Cứu sống hơn 3.000 trẻ mắc bệnh tim

10 năm qua (2004-2014), Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 đã phẫu thuật tim cho 3.115 trẻ, thông tim cho trên 3.300 trẻ. Những con số biết nói này đã phản ánh những nỗ lực không mệt mỏi của tập thể y, bác sĩ (BS) BV Nhi đồng 1
(TP.HCM) trong việc giành lấy sự sống cho các trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh.

Hội ý hơn 10 lần để cứu trẻ

Tuần qua, bé NTPA (sinh ngày 2-4-2011, cân nặng 3 kg, Đồng Nai) đã tái khám sau ba năm mổ tim. Kết quả chẩn đoán bệnh nhi hoàn toàn bình thường. Năm 2011, ngay khi vừa sinh, bệnh nhi có triệu chứng khó thở, bỏ bú và được xác định là bị bệnh tim bẩm sinh nặng,

Tại BV Nhi đồng 1, kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy động mạch vành bên trái của bệnh nhi thay vì xuất phát từ động mạch chủ thì xuất phát từ động mạch… phổi, dẫn đến tim thiếu máu. Bệnh nhi được phẫu thuật đưa động mạch vành về đúng vị trí.

Ngày 28-5, một bé trai trong cặp song sinh con bà NBN (An Giang) vừa ra đời, nặng 2 kg, được chuyển lên BV Nhi đồng 1 trong tình trạng suy hô hấp, phải thở máy. Các BS chẩn đoán bệnh nhi bị bất thường hồi lưu tĩnh mạch phổi. Bình thường tĩnh mạch phổi đổ vào tim, đằng này bốn tĩnh mạch phổi chui dưới bụng vào tĩnh mạch gan. Ngày 1-6, bệnh nhi được phẫu thuật. Sau ba tuần hồi sức, bệnh nhi đã xuất viện. Đây là ca bệnh tim trẻ em nhẹ ký nhất mà BV này thực hiện.

Ngày 5-12-2014, bé NVT (Cần Thơ, 10 tuổi mà chỉ nặng 10 kg) nhập viện vì ói ra máu, phải truyền máu cấp cứu. Kết quả khám tại Cần Thơ chẩn đoán bệnh nhi bị thông lỗ van động mạch phổi, thông liên thất... Nhiều BV đã khám và từ chối mổ. Sau khi đến BV Nhi đồng 1, các BS đã thông tim, đo đạc kháng lực mạch máu phổi. Nhóm BS đã họp không dưới 10 lần, lý do vì ca bệnh này quá nặng, các BV khác đã từ chối. Nhưng sau cùng các BS quyết định mổ, tạo cho bệnh nhi một cơ hội sống dù mong manh. Và nỗ lực của họ đã thành công.

Dù trẻ được mổ tim ngày càng nhiều nhưng danh sách trẻ chờ phẫu thuật cũng không giảm đi. Trong ảnh: Trẻ vừa phẫu thuật tim đang được chăm sóc tại BV Nhi đồng 1. Ảnh: TÙNG SƠN

Đi học nghề mổ tim

Kể lại những câu chuyện trên, PGS-TS-BS Vũ Minh Phúc, Trưởng khoa Tim mạch BV Nhi đồng 1, không giấu được xúc động. Theo bà, thời điểm trước năm 2004, trẻ bệnh tim nặng ở Việt Nam coi như hết hy vọng vì không chữa được, trong khi thế giới đã làm tốt rồi. Trước đó vài năm, Viện Tim TP.HCM cũng đã mổ tim nhưng ở đó mổ cho cả trẻ em và người lớn nên thời gian chờ đợi rất lâu dù trẻ em được ưu tiên. Trước tình hình đó, khoa Tim mạch và BV Nhi đồng 1 đã bàn và xác định phải đi học mổ tim để cứu các trẻ.

Bà Phúc cho biết từ năm 2004 đến 2007, BV cử trên 50 người đi học tại Viện Tim và gửi một nhóm ra nước ngoài học kỹ thuật mổ tim tiên tiến. Ngày 1-6-2007, BV mổ ca tim hở đầu tiên. Năm 2009, BV thông tim can thiệp (nội soi). Từ năm 2010, BV đã mổ tim hở cho trẻ sơ sinh mang bệnh lý tim bẩm sinh vô cùng phức tạp.

Những bước đi này chậm nhưng vững chắc. Nguồn nhân lực ban đầu chỉ có 38 người nay lên 112 người gồm phẫu thuật viên, bác sĩ gây mê, hồi sức… Song song đó là phát triển các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, hồi sức, vật lý trị liệu, dinh dưỡng

TS-BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc BV Nhi đồng 1, nhớ lại: “Ngày 1-6-2007 dự kiến sẽ mổ ca tim hở đầu tiên nhưng tối hôm trước mưa tầm tã, phòng mổ vì lý do gì đó bị thấm dột. Giám đốc BV lúc ấy là TS-BS Tăng Chí Thượng đã huy động người vào lau dọn phòng mổ để đến sáng phòng mổ khô mới tiến hành phẫu thuật được. Nhưng cũng nhờ sự quyết tâm vượt qua khó khăn đó mà BV đã cứu sống những ca nặng, điều mà trước đây tưởng chừng như vô vọng”.

Vẫn còn 1.300 trẻ đang chờ mổ

Hiện BV Nhi đồng 1 còn 1.300 trẻ nằm trong danh sách chờ mổ. Theo lịch mổ hiện tại, mỗi ngày 1-3 ca thì phải đến gần hai năm nữa mới mổ hết. Trong khi đó, số trẻ mắc bệnh tim mới ra đời mỗi năm là 10.000 trẻ. Như vậy, những đứa trẻ trong khi chờ mổ thì bệnh nhẹ sẽ chuyển sang nặng và cũng có trẻ có thể chưa đến ngày mổ đã ra đi. Đó là điều mà các y, BS trăn trở nhất.

“Suốt ngày chúng tôi lo cho những ca nặng trước. Những ca nhẹ do phải chờ trở thành nặng. Đó là nỗi khổ của người làm chuyên môn. Thậm chí chúng tôi mổ luôn ngoài giờ thứ Bảy, Chủ nhật nhưng vẫn không giảm được số trẻ chờ bao nhiêu” - ông Phúc tâm sự.

PGS-TS-BS Phúc cho biết BV đã đề ra biện pháp trước mắt là tăng số phòng mổ lên hai phòng. Thứ hai là mở thêm phòng hồi sức với 30 giường. Về lâu dài, BV đang phối hợp với Hội Tim mạch nhi và tim bẩm sinh lập mạng lưới quản lý về tim mạch nhi và tim bẩm sinh ở các tỉnh phía Nam. Mong muốn từ việc xây dựng mạng lưới là làm sao cho lực lượng điều trị tim mạch nhi ở các địa phương phát triển mạnh.

TS-BS Nguyễn Thanh Hùng thông tin thêm BV Nhi đồng TP với 1.000 giường sẽ hoàn thành vào giữa cuối năm 2016; UBND TP và Sở Y tế xác định trọng tâm ở đó là chương trình phẫu thuật tim, lúc đó sẽ giải quyết được rất nhiều cháu đang chờ.

Đã giải quyết được những ca khó

Hiện mỗi ngày BV Nhi đồng 1 mổ tim 1-3 ca, thông tim 4-7 ca. Tỉ lệ tử vong trong phẫu thuật từ 7,7% vào năm 2004 xuống còn 1,1% vào năm 2014, giảm gần tám lần. BV đã giải quyết được hầu hết ca khó mà trước đây phải ra nước ngoài.

Chi phí mổ tim cho trẻ dưới sáu tuổi được Nhà nước trả 80%, còn lại nếu người nhà không trả được thì các tổ chức trợ giúp xã hội sẽ lo. Riêng thông tim can thiệp dưới sáu tuổi Nhà nước trả 100%. Trẻ trên sáu tuổi BHYT trả 80%.

PGS-TS-BS VŨ MINH PHÚC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm