khối u, bệnh nhân có nguy cơ chết ngay.

"Chúng tôi dự tính bơm chất tắt mạch vào hai động mạch máu chính nuôi xương ức, rạch hai bên khối u, đi vào trong bứng toàn bộ khối u từ bên trong ra ngoài. Kế hoạch chuẩn bị khoảng 20-30 đơn vị máu được đặt ra và tình huống xấu nhất cũng đã được dự hậu" - BS Vĩnh cho biết thêm.


 Chị Trang (bìa phải) đã hồi phục lại sau ca phẫu thuật. Ảnh: Tùng Sơn.

10 ngày trước, bệnh nhân lên bàn mổ. Sau bốn giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã bóc tách toàn bộ khối u đưa ra ngoài. Phần xương ức, thành ngực bị mất được tạo hình bằng hai tấm titan, mỗi tấm 15x20 cm. "Ca phẫu thuật thành công ngoài sức tưởng tượng, ai cũng bất ngờ. Bệnh nhân mất ít máu, được truyền ba đơn vị máu và hồi phục một cách nhanh chóng" - BS Vĩnh nói.

Đây là nhu nhầy sợi lành tính, tuy nhiên, nếu u phát triển quá mức sẽ chèn ép và phá hủy nhiều cơ quan. BS Vĩnh nói vui: "Sau khi lành lặn, bệnh nhân có thể hát karaoke bình thường như trước khi mắc bệnh".
BS Vĩnh cũng khuyến cáo, xương ức là xương duy nhất của cơ thể mà khi nó bị tổn thương thì không có gì thay thế được. Khi phát hiện bất thường trên xương ức, người dân thì cần đi khám để bác sĩ chẩn đoán đúng, điều trị kịp thời, tránh để u phát triển làm giảm chất lượng cuộc sống và đe dọa tử vong. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới